Chuyện phạm nhân nước ngoài ăn Tết Việt
Gần 400 phạm nhân nước ngoài đang thi hành án ở Trại giam Vĩnh Quang sẽ đón Tết Quý Mão tại đây. Có người đã đón hàng chục cái Tết, cũng có người lần đầu tiên đón Tết cổ truyền của người Việt trong môi trường đặc biệt như vậy.
Năm nay, lần đầu tiên Trại giam Vĩnh Quang (tại huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) có phạm nhân nữ là người nước ngoài. Số phạm nhân nữ này mới được chuyển từ Trại giam Phú Sơn 4 về, họ được bố trí một khu riêng biệt, có lối đi riêng, tường cao kín, khuất hẳn với khu vực bên ngoài và khu của phạm nhân nam.
Cẩn thận sắp xếp từng bông hoa, loại quả để trang trí mâm ngũ quả, phạm nhân Nguyễn Thị Hương Xuân, 65 tuổi quốc tịch Canada - chủ động lắc Hương Xuân một thời ở hồ Ba Mẫu, Hà Nội hồ hởi cho biết, đây sẽ là cái Tết cuối cùng trong trại giam của mình vì tháng 9/2023, cô sẽ hết án trở về. Từng là bà chủ động lắc khét tiếng nhất Hà Thành thời những năm 2000, Nguyễn Thị Hương Xuân thấm thía hết sự mất mát, chia lìa khi phạm tội phải vào tù, hiểu thấu được những đồng tiền bất chính không mang lại cho mình và người thân hạnh phúc.
"Tôi vào tù, bố mất không về được, tiền bạc cũng dần tan hết. Vì thế, tôi mong mọi người đừng vì ham kiếm tiền bất chính mà lụy đến bản thân và gia đình". Được biết, bà chủ động lắc này sau khi bị bắt, được tại ngoại chờ xét xử thì đã trốn khỏi Việt Nam. Sau khi bị tòa tuyên án vắng mặt bản án 14 năm tù giam, Nguyễn Thị Hương Xuân hiểu rằng, cho dù không quay lại Việt Nam thì bản án vẫn "lơ lửng" trên đầu, cả đời sẽ mất tự do, tiền bạc; tài sản kiếm được ở Việt Nam cũng sẽ không quản lý, sử dụng được. Đặc biệt, sẽ không còn được gặp gia đình, bố mẹ, người thân ở Việt Nam nữa. Chính vì vậy, được sự động viên của bố, Nguyễn Thị Hương Xuân đã từ nước ngoài về Việt Nam đầu thú, xin tự nguyện thi hành án.
"Hơn 10 năm ăn Tết trong tù, tôi thấm thía hết mọi sự đau khổ của mất tự do, mất người thân yêu nhất mà mình không về được. Nên cái Tết cuối cùng này, tôi phải đón thật ý nghĩa, để hiểu rằng, chỉ có sự nỗ lực cố gắng không ngừng mới giúp mình bớt sự dằn vặt, mới gột rửa hết những lỗi lầm".
Là người duy nhất có con nhỏ, phạm nhân Andrea Drova hớn hở chạy ra chạy vào đuổi theo con. Đứa trẻ 18 tháng tuổi cứ lăng xăng nhìn cái nọ, lôi cái kia để khám phá. Được cán bộ bế trên tay, nó cười giòn tan chỉ vào những bông hoa trên bàn ngũ quả, đòi hái. Với chất giọng lơ lớ của người nước ngoài mới nói tiếng Việt, Andrea Drova cho biết, cô ta rất xúc động khi mẹ con cô được cán bộ Công an quan tâm, động viên.
"Con tôi được hưởng chế độ rất đầy đủ, được sữa, quần áo; ốm đau có thuốc, mẹ được nghỉ để chăm con". Rồi Andrea Drova khoe quần áo, đồ chơi mới do các cán bộ mua tặng cho con mình. "Tôi phạm tội thì phải bị bắt, lúc đầu, tôi sợ lắm, chưa quen ở Việt Nam, không hiểu mình có con thì sẽ ra sao, tôi cứ lo và khóc suốt. Thế nhưng khi vào đây mới thấy các cán bộ lại thân thiện và tốt như thế. Họ coi mẹ con tôi như người nhà, chưa bao giờ quát tháo hay cáu gắt gì cả. Mỗi lần vào khu giam, cán bộ đều bế con tôi, ôm như là người mẹ. Tôi rất cảm ơn nhà nước Việt Nam, Công an Việt Nam đã đối xử nhân đạo, nhân văn với người nước ngoài như chúng tôi" - Andrea Drova cho biết.
