Chuyện cổ tích về cô bé lạc nhà... 40 năm
(Dân trí) - 9 tuổi, cô bé Loan được ba dẫn lên TPHCM thăm người bà con. Không ngờ phải mất đến 40 năm, bé Loan ngày ấy mới được trở về với gia đình, với người mẹ một đời khắc khoải, đau đáu tìm con.
Chuyến đi định mệnh
Mới đây, trong chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" phát sóng ngày 5/9, câu chuyện về hành trình 40 năm đằng đẵng tìm người thân của chị Nguyễn Thị Loan (50 tuổi, trú tại Bến Cát, Bình Dương) đã lấy đi không ít nước mắt của người xem.
Tháng 2/1981, cô bé Loan được ba dẫn lên TPHCM. Trong khi ba đi đưa đám tang một người bà con xa thì Loan ở lại nhà người quen chơi. Mải nhặt dây thun ngoài đường lớn, cô bé đi lạc. Từ đó, cô bé có nỗi ám ảnh đặc biệt về những đám tang. Đó cũng là nguyên nhân 2 lần Loan rời bỏ ngôi nhà mà những người phụ nữ mưu sinh ở chợ Hàng Xanh, chợ Bà Chiểu đưa về nuôi.
Những ngày lang thang ở chợ, cô bé Loan đối mặt với cái đói, với nỗi sợ hãi bị "gom". Cứ mỗi đợt chính quyền gom những trẻ lang thang thì nỗi đau đớn về thân phận của một đứa trẻ không cha, không mẹ lại cứa vào trái tim non nớt của Loan.
Không! Loan có ba, có mẹ, có 2 em nhỏ. Loan vẫn nhớ mẹ thường cắt lúa bằng cái nọc, ba vác lúa lên ghe chở đi. Nhà Loan gần một ngôi chùa mà ở đó các sư sãi thường mặc chiếc áo tu hành khoác lên một bên vai. Loan là con đầu, được gọi là chị Hai. Em út còn bé lắm, Loan thường bế em giúp mẹ. Nhưng quê ở đâu, ba mẹ ở đâu Loan không biết...
Có lần bị gom, Loan năn nỉ người ta thả ra vì biết chắc rằng sẽ không có ai đến bảo lãnh, đưa về như những đứa trẻ khác. "Tôi hứa với chú ấy có đói thì đi ăn xin chứ không bao giờ ăn trộm, ăn cắp, không bao giờ làm điều xấu", chị Loan nhớ lại.
Rồi Loan được gia đình dì Út - một người phụ nữ tốt bụng, đưa về Bến Cát (Bình Dương) ở, trông em. Nhà bố mẹ nuôi không khá giả gì, nhưng đổi lại, Loan có một mái nhà để ở, có cơm ăn ngày 3 bữa, và nhất là cảm nhận được không khí gia đình ấm áp.
Loan lớn dần lên trong nỗi khắc khoải nhớ thương ba mẹ ruột, dẫu rằng những hình ảnh trong trí nhớ cứ mờ dần, mờ dần. Loan xốc vác, đỡ đần cha mẹ nuôi việc đồng áng, ruộng vườn. Đó là cách cô trả ơn những bao bọc, yêu thương của cha mẹ không cùng huyết thống.
Năm 1994, chị Loan chuyển đến Mỹ Tho, phụ bán quán cho một gia đình khác gần trường đại học. Biết Loan bị thất lạc gia đình, nhiều người tìm cách giúp chị. Gia đình ông Hai Nam ở Mỏ Cày, Bến Tre có 11 người con, khuôn mặt trông rất giống chị Loan. Ai cũng đinh ninh Loan là đứa con thất lạc của ông Hai Nam, chị Loan cũng ngờ ngợ.
Không dám chắc chắn nhưng nỗi khao khát có gia đình, Loan tìm đến xin nhận ba mẹ nhưng đáp lại là sự từ chối của ông Hai Nam. Ông bảo Loan không phải là con của ông, ông không có đứa con nào bị thất lạc nhưng sau 6 năm, nhiều lần Loan đến xin nhận gia đình, ông Hai Nam cũng xiêu lòng.
