Cô gái nửa mặt và hành trình tìm lại chính mình
Với Hà Bích Hảo - cô gái chỉ có nửa khuôn mặt, dường như sự tròn trĩnh, không khiếm khuyết có lẽ chỉ ở cái tên Bích Hảo và niềm tin, nghị lực sống mỗi ngày thêm mạnh mẽ…
…Nhưng giờ đây, sau một năm rưỡi "biến mất" để đeo đuổi hành trình phẫu thuật tìm lại hình hài, Hảo đang dần trở lại với nụ cười và niềm vui sống.
Nắm lấy cơ hội
Lần đầu tiên gặp Hảo tháng 9-2020, tôi chết lặng khi nhìn thấy em với gương mặt chằng chịt những vết sẹo lan rộng sau đầu và loang xuống cổ, một bên tai không còn, một bên mắt gần như hỏng hẳn, miệng bị kéo lệch không thể ngậm kín. Tim tôi thắt lại khi biết được rằng đó không phải là dị tật bẩm sinh, mà là do em bị bỏng nặng sau khi điều trị u máu trên mặt từ khi 6 tháng tuổi tại một bệnh viện ở Hà Nội. Vết bỏng cứ từ từ hủy hoại khuôn mặt em, khiến em đau đớn kéo dài, tủi nhục kéo dài trước những lời độc địa, những lúc bị hắt hủi, xua đuổi.
Thời điểm đó, tôi biết đã có những người tốt thương cho hoàn cảnh của Hảo, muốn giúp em phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi gương mặt. Nhưng cô gái đều từ chối, vì em thấy còn nhiều việc khác quan trọng hơn, vì em thấy ngoại hình không còn quá quan trọng nữa. Những lời xúc xỉa "đồ con ma", "đồ yêu tinh", Hảo đã quen nghe và để ngoài tai. Tôi ra sức khuyên em hãy gác công việc lại để nắm lấy cơ hội thay đổi tích cực hơn. Sự thay đổi ấy, không những vì chính em mà còn vì gia đình em, vì những đứa trẻ mà em yêu thương.
Nếu gương mặt được vá lành, em sẽ không còn phải làm một việc mà lẽ ra em hiển nhiên có được, đó là sự vật vã vươn lên để được công nhận như người bình thường, cả về thể chất và tâm hồn. Nếu thay đổi, em sẽ không còn bị từ chối khi đi xin việc như bao lần trước đây. Nếu thay đổi, các ông bố bà mẹ sẽ không còn lo ngại sự có mặt của em sẽ khiến con họ sợ hãi.
Lời tôi nói có lẽ đã khiến em suy nghĩ. Và may mắn, cơ hội lại một lần nữa đến với em. Lần này, em đã nắm lấy với bao hy vọng. Người trao cơ hội cho em lúc đó là Giáo sư - Tiến sĩ Trần Thiết Sơn - giảng viên cao cấp bộ môn Phẫu thuật tạo hình (Trường Đại học Y Hà Nội), từng công tác tại khoa Phẫu thuật tạo hình và Thẩm mỹ của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, hiện tại công tác tại khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Bạch Mai.
Mới đây, trong một cuộc trao đổi với Chuyên đề An ninh thế giới, Giáo sư Sơn xúc động khi nhớ lại những giây phút đầu tiên ông biết đến Hảo mà ông gọi đó là một cơ duyên: "Tôi tình cờ biết đến Hảo và ấn tượng bởi hai điều. Thứ nhất, gương mặt Hảo bị tổn thương nặng, nhưng cô ấy không những không mặc cảm về ngoại hình mà còn rất tự tin. Thứ hai là công việc thiện nguyện Hảo tích cực làm vì những đứa trẻ nghèo khó. Điều thứ hai khiến tôi cảm động và cảm phục. Còn điều thứ nhất, tôi nhận thấy có thể giúp bạn ấy phẫu thuật khuôn mặt để khắc phục những tổn thương. Vậy là tôi liên hệ với bạn ấy".
Để thuyết phục được Hảo đồng ý phẫu thuật, Giáo sư Sơn đã dành thời gian giải thích, tư vấn về tình trạng của Hảo, các bước phẫu thuật tạo hình và khả năng hồi phục. Trước đây, đợt xạ trị u máu đã gây thoái hóa da, biến đổi màu sắc, teo lép khiến nửa mặt của Hảo biến dạng. Bởi vậy, quá trình phẫu thuật sẽ kéo dài nhiều tháng, trải qua nhiều đợt điều trị với những đặc trưng và yêu cầu khác nhau. Nhận thấy khó khăn lớn nhất của Hảo là vấn đề tài chính. Bố mẹ em ở vùng quê nghèo Ý Yên, Nam Định dù có muốn cũng khó có đủ tiền để lo cho con. Giáo sư Sơn và các bác sĩ đã tìm được nguồn tài trợ để phẫu thuật và điều trị miễn phí cho Hảo.
