Hải Phòng:
Cô bé bị bỏ rơi ở bụi tre, lớn lên từ làng SOS và ước mơ "có nhiều mẹ"
(Dân trí) - Nữ sinh bị bỏ rơi ở bụi tre làng trẻ em SOS Hải Phòng đã xuất sắc giành học bổng một tỷ đồng từ một trường đại học quốc tế. Người mẹ nuôi ở làng trẻ là động lực phấn đấu của nữ sinh.
Học bổng 1 tỷ đồng với mẹ con nữ sinh làng trẻ SOS
Một đêm mùa đông năm 2003, bảo vệ làng trẻ em SOS Hải Phòng phát hiện một bé gái còn nguyên dây rốn bị bỏ rơi ngay bụi tre trước cổng đang khóc thét vì đói, lạnh và muỗi đốt khắp người. Em đã được đưa vào làng trẻ chăm sóc và được bà Đỗ Thị Thắng (sinh năm 1960, quê ở xã Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) đang làm tại đây nhận làm con nuôi, đặt tên là Đỗ Thị Phương Anh.
Lớn lên trong tình yêu thương của mẹ nuôi và đại gia đình làng trẻ em SOS Hải Phòng, Phương Anh lớn lên, trưởng thành, giờ đã là một nữ sinh xinh xắn, học giỏi, năng động, tự lập. Em tự nhận bản thân vừa hướng nội vừa hướng ngoại, luôn làm mọi việc hết khả năng và tự tìm tòi cách giải quyết vấn đề để không làm phiền đến người khác. Trong số các môn học, em yêu thích nhất môn Toán và Tiếng Anh.
Tháng 11/2021, Phương Anh đã xuất sắc vượt qua rất nhiều ứng viên tài năng khác để giành suất học bổng Trái tim Sư tử duy nhất, trị giá một tỷ đồng mà Đại học Anh quốc Việt Nam dành tặng hàng năm cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt.
Trong bài luận xin học bổng, Phương Anh truyền tải thông điệp tìm lại chính con người thật của mình qua câu chuyện đôi giày. Em kể về đống giày phủ bụi vứt ở góc nhà mà người chủ vẫn không ngừng chạy theo xu hướng mới để không bị bạn bè chê cười. Một lần được mẹ góp ý về cách chọn giày, em đã nhận ra, việc chạy đua theo trào lưu khiến cho bản thân không chấp nhận sự khác biệt và dần đánh mất nét cá tính đáng yêu.
Phương Anh chia sẻ, đây là lần đầu em viết bài luận bằng tiếng Anh để xin học bổng. Lúc đầu, em không biết thế nào là bài luận nên tìm hiểu trên Google và hỏi ý kiến một số bạn có kinh nghiệm. Thời điểm đó, chỉ còn nửa tháng nữa là hết hạn nhận hồ sơ mà nữ sinh này chưa biết viết bài luận về chủ đề gì thật nổi bật, mới lạ để vừa tạo được sự chú ý của hội đồng vừa lột tả được tính cách riêng.
"Mọi người thường viết về chủ đề thành tích đạt được, còn em viết về hành trình trải nghiệm vì em muốn chia sẻ nhiều hơn về con người mình. Trong khi em đang loay hoay không biết nên viết gì thì nhìn thấy đôi giày và tự nhiên nảy ra ý tưởng viết câu chuyện tìm lại cái tôi của mình thông qua chuyện đi giày", Phương Anh nói.
Ý tưởng nảy ra cũng từ câu chuyện rất đỗi giản dị, gần gũi giữa em và mẹ nuôi Đỗ Thị Thắng liên quan đến đôi giày cũ cô nữ sinh làng trẻ em SOS đang mang lúc đó.
Phương Anh chia sẻ, khi còn là nữ sinh cấp 2, cô cũng "chạy" theo những đôi giày đế cao, hợp thời trang mà không quan tâm đến việc đôi giày đó có phù hợp không, có thực sự yêu thích, thoải mái khi mang đôi giày đó. Khi đó, câu nói của mẹ Thắng làm Phương Anh suy nghĩ: "Chỉ khi con đi đúng đôi giày bản thân thực sự yêu thích, thực sự thoải mái thì con mới là chính mình".
Cho rằng khó có cơ hội giành được học bổng vì có rất nhiều ứng viên giỏi, em đã nghĩ đến phương án không nhập học vào trường đại học đã đỗ khác mà tạm nghỉ một năm để luyện tập, nâng cao trình độ tiếng Anh, năm sau nộp lại hồ sơ, quyết tâm giành học bổng.
Tuy nhiên, khi đang bàn với mẹ nuôi và cậu trong làng trẻ em SOS Hải Phòng về kế hoạch đó, em nhận được tin báo đã giành được học bổng. Cả nhà Hoa Cúc vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Chính nội dung bài luận chia sẻ về hành trình khám phá bản thân cũng như những câu trả lời chân thật của Phương Anh trong buổi phỏng vấn trực tiếp đã gây ấn tượng mạnh với người phỏng vấn.
