Con gái bị người tình xâm hại tình dục, nhiều người mẹ chọn cách... im lặng

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, rất nhiều bé gái bị chính mẹ ruột và người tình của mẹ nhiều lần xâm hại. Con là nạn nhân nhưng người mẹ không kiên quyết báo tin, tố giác tội phạm.

Mới đây, tại Hà Nội, Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp cùng Tổ chức Plan International tổ chức Hội thảo với chủ đề "An toàn đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng: Thực trạng và Giải pháp". Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Vụ Bình đẳng giới, Cục Trẻ em và đại diện các bộ, ban, ngành liên quan cùng đại diện tổ chức Plan International.

Tại hội thảo, Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em (Phòng 5), Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, những năm gần đây, tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực học đường, bạo lực gia đình luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng và có diễn biến phức tạp.

Ngoài ra xuất hiện nhiều vụ sàm sỡ, tấn công tình dục nơi công cộng, chung cư, nơi có đông người thuê trọ, những đoạn đường, khu vực vắng vẻ…

Con gái bị người tình xâm hại tình dục, nhiều người mẹ chọn cách... im lặng - 1

Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em (Phòng 5), Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an.

"Nhiều vụ bạo lực, bạo hành trẻ em dẫn đến tử vong, hiếp rồi giết trẻ em để bịt đầu mối, hiếp dâm nhiều lần dẫn đến nạn nhân có thai...", ông Oanh cho biết.  

Thượng tá Khổng Ngọc Oanh cho biết thêm, rất nhiều vụ xâm hại mà nạn nhân là trẻ em dưới 10 tuổi để lại những hậu quả lâu dài không thể khắc phục được. Bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em đã và đang len lỏi vào nhiều gia đình, nhà trường, bệnh viện, thậm chí cả trung tâm bảo trợ trẻ em.

Nhiều vụ cha xâm hại con, ông, cậu, chú xâm hại cháu; giáo viên, nhân viên nhà trường, cán bộ y tế xâm hại học sinh và bệnh nhân của mình… ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền và sự phát triển bình thường của mỗi trẻ em.

Ông Oanh đưa dẫn chứng, vụ cháu bé 9 tuổi tại Tuyên Quang bị hiếp dâm như một ví dụ điển hình trong số những vụ bạo lực tình dục không những vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự suy đồi, xuống cấp đạo đức.

"Rất đau lòng khi thủ phạm là mẹ ruột và người tình của mẹ. Hay vụ cháu bé 13 tuổi tại Hà Đông bị hiếp dâm, cháu bé bị người tình của mẹ 9 lần thực hiện hành vi xâm hại tình dục nhưng không thể lên tiếng, không thể tự bảo vệ… Nạn nhân còn thường xuyên bị mẹ đẻ dùng dây điện, gậy gỗ để hành hạ, đánh đập", ông Oanh chia sẻ.

Thượng tá Khổng Ngọc Oanh chia sẻ thêm, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng nhiều phụ nữ ly thân, ly hôn... có quan hệ yêu đương và cho người tình sống chung hoặc thường xuyên đến nhà ăn ngủ. Những đối tượng này đã lợi dụng để có hành vi đe dọa, sàm sỡ, tấn công tình dục với các trẻ em gái là con của những người phụ nữ này.

Khi con bị xâm hại nhưng mẹ không kiên quyết báo tin, tố giác tội phạm mà có ý bao che cho đối tượng, gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý. 

Theo đại diện Cục Cảnh sát hình sự, nạn nhân của tội phạm mua bán người, xâm hại trẻ em chủ yếu là nhóm yếu thế là phụ nữ và trẻ em gái. Họ có thể trở thành nạn nhân bất kỳ nơi nào, lúc nào bởi bất kỳ đối tượng nào.

"Trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác và điều tra vụ án, họ rất dễ bị tổn thương, tái tổn thương nếu không có những biện pháp hỗ trợ phù hợp với tâm lý, nhu cầu, lứa tuổi và đặc biệt là nhạy cảm giới", Thượng tá Oanh cho biết.

Trước tình hình trên, đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an mong muốn chính quyền địa phương, công an địa phương tăng cường biện pháp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trong các nhà trường, cộng đồng dân cư. Tuyên truyền chính sách pháp luật giúp phụ huynh và các em học sinh có kỹ năng nhận diện tội phạm để tự bảo vệ, "thoát hiểm" trước nguy cơ bị tấn công tình dục.

Lý giải thêm về nguyên nhân các vụ việc xâm hại trẻ em rơi vào tồn đọng kéo dài, Thượng tá Khổng Ngọc Oanh cho biết, nhiều trường hợp người dân do dự, lưỡng lự, thậm chí chưa tin tưởng vào các cơ quan pháp luật, từ đó không muốn tố giác và cộng tác với cơ quan chức năng.

Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của người dân chưa được nhanh chóng, kịp thời. Quá trình xác minh, điều tra, truy tố xét xử thường bị kéo dài, thậm chí gây phiền hà, gây mệt mỏi, hoài nghi cho người dân.

Công tác phối hợp liên ngành trong bảo vệ trẻ em dù đã được các bộ ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên mới chỉ có 50% trẻ em được tập huấn kỹ năng phòng chống bạo lực học đường.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, trong thời gian tới, cần tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương về công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là bố trí nhân lực làm công tác trẻ em ở cấp huyện và cấp xã, bố trí ngân sách cho công tác trẻ em nói chung, trong đó có công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.