Sau nhiều trăn trở, bố mẹ Hảo cũng đồng ý với niềm hy vọng khôn nguôi cho một cuộc lột xác sẽ trở thành bước ngoặt trong cuộc đời con gái họ. Hảo quyết định tạm dừng việc học cao học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, dừng công việc của một giáo viên dạy trẻ tự kỉ để bước vào giai đoạn quan trọng của cuộc đời với mong mỏi sẽ có sự thay đổi tích cực hơn.
"Con tỉnh dậy, đã là món quà dành cho mẹ"
Tối ngày 19-10-2020, trước ngày Hảo phẫu thuật, tôi gọi cho em, động viên em cố gắng. Điều làm tôi ngạc nhiên hết sức, là giọng cô gái rất vui vẻ, lạc quan. Thậm chí cô còn chủ động trêu đùa mọi người để xua bớt sự lo lắng, căng thẳng. Điều đó làm tôi yên tâm và tin rằng "cuộc lột xác" của em sẽ thành công. Sáng hôm sau, ngày 20-10, đưa con vào viện, mẹ Hảo khóc vì lo lắng. Ôm lấy mẹ, Hảo thì thầm: "Hôm nay là ngày phụ nữ Việt Nam, con xin lỗi vì chưa kịp mua quà tặng mẹ. Nhất định con sẽ tỉnh dậy, sẽ vượt qua, và đó chính là món quà con dành cho mẹ". Sau câu nói ấy, Hảo chìm vào cơn mê, hành trình tìm lại gương mặt lành lặn bắt đầu.
Hảo nhớ rằng lúc tạm biệt mẹ vào phòng phẫu thuật là 9 giờ sáng, nhưng khi cô tỉnh lại đã là 9 giờ tối. Hảo nhìn quanh và định vùng dậy, thấy hai tay đầy dây nhợ, mặt và chân đều nặng trịch, cả người băng trắng xóa. Lúc ấy, cô mới biết mình vừa trải qua ca phẫu thuật kéo dài 7 tiếng đồng hồ do giáo sư Sơn và ê kip thực hiện để lấy da ở đùi ghép lên vùng mặt. Đêm ấy, Hảo bắt đầu sốt, mê man và cảm nhận được sự đau đớn đến tận cùng. Hảo không thể nói được, chỉ thều thào, nhưng mẹ vẫn hiểu tất cả và tận tình chăm sóc cho cô.
Một năm rưỡi đã trôi qua, Hảo đã trải qua ba cuộc phẫu thuật, ở viện nhiều hơn ở nhà. Có giai đoạn cô ở viện suốt mấy tháng trời để các bác sĩ theo dõi sát sao. Bố ở quê lo mọi việc để mẹ dành thời gian chăm sóc Hảo. Em trai của Hảo thường ngày lầm lì ít nói, nhưng khi Hảo bước vào cuộc phẫu thuật cũng thốt lên: "Nếu là gánh nặng thì em sẵn sàng gánh thay chị. Nhưng thử thách này không ai gánh thay chị được. Dù đau đớn thế nào thì chị cũng cố gắng vượt qua. Những ngày tháng trước đó, chị đã cố gắng 10 lần, thì giờ phải cố 100 lần để trở nên hoàn hảo hơn". Tất cả những điều đó cho Hảo thêm động lực vượt qua từng ngày.
Đến thời điểm này, hành trình tìm lại hình hài của Hảo đã gần đến đích. Giáo sư Sơn cho tôi biết rằng do lớp da vùng mặt, vùng đầu của Hảo bị biến đổi cách đây quá lâu nên các bác sĩ đã áp dụng những kĩ thuật tiên tiến nhất cho Hảo. Kĩ thuật vi phẫu để nối các mạch máu khi chuyển phần da đùi ghép lên mặt. Tuần đầu tiên sau phẫu thuật, các bác sĩ rất lo lắng. Vì nếu lấy vạt da đùi lên mà không nối được các mạch máu, hoặc nối không thành công thì vạt da đó sẽ hỏng. Có lẽ do Hảo luôn lạc quan, có trách nhiệm và phối hợp tốt với ê kíp phẫu thuật nên kết quả thành công như mong đợi và không có biến chứng.
