Chương trình đào tạo cung cấp dịch vụ xã hội hỗ trợ người bị bạo lực giới
(Dân trí) - Ngày 21/11, tại Hà Nội, chương trình đào tạo cung cấp dịch vụ xã hội hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới được công bố.
Chương trình do Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động xã hội (Colasa), Trường Đại học Lao động Xã hội phối hợp Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức.
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam Matt Jackson.
Phần lớn phụ nữ bị bạo lực chưa tìm kiếm sự giúp đỡ
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết bạo lực đối với phụ nữ là một biểu hiện vi phạm nhân quyền phổ biến và xảy ra ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Các hình thức phổ biến của bạo lực trên cơ sở giới là bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế, kiểm soát hành vi và buôn bán người, trong đó trẻ em gái và phụ nữ trẻ có nguy cơ bị nhiều hình thức bạo lực ngay trong gia đình, tại nơi làm việc, ở trường hoặc trên đường phố. Bạo lực trên cơ sở giới không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân nạn nhân và gia đình họ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới vẫn tồn tại khá phổ biến, điều đáng quan tâm là phần lớn phụ nữ bị bạo lực vẫn chưa tìm kiếm sự giúp đỡ từ các dịch vụ hỗ trợ chính thức hoặc từ chính quyền địa phương.
Hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn; trình độ và kỹ năng của cán bộ, nhân viên còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan vẫn chưa thống nhất, đồng bộ đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác hỗ trợ cho người bị bạo lực.
Ngày 18/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, theo đó mỗi ngạch viên chức chuyên ngành chỉ có một bộ tài liệu bồi dưỡng tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp cho tất cả các hạng.
Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức lao động xã hội đã triển khai xây dựng tài liệu bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh viên chức chuyên ngành công tác xã hội để thay thế các tài liệu đào tạo hiện tại theo từng hạng viên chức công tác xã hội, trong đó nội dung công tác xã hội với người bị bạo lực trên cơ sở giới là một chuyên đề của chương trình nhằm trang bị cho nhân viên công tác xã hội những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội cho những người bị bạo lực giới.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà yêu cầu tập trung tổng kết, đánh giá chia sẻ quá trình xây dựng khung chương trình và tài liệu công tác xã hội với người bị bạo lực giới; đồng thời thảo luận các ưu tiên và định hướng, khuyến nghị hoạt động và các hình thức triển khai tài liệu phù hợp với đối tượng và điều kiện thực tiễn tại các địa phương, đơn vị trong những năm tiếp theo.
Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho người làm công tác xã hội
Ts. Nguyễn Thị Hải Vân - Giám đốc Colasa cho biết, hiện Bộ LĐ-TB&XH đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định Công tác xã hội. Một trong những quy định tại dự thảo nghị định là về người hành nghề công tác xã hội.
Theo đó, người hành nghề công tác xã hội là người làm công tác xã hội được đào tạo và có kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về công tác xã hội; được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Lĩnh vực hoạt động của nghề công tác xã hội bao gồm: phú lợi xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp, tổ chức chính trị xã hội, được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
Trong bối cảnh đó Trung tâm Colasa đã phối hợp xây dựng chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh viên chức chuyên ngành công tác xã hội có thời lượng đào tạo 160 tiết với 26 chuyên đề bao gồm: 7 chuyên đề bắt buộc thuộc phần kiến thức, kỹ năng chung; 7 chuyên đề bắt buộc thuộc phần kiến thức, kỹ năng chuyên ngành công tác xã hội và 12 chuyên đề tự chọn. Trong đó, công tác xã hội với người bị bạo lực giới là một trong 26 chuyên đề trong chương trình.
Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh, với các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới thì các nhân viên công tác xã hội là trọng tâm. Họ chính là những người sẽ đem hết sức mình để có thể hiện thực hóa các chính sách và hướng dẫn kỹ thuật vì cuộc sống của những người phụ nữ và trẻ em gái và cộng đồng nơi họ sống. Vì vậy, việc triển khai chương trình đào tạo này có ý nghĩa rất quan trọng.
Và điều quan trọng hơn, chương trình đào tạo này hoàn toàn phù hợp với Hướng dẫn Khu vực ASEAN về "Tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em: Cung cấp dịch vụ công tác xã hội chất lượng cho những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực" được triển khai cách đây một tuần trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 về phúc lợi và phát triển xã hội tại Hạ Long, Việt Nam.
"Tất cả chúng ta, như những bà con trong một thôn, một xã, hãy nỗ lực và huy động mọi nguồn lực để có thể thực hiện những Mục tiêu Phát triển Bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau, đảm bảo mọi phụ nữ, trẻ em gái và người cao tuổi tại Việt Nam, đặc biệt những nhóm người dễ bị tổn thường, có thể có một cuộc sống không bị kì thị, không bị quấy rồi, không bị lạm dụng và không bạo lực"- Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nêu thông điệp.
Tại hội thảo các đại biểu đề xuất, bổ sung nhóm người dễ bị tổn thương vào các chương trình đào tạo chuyên sâu của Colasa để giúp những người không chỉ là cán bộ công tác xã hội mà cả những cá nhân có nhu cầu. Cần trang bị những kiến thức, kỹ năng cho những người hỗ trợ trực tiếp bạn đầu đối với nạn nhân bị bạo lực giới.