Chủ trọ giảm tiền, tặng gạo vẫn không giữ được chân người thuê phòng
(Dân trí) - "Nhắc đến người "đi làm công ty" là khổ lắm. Một tuần chỉ làm 2-3 ngày, công nhân tiền đâu mà ăn, đóng trọ nên phải trả phòng về quê mưu sinh", một công nhân tại "thủ phủ" công nghiệp Bình Dương nói.
6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp tại Bình Dương đơn hàng nhỏ giọt, chỉ đạt tỉ lệ 30-50%. Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng cuối năm, doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn do thiếu đơn hàng.
Tiền trọ giảm, người thuê vẫn không đủ sức gánh
Người phụ nữ 26 tuổi, quê An Giang thuê trọ tại phường Uyên Hưng (TP Tân Uyên, Bình Dương) cho biết, chị mới sinh nên ở nhà nuôi con, nhà chỉ có chồng đi làm.
Nhưng công ty của người chồng cũng thiếu đơn hàng, người lao động chỉ được phân phối việc, làm đủ giờ chứ không được tăng ca như trước, thu nhập giảm mạnh.
Cuộc sống gia đình công nhân trẻ, theo đó, đối mặt khó khăn liên tiếp.
"Gia đình tôi gặp cảnh thiếu thốn cả năm nay rồi, có lúc phải đi mượn tiền của người ta để chi tiêu", người mẹ trẻ cho biết.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chủ nhà trọ đã chủ động giảm tiền phòng cho gia đình chị mỗi tháng 200 nghìn đồng nhưng khoản đó không thấm vào đâu.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, "lão tướng" công nhân 63 tuổi, quê Kiên Giang mới nghỉ việc tại công ty gỗ cho biết, lý do là vì sức khỏe yếu, không trụ nổi ở dây chuyền nữa. Nghỉ việc rồi ông cũng chưa biết tính làm gì để tiếp tục mưu sinh.
Vợ chồng đang thuê phòng trọ tại TP Tân Uyên (Bình Dương). Tình hình khó khăn chung, ông bà được chủ trọ giảm 300 nghìn/tháng nhưng để xoay được đủ tiền phòng lúc này cũng không đơn giản.
"Giờ nhắc đến người "đi làm công ty" là khổ lắm. Một tuần chỉ làm 2-3 ngày, công nhân tiền đâu mà ăn, đóng trọ nên phải trả phòng về quê mưu sinh.
Vợ tôi vẫn còn việc để đi làm nhưng ngày chỉ làm 8 tiếng, không có tăng ca. Nói chung giờ công ty cho nghỉ nhiều lắm, nếu còn việc cũng phải phân chia nhau, nhà máy 50 công nhân thì hôm nay 25 người đi làm, hôm sau 25 người khác", lão tướng công nhân kể.
Công nhân lao động bị giảm thu nhập, đời sống khó khăn, chủ trọ cũng héo hắt vì cả dãy phòng trong tình trạng trống.
Chủ dãy nhà trọ tại phường An Phú (TP Thuận An, Bình Dương) cho biết, hiện có 4 phòng trống, không có người thuê. Lý do, nhiều công nhân không có công việc, phải trả phòng về quê, số khác thì chuyển sang ở chung, ở ghép cho tiết kiệm.
"Tôi có tiền hưu trí, không phải vay mượn khi xây nhà trọ nên thu nhập có giảm thì cũng không ở cảnh... tụt đáy. Những chủ trọ đi vay mượn để đầu tư xây dựng sẽ khổ lắm", ông Ba nói.
Ông Ba cho biết thêm, ông cũng đã giảm tiền phòng từ khi dịch Covid-19 nổ ra, gần đây còn hỗ trợ nhu yếu phẩm như phát gạo cho những người thuê trọ.
"Người ta ở với mình bao lâu, cũng thương lắm. Vậy nên có nguồn ở quê, tôi mang gạo lên phát, đỡ cho công nhân được phần nào. Được đối xử tốt, người thuê phòng cũng sẽ gắn bó với mình lâu hơn", ông Ba cho hay.
Giải pháp hỗ trợ người lao động
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, trong 6 tháng đầu năm, số người lao động được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp là 55.000 lao động, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tỉnh Bình Dương đang thực hiện các giải pháp hỗ trợ người lao động như đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Điều tiết lao động từ nơi đang thất nghiệp đến nơi đang tuyển dụng. Tiếp tục giải quyết kịp thời bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Số lượng người lao động ở Bình Dương mất việc làm phải hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện tăng hơn so với năm trước. Tỉnh đang triển khai các biện pháp hỗ trợ, đồng thời sẽ điều tra, thống kê thu nhập để đánh giá thực tế mức sống của người lao động.
Theo ông Tuyên, dự báo nhu cầu tuyển dụng, từ nay đến cuối năm Bình Dương cần khoảng 20.000 - 22.000 lao động, trong đó lao động có tay nghề, lao động phổ thông chiếm khoảng 70%, còn lại là lao động có trình độ chuyên môn.
Nhu cầu tuyển lao động phổ thông 6 tháng cuối năm chủ yếu để bổ sung nguồn lực hao hụt, chỉ số ít phục vụ việc mở rộng sản xuất. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ luôn có nhu cầu tuyển dưới 50 lao động sẽ không thông tin rộng rãi mà chỉ dán thông báo tuyển dụng tại doanh nghiệp.