Cô ta cũng tham gia trang trí phòng giam để đón Tết. Tranh thủ con đang được các phạm nhân khác bế, Andrea Drova xé giấy màu để dán lên tường, gấp những con chim, bông hoa treo trước mâm ngũ quả. Andrea Drova cho biết, "Tết ở Việt Nam thật lạ, được ăn bánh chưng, bày mâm quả. Ở nước tôi chưa bao giờ như thế. Sau này, khi được ra tù, tôi sẽ nhớ đến nơi này, vì đây là một phần cuộc sống của mẹ con tôi".
Tết là khoảng thời gian ai cũng muốn đoàn tụ cùng người thân, gia đình, nhưng với các cán bộ chiến sỹ công tác ở các trại giam thì không phải ai cũng được hưởng cái tết đoàn viên ấy bởi có gia đình hai vợ chồng công tác cùng đơn vị, người trực trước, người trực sau hoặc có đổi trực được cùng nhau thì con lại gửi đi học dưới quê. Chưa kể có người vợ con ở xa, tháng mới đảo về thăm nhà được một lần, số lần đón giao thừa cùng gia đình đếm trên đầu ngón tay… Thế nên chuyện đón giao thừa tại phòng trực, trên chòi gác hay tất bật ở bệnh xá, ngoài bệnh viện là điều rất đỗi bình thường với những chiến sỹ công an công tác trong môi trường trại giam.
Trung tá Lê Thị Huyền, đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ, Trại giam Vĩnh Quang cho biết, "Ngày tết dễ khiến tâm trí con người dao động. Vì thế mà cán bộ giáo dục, quản giáo phải thay phiên nhau xuống khu giam cùng chơi thể thao, trò chuyện với phạm nhân. Nếu ai có vấn đề khúc mắc tình cảm phải tìm cách tháo gỡ ngay, không để kéo dài nảy sinh phức tạp".
Kinh nghiệm hàng chục năm công tác của Trung tá Nguyễn Thành Long - Đội trưởng Đội cảnh sát bảo vệ và cơ động cho thấy đêm 30 là vất vả nhất bởi thời khắc bước sang năm mới dễ khiến con người ta vì xúc động dẫn đến những hành động không kiềm chế được. Đặc biệt là các phạm nhân người nước ngoài, họ chưa hiểu, chưa quen phong tục Việt Nam nên có người thì vui vẻ đón nhận, có người tâm lý diễn biến bất thường. "Vất vả nhất vẫn là những phạm nhân mới chuyển đến thời điểm đầu năm. Họ là những người vừa có án, tâm lý còn chưa ổn định, môi trường sống lại mới, cán bộ giáo dục chưa có thời gian tìm hiểu kỹ về nhân thân, tính cách nên khi xảy ra bất thường, cán bộ giáo dục, quản giáo rất vất vả mới giúp họ vượt qua xúc cảm tức thời để ổn định tâm lý" - anh Long cho biết.