Lần phẫu thuật thứ hai, các bác sĩ đã đặt túi giãn da ở vùng đầu của Hảo và bơm phồng dần lên. Hảo phải ở viện suốt 3 tháng để các bác sĩ theo dõi sát sao hàng ngày. Một lớp da mới dần được hình thành để tóc mọc trở lại. Lần ba, Hảo được sửa sẹo ở quầng mắt và đầu. Trong suốt đợt dịch COVID-19 kéo dài, các bác sĩ vẫn cố gắng để quá trình phẫu thuật và điều trị cho cô không bị đứt đoạn
Trở lại
Gặp lại Hảo, tôi mừng vì gương mặt em trở nên ưa nhìn và có nhiều thay đổi. Không chỉ là hình hài, Hảo còn trở lại với cuộc đời bằng những việc làm có ý nghĩa. Vì nằm viện quá lâu nên Hảo trở thành thành viên đặc biệt tích cực tham gia công tác xã hội ở khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Bạch Mai.
Trong những ngày điều trị, dù đau và mệt, dù đang ở bệnh viện nhưng Hảo vẫn tranh thủ học online đủ các học phần của chương trình cao học. Hiện tại, Hảo đang gấp rút hoàn thành luận văn để bảo vệ trong thời gian tới với đề tài giáo dục hướng nghiệp dành cho trẻ yếu thế. Quỹ học bổng "Mầm và những người bạn" do cô lập ra để nuôi 7 em nhỏ tật nguyền ở Ý Yên, Nam Định vẫn hoạt động đều. Chưa hết, Hảo còn đang làm quản lý dự án cho một tổ chức chuyên về phẫu thuật miễn phí dành cho trẻ em khuyết tật.
Hảo luôn nhớ và tin lời bố nói: "Con người ta, muốn trưởng thành thì phải trải qua đau đớn, vất vả. Con đã đi qua nỗi đau thì nhất định con sẽ trưởng thành". Có lẽ cả tính cách của cô gái này cũng ít nhiều thay đổi. Trước đây, cô như con nhím xù lông, dễ nóng nảy, bực bội trước những nghiệt ngã mà người đời đổ lên đầu cô. Giờ đây, Hảo không còn nghĩ nhiều về điều đó, cô học cách buông bỏ, tha thứ, tĩnh tâm để chuyên chú vào những việc mình làm. Tự đáy lòng, Hảo luôn biết ơn giáo sư Trần Thiết Sơn và ê kíp phẫu thuật đã sinh ra cô lần thứ hai, biết ơn gia đình luôn ở bên chăm sóc và ủng hộ cô, để cô tự tin bước tiếp.
"Trước lần phẫu thuật thứ 2, khi nhìn thấy tôi cạo tóc, bố cứ nhìn tôi, rồi đi ra đi vào, bồn chồn, nhưng không nói một câu. Tôi biết bố thương tôi nhưng ngại nói ra vì bản tính ông kiệm lời. Mẹ tôi khóc và bảo: "Sinh con ra mà lại để cho con khiếm khuyết, đấy là lỗi của mẹ. Mẹ xin lỗi con". Ở ngoài kia, bao nhiêu sóng gió tôi không rơi nước mắt, nhưng với bố mẹ thì tôi cảm thấy nợ họ rất nhiều, tôi đau khi thấy họ đau. Tôi nói với mẹ rằng, trong bất cứ trường hợp nào mẹ cũng không được khóc. Vì mẹ khóc, tôi sẽ khóc theo. Khi ấy, mảng da vừa ghép ở mặt sẽ bị ảnh hưởng, các sợi vi mạch vừa nối ở mặt sẽ bị bục ra và chết luôn da ghép. Vậy là từ đó, tôi không bao giờ nhìn thấy mẹ khóc trước mặt tôi nữa. Nhưng tôi biết, mẹ thường ra một góc khuất tầm mắt tôi, để mặc nước mắt tuôn rơi. Đêm đêm, tỉnh lại sau những cơn mê man, tôi đều cảm nhận được mẹ vừa khóc, nước mắt rơi xuống cơ thể tôi. Tôi cảm nhận được vết thương trên cơ thể tôi không khủng khiếp bằng nỗi đau trong tim của mẹ" - Hà Bích Hảo.
Theo Huyền Châm
Công an nhân dân