Nữ sinh mồ côi mong ước "có thêm nhiều mẹ"
Suất học bổng 1 tỷ đồng của em bao gồm học phí chương trình cử nhân, dự bị tiếng Anh, dự bị đại học và tiền sinh hoạt, nhà ở hàng tháng. Phương Anh là người đầu tiên trong hệ thống làng trẻ SOS trên toàn quốc giành được suất học bổng giá trị này. Em vinh dự là một trong những thanh thiếu nhi tiêu biểu được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tại thủ đô Hà Nội.
Trình bày với Chủ tịch nước khi đó, Phương Anh nắm tay mẹ nuôi, không kìm được nước mắt nói lên nguyện vọng, mong làng SOS của mình có thêm nhiều bà mẹ hơn nữa để đỡ đần các mẹ tại trại trẻ mồ côi, như mẹ Thắng của cô, dù đã lớn tuổi, vẫn chưa thể buông trách nhiệm vì chưa có bà mẹ mới nào thay thế. Hình ảnh em nhỏ hàng đêm quấy khóc khiến người mẹ đã ngoài 60 tuổi của cô vẫn phải thức trắng khiến Phương Anh thêm nung nấu những khát vọng, ý tưởng.
Em lựa chọn học ngành marketing vì muốn vừa được tính toán, tư duy logic, sáng tạo vừa được tìm hiểu về con người, phù hợp với tính cách của mình. Hiện em đang tập trung học tiếng Anh. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, em chưa thể đến trường nhập học, vẫn đang sống tại làng trẻ SOS Hải Phòng, trong gia đình Hoa Cúc cùng mẹ Thắng và các em nhỏ.
Bà Thắng chia sẻ, con gái nuôi tài năng của mình rất cá tính, tự lập nhưng vẫn hay sợ bóng tối. Hàng ngày, ngoài giờ học, Phương Anh còn giúp mẹ chăm sóc, dạy các em trong nhà học bài.
"Em muốn sau này ra trường sẽ được làm trong một tập đoàn lớn nào đó và góp một phần nhỏ bé giúp phát triển mảng marketing của làng trẻ để việc tuyển dụng bà mẹ, bà dì chăm sóc cho các em tốt hơn", Phương Anh nói.
Được biết, mẹ Thắng là một trong những người đầu tiên làm việc tại làng trẻ em SOS Hải Phòng từ ngày mới thành lập. Mẹ Thắng hiện đã quá tuổi lao động nhưng vẫn chưa được nghỉ hưu vì làng chưa tìm được người thay thế.
Trong làng, các bà mẹ chủ yếu ở độ tuổi từ 35 - 45. Các mẹ mỗi năm một thêm tuổi tác nhưng làng hiếm lắm gương mặt những người chủ gia đình mới. Mấy chục năm gắn bó với nơi đây, đến nay, có 5 bà mẹ đã 60 - 62, quá tuổi nghỉ hưu nhưng vì làng thiếu nhân lực nên các mẹ vẫn tiếp tục làm việc cho tới khi tìm được người thay.
Các bà mẹ, bà dì được tuyển vào làng là phụ nữ đơn thân hoặc đã ly hôn, góa chồng. Chế độ đãi ngộ với các mẹ bao gồm tiền lương, tiền ăn và tiền trợ cấp của thành phố. Mức "lương" cụ thể trong thời gian đào tạo 6 tháng là gần 6,6 triệu đồng, còn khi chính thức làm mẹ là hơn 7,6 triệu đồng. Làng có nhà ở cho các bà mẹ, bà dì đang làm việc và khi nghỉ hưu.
Theo ông Đặng Duy Toản (Trợ lý Giám đốc Làng trẻ em SOS Hải Phòng), chăm sóc trẻ là việc đòi hỏi phải có lòng từ tâm, chăm chỉ, kiên trì, khéo léo... Với trẻ em yếu thế, những yêu cầu đó càng đòi hỏi cao hơn. Mọi thành bại trong cuộc đời trẻ sau này phần lớn nằm ở sự nuôi dạy của các mẹ từ bé.
Vì vậy, việc tuyển dụng các mẹ, các dì đều phải theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Người được tuyển dụng phải trải qua 6 tháng đào tạo, kiểm tra, đánh giá mới được làm chính thức, chưa kể hàng năm đều có những đợt đào tạo, tập huấn cùng chuyên gia.
Lý giải về việc thiếu nhân sự, ông Toản cho biết, nhiều người được nhận vào làng nhưng chỉ làm được vài tháng hoặc hơn một năm lại xin nghỉ việc vì không chịu được vất vả. Hơn nữa, thị trường lao động hiện có nhiều công việc để lựa chọn hơn nên nhiều người không theo đuổi được "nghề làm mẹ cả đời" này.
"Hiện tại, chúng tôi vẫn đang tuyển dụng. Dù có thiếu người nhưng chúng tôi không thể phá vỡ các nguyên tắc để tuyển dụng theo kiểu "vơ bèo vạt tép" được" - ông Toản nói.