Đắk Lắk:
"Con ước mong có cha mẹ như bao bạn khác"
(Dân trí) - Đó là câu trả lời của hai chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ khi được hỏi về ước mơ lớn nhất cuộc đời. Nhận "mẹ đỡ đầu", hai bé gái mong các bạn bè đồng cảnh ngộ cũng có được sự sẻ chia, nâng đỡ...
Ngày 22/6, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Đắk Lắk tổ chức chương trình "Mẹ đỡ đầu - Kết nối vòng tay yêu thương" nhằm hỗ trợ trẻ em mồ côi trên địa bàn, trong đó có trẻ mồ côi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Báo cáo tại chương trình, bà Tô Thị Tâm - Chủ tịch Hội LHPN Đắk Lắk cho biết, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có 18 trẻ mồ côi cha, mẹ do dịch Covid-19, trên 2.200 trẻ mồ côi vì các nguyên nhân khác.
"Các em đều đang ở độ tuổi cần vòng tay yêu thương, sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ, người thân mà đột ngột rơi vào hoàn cảnh bơ vơ không nơi nương tựa. Biến cố gia đình ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và việc học tập của các em.
Hơn lúc nào hết, các em rất cần nhận được sự quan tâm đặc biệt và giải pháp toàn diện để hỗ trợ chăm sóc trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài", bà Tâm nhấn mạnh.
Trong chương trình, câu chuyện của hai chị em Đ.N.N.T (8 tuổi) và Đ.N.N.P (6 tuổi, trú tại Buôn Ea Kring, xã Ea Sin, huyện Krông Búk) khiến nhiều người không kìm được nước mắt. Cách đây 3 năm, bố hai em bị tai nạn giao thông nặng dẫn đến tử vong, người mẹ do quá đau buồn, bế tắc nên tìm đến cái chết chỉ ít ngày sau đó, để lại hai con thơ cho bà ngoại chăm nom.
Khi được hỏi về ước mơ của cuộc đời, bé N.P bật khóc: "Con mong ước được có ba mẹ như bao bạn khác, nhưng ba mẹ con đã mất cả rồi…".
Trước hoàn cảnh của hai chị em, hai nữ doanh nhân ở Đắk Lắk đã nhận làm "mẹ đỡ đầu" các em. Trong đó, một doanh nghiệp sẽ đỡ đầu gián tiếp hai bé trong 5 năm, thông qua Hội LHPN, với khoản hỗ trợ 90 triệu đồng.
Phát biểu tại chương trình, bà Trần Lan Phương - Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam thông tin, trên cả nước, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, khiến trên 4.000 trẻ em trở thành mồ côi. Đó là nỗi đau thương, mất mát lớn lao với mỗi gia đình và toàn xã hội, trong đó, trẻ em chính là những đối tượng chịu nhiều mất mát, thiệt thòi nhất.
Theo bà Lan Phương, biến cố, mất mát ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần, tâm lý của trẻ. Trẻ đồng thời phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, cũng như nguy cơ mất đi cơ hội thành công trong cuộc sống sau này. Hơn lúc nào hết, các cháu đang rất cần sự quan tâm đặc biệt và giải pháp toàn diện để kịp thời nâng đỡ, chăm sóc phù hợp và lâu dài.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam đánh giá cao kết quả sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương, sự ủng hộ nhiệt tình của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đồng hành với chương trình "mẹ đỡ đầu".
Trăn trở với con số 2.100 trẻ mồ côi trên địa bàn chưa có "mẹ đỡ đầu", bà Lan Phương nhấn mạnh, đây là con số không nhỏ, đòi hỏi chính quyền cùng cả cộng đồng phải nỗ lực, có kế hoạch, giải pháp cụ thể.
"Các em cần nhiều hơn nữa những vòng tay giang rộng, sẻ chia, để những khoảng trống thiếu thốn về tình cảm với trẻ em mồ côi dần được bù đắp bởi "mẹ đỡ đầu", giúp các em có được cơ hội phát bình thường, toàn diện như bao trẻ khác", bà Lan Phương kêu gọi.