Công nhân không về quê, vui lễ trong nhà trọ chật hẹp
(Dân trí) - Dù công việc đã ổn định trở lại, nhiều công nhân vẫn không về thăm nhà dịp lễ Quốc khánh 2/9 để tiết kiệm chi phí, phòng khi rơi vào cảnh khó khăn.
Trời đổ cơn mưa lớn, nữ công nhân Ngô Thị Hân (ngụ tại TPHCM), thở phào khi căn trọ chưa đầy 12m2 đỡ nóng bức hơn. Nhìn các con đang chăm chỉ xem lại bài để chuẩn bị cho năm học mới, chị Hân nửa vui, nửa buồn.
Nữ công nhân phần thấy chạnh lòng, phần xót xa khi lễ Quốc khánh 2/9 năm nay lại không thể cho con về ở tỉnh Nghệ An để thăm ông bà. Mỗi khi nhắc đến chuyện về quê, chị Hân lại thở dài. Không riêng lễ Quốc khánh 2/9, đợt Tết và lễ 30/4-1/5 vừa rồi, gia đình chị cũng ở lại thành phố.
"2-3 năm tôi mới dám về quê một lần. Chi phí đi lại vào những ngày lễ thường đắt đỏ, về nhà cũng phải lo ăn uống, chi tiêu các thứ, không thể về tay không được. Mỗi chuyến về quê cũng ngót nghét không dưới 10 triệu đồng", chị Hân nói.
Để tiết kiệm chi phí, nữ công nhân đành gửi con trai lớn ở quê cho ba mẹ chăm giúp, chỉ giữ lại con gái nhỏ ở thành phố. Năm nay, con trai vừa vào lớp 1, gia đình chị cũng phải đau đầu gánh thêm nhiều khoản phí đang vây quanh.
Thỉnh thoảng, nghe con trai hỏi câu "khi nào ba mẹ và chị về thăm con?", nữ công nhân đành lảng sang chuyện khác, nén nước mắt vào trong. Tháng trước, chị Hân vừa gửi tiền về nhờ ba mẹ mua ít bánh trái cho con trai, an ủi con trong những ngày lễ không có ba mẹ cạnh bên.
"Đồng lương ít ỏi, chỉ đủ chi tiêu trong gia đình hằng tháng. Bản thân tôi đành hi sinh những khoảnh khắc đoàn tụ gia đình để chu toàn mọi thứ đủ đầy, đổi lấy tương lai tốt hơn cho các con", chị Hân tâm sự.
Đồng cảnh ngộ với nhiều công nhân khác, chị Bích Tuyền (36 tuổi, quê tại tỉnh An Giang) cũng không về quê vào dịp lễ này mà quyết định ở lại thành phố.
Nhớ lại đợt nhà máy sa thải liên tục vào năm ngoái, chị Tuyền chưa khỏi "rùng mình" và sợ hãi khi bản thân suýt trở thành một trong những công nhân nằm trong danh sách giảm biên chế.
Năm 2023 là khoảng thời gian đầy khó khăn đối với chị và nhiều công nhân khác, bởi nếu không bị sa thải thì họ cũng rơi vào cảnh bị giảm giờ làm, giảm lương.
"Lúc ấy, tiền không đủ tiêu, phải đi mượn khắp nơi, cuộc sống lúc nào cũng thiếu thốn vì trước đó không quen tiết kiệm, tích cóp. Bây giờ, mọi thứ đã ổn định, tôi đã được tăng ca đều ở nhà máy nhưng vẫn không dám tiêu xài thoải mái như trước nữa. Bản thân lúc nào cũng tự nhắc phải thật tiết kiệm, phòng khi cuộc sống rơi vào cảnh khó khăn một lần nữa", chị Tuyền nói.
Nhắc về chuyện về quê, nữ công nhân lắc đầu ngao ngán bởi chi phí của mỗi chuyến đi như thế đều tiêu tốn không ít tiền dành dụm của hai vợ chồng. Con ngày một lớn, chị Tuyền dự tính sắp tới sẽ có nhiều khoản phải xén bớt.
Gia đình của nam công nhân Nguyễn Văn Hận (ngụ tại quận 8, TPHCM) cũng quyết định không về quê trong đợt lễ Quốc khánh 2/9 năm nay.
"Một phần để tiết kiệm chi phí, một phần là bởi vợ con, anh em ruột cũng không về mà ở lại phòng trọ. Những dịp này, chúng tôi thường tự nấu nướng, tổ chức ăn uống cùng nhau. Nhưng mọi thứ cũng chỉ được chuẩn bị đơn sơ, không để quá tốn kém", anh Hận chia sẻ.