Chuyện ghi ở Trung tâm phụng dưỡng người có công với cách mạng TP Đà Nẵng
(Dân trí) - Với những cán bộ, nhân viên ở Trung tâm phụng dưỡng người có công TP Đà Nẵng, chăm sóc các cụ không chỉ trách nhiệm mà còn là tình yêu, sự biết ơn đối với những người đã hy sinh cho đất nước.
Phải có tấm lòng mới gắn bó được lâu dài
Hơn 10 năm gắn bó với Trung tâm phụng dưỡng người có công với cách mạng Đà Nẵng, công việc hàng ngày của chị Hoàng Thị Mạnh (sinh 1968, hộ lý) là dọn dẹp, giúp các cụ ăn uống, tắm rửa và vệ sinh cho các cụ…
Với các cụ còn khỏe mạnh, đi lại được thì việc chăm sóc đỡ vất vả hơn nhưng với các cụ nằm một chỗ hoặc đi lại khó khăn, việc chăm sóc không dễ dàng gì. Nhiều lúc mới tắm rửa cho các cụ xong, các cụ đi vệ sinh rồi vung vây khắp người, chị lại phải đưa các cụ đi tắm lại.
Những lúc trái gió trở trời, các cụ đau nhức hay lên cơn sốt, chị phải túc trực cả đêm để chăm sóc. Đặc biệt, vì các cụ đã lớn tuổi nên thường khó tính nhưng chị Mạnh cũng luôn "chiều" theo ý các cụ để các cụ sống vui, khỏe.
Công việc tuy rất vất vả nhưng chưa bao giờ chị Mạnh chán nản, muốn nghỉ việc bởi với chị, chăm sóc các cụ không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình yêu, sự biết ơn đối với những người đã hy sinh cho đất nước.
"Chồng con các cụ không còn nên các cụ mới vào đây. Đây là ngôi nhà của các cụ thì mình cũng phải yêu thương, chăm sóc các cụ như chính cha mẹ mình vậy", chị Mạnh tâm sự.
Không chỉ chăm sóc các cụ, chị Mạnh cũng thường xuyên trò chuyện, nghe các cụ kể chuyện để các cụ đỡ buồn.
Với công việc phải trực đêm nên cũng không dễ dàng gì với người có con nhỏ nhưng chị Phạm Thị Mỹ Na (sinh 1989, nhân viên y tế) cũng đã gắn bó với Trung tâm phụng dưỡng người có công TP Đà Nẵng 4 năm nay.
Công việc hàng ngày của chị Na là cho các cụ uống thuốc, uống sữa, chăm sóc vết thương, sơ cấp cứu cho các cụ khi đau ốm…
Ngay từ đầu khi vào việc làm việc ở đây, chị Na cũng đã xác định được trách nhiệm của mình là chăm sóc các cụ thật tốt. Nhưng khi trực tiếp chăm sóc các cụ, nghe các cụ kể về hoàn cảnh của mình, người mất chồng, người mất con, người bị địch tra tấn tù đày… thì công việc chăm sóc các cụ với chị Na vượt qua cả trách nhiệm của người làm công ăn lương. Chị Na càng yêu thương và trân trọng các cụ hơn.
"Nghe các cụ kể, tôi càng hiểu hơn sự sinh hy của các cụ cho dân tộc, cho đất nước. Ở đây, các cụ coi chúng tôi như con cháu, chúng tôi cũng coi các cụ như cha mẹ mình. Mà người làm con chỉ có thể mong cha mẹ sống vui, sống khỏe", chị Na chia sẻ.
Theo chị Na, thời gian chị ở Trung tâm nhiều hơn ở nhà nên những tình cảm, tâm trí mà chị dành cho các cụ ở đây có khi còn nhiều hơn ở nhà.
"Đây là ngôi nhà chính thức của các cụ nhưng cũng là ngôi nhà thứ hai của tôi", chị Na tâm sự.
Đại gia đình
Chúng tôi ghé thăm Trung tâm phụng dưỡng người có công TP Đà Nẵng vào lúc nửa buổi sáng. Tiếng các cụ cười nói vui đùa khi cùng nhau trò chuyện vang ra tận hành lang. Ở góc bên kia, một số cụ khác đang chơi cờ với nhau.
Trong khi đó, những cụ sức khỏe yếu thì nằm nghỉ ngơi trong phòng. Nhìn các cụ vui vẻ, chúng tôi thấy "ngôi nhà" thật ấm áp, hạnh phúc.
Cụ Trần Thị Lệ (98 tuổi, quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cho biết, ở đây lãnh đạo cũng như các chị nhân viên chăm sóc các cụ rất tốt, yêu thương và kính trọng các cụ như cha mẹ mình.
"Người già mà, bữa thì thế này, bữa thì thế kia nhưng các chị ở đây cũng rất chịu khó và chiều các cụ. Tuổi già mà được chăm sóc như vậy là các cụ hạnh phúc lắm rồi", chị Lệ tâm sự.
Cụ Nguyễn Thị Ái Mỹ (77 tuổi, Đà Nẵng) - Trưởng Ban đại diện người có công cách mạng cho biết, cụ không có con, chồng thì đã mất nên cụ vào Trung tâm sống đã được 5 năm.
Cuộc sống với cụ ở đây rất tuyệt vời. Cụ được cán bộ, nhân viên chăm lo cho từ bữa ăn, giấc ngủ, sinh hoạt hàng ngày. Từ các chị nhà bếp cho đến các chị hộ lý, y tế đều yêu thương cụ như người nhà.
"Vào đây mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi tính cách nhưng chúng tôi cũng luôn động viên nhau, đây là một đại gia đình nên mọi người cùng nhau xây dựng, vun đắp. Các cụ coi các bộ, nhân viên ở đây là con cháu mình, có gì không biết thì dạy bảo, các nhân viên ở đây cũng coi các cụ như cha mẹ mình vậy", cụ Mỹ cho biết.
Trung tâm phụng dưỡng người có công cách mạng TP Đà Nẵng đang chăm sóc, phụng dưỡng 56 cụ (48 cụ bà, 8 cụ ông), trong đó có 1 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 1 cán bộ lão thành cách mạng, 1 cán bộ tiền khởi nghĩa và các thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, thân nhân người có công với cách mạng… Có gần 30 cụ là nằm bất động và bán bất động. Các cụ có độ tuổi từ 60-105 tuổi.
Bà Đoàn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm phụng dưỡng người có công cách mạng TP Đà Nẵng cho biết, nhìn chung công việc của các nhân viên ở đây đều vất vả vì các cụ đã lớn tuổi. Tuy nhiên, các nhân viên chăm sóc các cụ rất tận tình, chu đáo và coi các cụ như cha mẹ của mình.
"Các cụ lớn tuổi rồi nên thường khó tính, bữa ăn nào hợp ý là cười vui vẻ. Nhưng các chị cấp dưỡng ở đây cũng rất nhạy cảm, hiểu được tính của mỗi cụ cũng rất chiều các cụ", bà Ngọc nói và cho biết, làm việc ở đây, những người có tâm mới gắn bó được lâu dài.