Chủ tịch huyện chịu trách nhiệm nếu để trẻ đuối nước trong hè

Thế Kha

(Dân trí) - "Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn quản lý".

Đó là nhận định ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu ra trong chỉ thị vừa ký về tăng cường phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn.

Nhiều địa phương và các sở, ban ngành đã triển khai, thực hiện nghiêm túc, nhưng một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm. Việc tổ chức rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em tại địa phương còn hình thức, chưa hiệu quả.

Chủ tịch huyện chịu trách nhiệm nếu để trẻ đuối nước trong hè - 1

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc).

Về phía gia đình còn buông lỏng, không quản lý, giám sát chặt chẽ con em mình. Bản thân trẻ em thiếu kỹ năng phòng, chống đuối nước, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu và tự cứu đuối nước...

Cam kết "không tự ý đi bơi"

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể, chủ tịch UBND các huyện, thành phố,… chỉ đạo rà soát việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng.

Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là phòng chống đuối nước, điện giật, rơi, ngã từ nhà cao tầng đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư, trường học, lớp học để bảo đảm an toàn cho trẻ em.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc được giao chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc , UBND các huyện, thành phố tổ chức chiến dịch truyền thông cụ thể, chi tiết, sâu rộng về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em cả trên 3 phương thức: Tuyên truyền trực quan (pano, áp phích, tài liệu, ấn phẩm), tuyên truyền qua cơ quan thông tin đại chúng (đặc biệt là hệ thống truyền thanh cơ sở), tuyên truyền trên mạng xã hội, qua nhà trường, cơ quan, lớp học và các tổ chức chính trị

Đồng thời chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp.

Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc thường xuyên nhắc nhở học sinh phòng, chống đuối nước tại các buổi tập trung đầu tuần, sinh hoạt lớp cuối tuần, trước khi tan lớp ra về; tuyên truyền qua Fanpage của các trường, tin nhắn điện thoại, zalo... của các hội, nhóm.

100% các trường học phải triển khai các hoạt động ngoại khóa về kỹ năng sống, hướng dẫn cho học sinh các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối tại trường học. Các trường cho học sinh ký cam kết: "Không tự ý đi bơi, lội nước khi không có người lớn đi cùng".

Ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu 

Ông Lê Duy Thành giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, khẩn trương rà soát các công trình chứa nước, sông, ao, hồ, các khu vực nước sâu nguy hiểm, các công trình thủy lợi thường xảy ra tai nạn đuối nước để gia cố, cải tạo, lắp đặt rào chắn và các biển cảnh báo nguy hiểm.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm tuyệt đối về người đứng đầu nếu lơ là, chủ quan, không rà soát dẫn đến tồn tại các nguy cơ, tai nạn đuối nước đối với trẻ em trên địa bàn quản lý.

Chủ tịch huyện chịu trách nhiệm nếu để trẻ đuối nước trong hè - 2

Hiện trường một vụ đuối nước thương tâm xảy ra ở tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022 (Ảnh: Cổng TTĐT Vĩnh Phúc).

"Nghiên cứu đưa chỉ tiêu giảm số trẻ em bị đuối nước trên địa bàn gắn với nhiệm vụ người đứng đầu địa phương cấp huyện, xã; là chỉ tiêu tính điểm thi đua hằng năm của đơn vị, địa phương. Người đứng đầu cấp huyện, cấp xã, trưởng thôn, cơ quan, đơn vị, trường học quản lý trẻ em phải chịu trách nhiệm khi để xảy tình trạng trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước", chỉ thị của Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ.

Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo; định kỳ tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo thống kê, năm 2022, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra 24 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Từ đầu năm 2023 đến nay có một trẻ em tử vong do đuối nước.