Chàng trai 18 tuổi bị gãy xương 40 lần
(Dân trí) - Bé trai mới chào đời liên tục bị gãy tay, chân. Sự bất thường này khiến người mẹ chịu nhiều dị nghị.
Nguyễn Tấn Khang, 18 tuổi, sống tại xã Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi, mặc dù nhỏ như một học sinh cấp 2 nhưng đã gây ấn tượng mạnh mẽ với loạt bức vẽ sống động bằng bút bi trên chiếc xe lăn của mình.
Bên cạnh Khang, chị Đinh Thị Châu - mẹ của cậu - tự hào chia sẻ về những tài lẻ của con trai mình. Khang không chỉ vẽ đẹp, hát hay mà còn khéo tay trong việc làm đồ gỗ trang trí. Trước khi bệnh tình diễn biến nặng, Khang từng đạt thành tích học tập xuất sắc từ lớp 1 đến lớp 9.
Căn bệnh xương thủy tinh đã buộc Khang phải dừng việc học ở lớp 9. Chị Châu xúc động nhớ lại những ngày tháng đầu tiên khi phát hiện con mắc bệnh. Khi Khang mới tròn một tháng tuổi, cậu đã bị gãy tay phải, sau đó là tay trái, liên tục gãy xương khiến chị vô cùng hoảng hốt.
"Người ta nói tôi không biết chăm con, có người nói lúc mang bầu không kiêng cữ nên giờ con mới bị thế. Thấy con chịu đau đớn nên mình cũng dằn vặt lắm", chị Châu kể.
Gia đình chị Châu đã phải đưa Khang vào TPHCM thăm khám, và tại đây, bác sĩ chẩn đoán Khang mắc bệnh xương thủy tinh. Đôi vợ chồng ngư dân phải đối diện với sự thật đau lòng rằng con mình mong manh như chiếc bóng đèn thủy tinh.
Với căn bệnh hiếm gặp, Khang phải chịu nhiều thiệt thòi và đau đớn. Số lần gãy tay, chân của Khang tăng lên khi cậu biết đi. Những va chạm nhỏ cũng đủ để gây nên nỗi đau khủng khiếp đối với em.
Khang từng mong muốn được đi chơi cùng bạn bè, nhưng chị Châu luôn phải ngăn cản để bảo vệ con. Cậu bé thường phản kháng khi mẹ không cho đi chơi, nhưng sau này Khang đã hiểu và biết ơn mẹ.
Khang học rất giỏi và chăm chỉ. Nhưng đến năm lớp 9, một cú ngã tại trường đã khiến cậu bị gãy chân liên tục, buộc phải nghỉ học. Trường quá xa nhà, chị Châu lại mắc bệnh tim không thể đưa đón con hàng ngày.
Công việc của chồng thất bại, gia đình phải bán tàu, bán nhà để trả nợ và ở nhờ nhà người thân. Những biến cố liên tiếp khiến chị Châu quyết định cho con nghỉ học, một quyết định mà đến giờ chị còn day dứt.
Kể từ khi nghỉ học, Khang đã tìm nhiều cách để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Buổi sáng cậu bán vé số, chiều về nhận đánh bóng đồ gỗ kiếm thêm thu nhập. Những lúc rảnh rỗi, Khang vẽ tranh và mong muốn tìm được việc làm qua mạng liên quan đến nghệ thuật.
"Cha mẹ đã chịu nhiều vất vả nên em tự nhủ mình phải phấn đấu cùng cha mẹ vượt qua giai đoạn khó khăn này", Khang chia sẻ.