Cô gái trẻ bị đuổi việc vì từ chối tình cảm của sếp

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Từ chối lời tỏ tình của sếp, không ăn trưa cùng đồng nghiệp… là những lí do sa thải vô lý mà nhiều nhân sự tại công ty nhỏ ở Hàn Quốc đang phải đối mặt.

Mới đây, The Workplace Gapjil 119, một tổ chức tại Hàn Quốc, đã công bố phân tích về 46 trường hợp mà nhóm đã tham vấn trong năm 2023, liên quan đến nhân sự của các doanh nghiệp nhỏ. Trong đó, nhóm phát hiện có 27 trường hợp nhân viên bị sa thải bởi các lý do rất vô lý.

Cô gái trẻ bị đuổi việc vì từ chối tình cảm của sếp - 1

Nhiều nhân sự ở công ty quy mô nhỏ bị sa thải bởi các lý do không chính đáng (Ảnh minh họa: Korea Herald).

"Một nhân viên đã bị đuổi việc vì tự chuẩn bị đồ ăn trưa thay vì ăn cùng đồng nghiệp. Mọi nỗ lực chỉ để tiết kiệm tiền ăn trưa của nhân viên này lại bị cấp trên đáp trả vô cùng lạnh lùng. Họ yêu cầu nhân viên hãy rời khỏi công ty nếu chỉ muốn làm theo ý mình", bài công bố nêu rõ.

Một nữ nhân viên trẻ tuổi khác cho biết cô bị sếp tán tỉnh nhưng đã từ chối. Không lâu sau, cô liền bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Hiện nay, Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động của Hàn Quốc có quy định rõ các điều kiện làm việc cho người lao động. Tuy nhiên, quy định vẫn còn nhiều điều khoản không áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ có ít hơn 5 nhân viên.

Ví dụ, Điều 23-1 quy định người sử dụng lao động không được sa thải, cho thôi việc, đình chỉ hoặc chuyển công tác một nhân viên mà không có lý do chính đáng. Quy định này lại không được áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ nói trên. Điều 28, với nội dung yêu cầu khắc phục hậu quả sau khi sa thải nhân viên vô lý, cũng không được áp dụng.

Điều này đồng nghĩa với việc những người điều hành doanh nghiệp nhỏ không cần phải giải thích lý do sa thải cho nhân viên. Theo Điều 26 trong quy định, họ chỉ cần thông báo trước cho nhân viên về việc chấm dứt hợp đồng sắp tới.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ không cần tuân theo các điều khoản pháp lý quy định về giờ làm việc, giờ làm thêm hoặc chế độ nghỉ phép có lương. Nghĩa là cách đối xử với nhân viên sẽ do "tùy tâm" chủ doanh nghiệp đó quyết định.

Trong bài công bố của Gapjil 119, một nhân viên nằm viện 3 ngày vì chấn thương ở cổ khi đang làm việc, đã bị trừ 3 ngày lương mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào.

Bài công bố còn tiết lộ có 38 trong số 46 trường hợp được tham vấn cho hay họ thường xuyên bị bắt nạt hoặc quấy rối tình dục tại nơi công sở.

"Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động cần được bổ sung áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ thì mới có thể giải quyết triệt để các vấn đề mà người lao động đang đối mặt ở nơi làm việc", bài công bố viết.

Theo m.koreaherald.com