Từ đó, Loan có ba, có má, có các em. Dẫu trong lòng vẫn có chút gờn gợn khi không tìm thấy sự thân thuộc với ba má nhưng mỗi cuối tuần, Loan vẫn chạy xe máy từ Bến Cát về Mỏ Cày thăm gia đình, sửa sang nhà cửa, mua trâu để ba má nuôi. Rồi cũng chính chị, với đồng lương của nhân viên tạp vụ ở Huyện ủy Bến Cát, đã đón các em lên, lo cho chúng ăn học đàng hoàng.
Tìm về nguồn cội
Rồi Loan nhận ra lâu nay, mình cố tin đây là gia đình, là người thân của mình nhưng không phải. Đó chỉ là sự ngộ nhận của riêng chị, của nỗi thèm khát mái ấm tình thân. Loan không trách ông Hai Nam, không trách các em - những đứa em chị đã dốc toàn bộ vốn liếng tích góp để lo toan.
"Mình cứ xin nhận gia đình chứ ban đầu ba má đâu có nhận. Có lẽ thương mình côi cút, đơn độc mà ba thương, gật đầu cho nhận thôi", chị tự nhủ lòng.
Cũng chính mặc cảm không cha, không mẹ khiến Loan không dám quen ai. Thực ra, chị cũng từng quen một người nhưng mẹ của anh không chấp nhận vì chị không có nguồn gốc rõ ràng. Chị không muốn bị tổn thương nên đã tự rời bỏ người đàn ông ấy, và cả những người đến với chị sau này...
Loan vẫn khao khát tìm lại những người ruột thịt của mình và may mắn được những người chị em ở cơ quan chia sẻ, giúp đỡ. Năm 2014, một người bạn của chị Loan đã viết thư đến chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly".
Với những thông tin ít ỏi, mờ nhạt, Loan không dám tin mình sẽ tìm lại được ba má, được các em, dù rằng chưa từng thôi hy vọng về một cuộc đoàn tụ. Chị không biết rằng, việc chị đi lạc cũng chính là nguồn cơn khiến gia đình ly tán.
40 năm trước, trở về nhà sau 10 ngày thất lạc con gái đầu tên là Quan Thị Hồng Loan, tìm kiếm không có kết quả, ông Quan Văn Học (trú tại Châu Thành, Sóc Trăng) ngồi thụp xuống trước mặt vợ, khóc như một đứa trẻ. Bà Lê Thị Quít chết lặng trước mất mát đột ngột này. Bà gửi đứa con gái thứ 2, bế theo đứa con út bé xíu bỏ lên thành phố, thất thểu đi tìm con. Tìm hoài, tìm hoài mà chẳng thấy...
Sau những đợt tìm kiếm không có kết quả, lại phải "gánh" điều tiếng "bán con" ông Học sinh buồn chán, tìm đến rượu để mong quên đi nỗi hối hận, day dứt. Nhưng nỗi đau không vợi đi sau những lần say, mà tiếp tục khiến ông phạm sai lầm khi dồn nén bức xúc lên người vợ đáng thương.
Dần dần, tình cảm vợ chồng phai nhạt, lần lượt bà Quýt, rồi ông Học rời bỏ quê hương đi Cần Thơ, Cà Mau mưu sinh.
Họ có gia đình mới, vẫn không nguôi thương nhớ đứa con gái đầu hiếu thảo, hiểu chuyện. Loan còn hay mất, sống có tốt không vẫn luôn là câu hỏi không nguôi trong tim bà Quít, để mỗi đêm tỉnh giấc mơ, nước mắt lại ướt đẫm cả gối.
Xâu chuỗi, chắp vá từng manh mối, từng thông tin ít ỏi chị Loan cung cấp, cuối cùng những người làm chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly cũng kết nối được với bà Quít và xác định chị Nguyễn Thị Loan chính là Quan Thị Hồng Loan - cô con gái thất lạc từ đầu năm 1981 của vợ chồng bà. Chỉ tiếc rằng ông Học đã qua đời năm ngoái, với nỗi day dứt, hối hận một đời không thể nguôi ngoai...
Cuộc trùng phùng của người mẹ già hơn 70 tuổi và đứa con gái nay đã 50, sau 40 năm xa cách khiến không ai cầm được nước mắt. Bước qua dốc bên kia cuộc đời, cuối cùng, chị cũng đoàn tụ với má, với 2 em, có được một giấc ngủ bình yên và hạnh phúc trong vòng tay người thân. Chị không trách ba vì tự nhận "mình ham chơi nên mới bị lạc", "để lạc mất con, ba cũng đau khổ, day dứt, hối hận lắm".