"Ngoài thể thao, văn nghệ, trại còn tổ chức các cuộc thi làm báo tường, thi bày mâm ngũ quả giữa các buồng giam phạm nhân. Chúng tôi lại được dịp trổ tài. Ai có năng khiếu gì đều cũng tham gia hết" - phạm nhân Stanley Chidi, quốc tịch Nigeria cho biết. Stanley Chidi sang Việt Nam từ 2018, móc nối với một số đối tượng người Việt Nam chuyên làm giả thẻ ngân hàng để rút tiền. Năm 2019, Stanley Chidi cưới vợ Việt Nam là một cô giáo, anh ta đã lôi kéo, thuyết phục vợ tham gia đường dây phạm tội của mình bằng cách làm giả thẻ ngân hàng để rút tiền. Năm 2020, đường dây bị phát hiện, cả hai vợ chồng bị bắt. "Tôi bị tuyên án 4 năm 8 tháng tù, vợ bị 3 năm 6 tháng. Tôi đã làm hại cô ấy. Nếu không có tôi thì cô ấy vẫn làm giáo viên, công việc thanh cao, lại không dính đến pháp luật. Giờ vợ thi hành án ở trại nào tôi cũng không biết. Ra tù không biết có còn gặp được nhau không? Bố mẹ tôi vẫn ở Nigeria, tôi đang viết thư nhờ họ gửi tiền để tôi khắc phục hậu quả sớm được trở về. Tôi đón 2 Tết ở trong tù rồi, được ăn thịt đông, bánh chưng. Những thứ này ở nước tôi không có. Thịt gà ở đây cũng khác ở nước tôi, dai hơn và thơm ngon chứ không chỉ toàn nạc. Cán bộ rất thân thiện, không cáu gắt gì chúng tôi cả". Được biết, Stanley Chidi làm hàng thủ công mỹ nghệ. Đưa cho tôi xem giỏ quà anh ta vừa làm xong, Stanley Chidi khoe mình thường xuyên làm vượt khoán. "Cái này cần tỉ mỉ, cẩn thận. Trước đây tôi không làm được đâu, nhưng giờ làm quen rồi. Vào đây, không chỉ bị trả giá mà cũng là nơi chúng tôi học tập" - Stanley Chidi cho biết.
Cũng như các phạm nhân khác người Việt Nam, phạm nhân người nước ngoài được tham gia thi văn nghệ, thi báo tường, bày mâm ngũ quả… Dù là người nước ngoài nhưng nhiều người rất khéo tay, nhiều thứ họ làm như cành đào, cành mai, con giống họ gấp, dán rất khéo. Chính vì vậy, trong cuộc thi "Tiếng hát tình đời năm 2021", đội phạm nhân người nước ngoài đạt giải nhất tổ chức với tiểu phẩm "Khát vọng hoàn lương" do chính Thượng tá Tạ Văn Lương, Phó Giám thị trực tiếp viết kịch bản, sau đó, đưa ra đơn vị bàn bạc, chỉnh sửa, các cán bộ và phạm nhân phân trại số 4 thực hiện.
Tiểu phẩm nói về một người có học, công việc thành đạt, là kỳ vọng của gia đình nhưng sau đó vì vi phạm nên phải trả giá. Tại trại giam, phạm nhân này và các phạm nhân trong cùng vụ án quay ra oán trách, mâu thuẫn với nhau. Được sự động viên, phân tích của các cán bộ và gia đình nên phạm nhân đã có chuyển biến tích cực, phấn đấu vươn lên làm lại cuộc đời… Năm 2022, tiết mục "Táo vườn đi thi" của phân trại số 3 đoạt giải Nhất hội thi Văn hóa ứng xử trong phạm nhân.
Tiểu phẩm có sự tham gia biểu diễn của cả phạm nhân người nước ngoài và phạm nhân người Việt Nam, trong đó, các phạm nhân trực tiếp viết kịch bản, phân vai để dựng tiểu phẩm. Đối với nhiều phạm nhân nước ngoài, nhiều người trước khi bị bắt chưa biết gì về phong tục, tập quán của người Việt Nam, nhưng ở trong trại, được sự động viên của cán bộ, họ đã tự học tiếng Việt, tự tìm hiểu và tham gia các phong trào, từ đó, họ tìm được chính mình, vượt qua khó khăn để cải tạo tốt.
Lại một mùa xuân nữa đến gần. Hơi xuân không chỉ hiện diện ở đất trời, cỏ cây mà có mặt trong từng buồng giam với những cây đào, cành mai được làm ra từ những chiếc túi nilon, mảnh nhựa vỡ - những thứ tưởng như bỏ đi ấy được các phạm nhân tỉ mẩn biến thành vật hữu ích. Giống như những con người làm ra chúng, dù có lỗi lầm nhưng dưới sự giáo dục của cán bộ trại giam, đã trở nên tiến bộ, gạt bỏ những ưu phiền tội lỗi để quay về cuộc sống bình thường với một hy vọng và niềm tin hướng thiện.