Cảnh báo tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội gia tăng
(Dân trí) - Theo số liệu thống kê của cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), số tiền chậm đóng BHXH từ 3 năm trở lên chiếm trên 34% tổng số chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Bộ LĐ-TB&XH đang tổng kết công tác thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (giai đoạn 2016-2020) và có những kiến nghị sửa đổi chính sách trong thời gian tới đây. Một trong những vấn đề tồn tại được xác định cần khắc phục là tình trạng chậm đóng BHXH, khó thu có xu hướng gia tăng.
Chuyển 138 hồ sơ đơn vị nợ BHXH sang cơ quan điều tra
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, năm 2020, số tiền chậm đóng BHXH, khó thu là hơn 2.560 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với thống kê trong năm 2016. Tình trạng chậm đóng BHXH kéo dài ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động bị chủ sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tại Khoản 3 Điều 23 Luật BHXH 2014, Quốc hội đã giao cho cơ quan BHXH có trách nhiệm tổ chức thực hiện thu, chi BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, hàng năm xác nhận thời gian đóng BHXH cho từng người lao động.
Cơ quan BHXH phải có trách nhiệm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, không để xảy ra tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Ngoài ra, Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực ngày 1/1/2018 đã quy định tội trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 05 năm 2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 214, Điều 215 và Điều 216 của Bộ luật Hình sự đã quy định chi tiết về một số thuật ngữ như trốn đóng BHXH, gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH, không đóng tiền BHXH; không đóng đầy đủ quy định tại Khoản 1 Điều 216.
Theo đó, một số hành vi chậm đóng BHXH theo thống kê của cơ quan BHXH như trên thuộc vào hành vi trốn đóng BHXH quy định tại Điều 216.
Đồng thời, Khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP cũng quy định, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan BHXH gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tính đến nay, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố đã chuyển 138 hồ sơ các đơn vị không thực hiện quyết định, kết luận thanh tra đến cơ quan công an, kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên cho đến nay chưa xử lý được đơn vị nào.
Đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, một số địa phương còn chưa thực hiện tốt vai trò cơ quan quản lý nhà nước về BHXH. Tại Khoản 5 Điều 8 Luật BHXH 2014, Quốc hội giao Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về BHXH trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ.
Trên cơ sở báo cáo của cơ quan BHXH, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, Ủy ban nhân dân các cấp cần có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, không để tình trạng tiền trốn đóng, chậm đóng BHXH ở địa phương. Tuy nhiên, đến nay tình hình còn chậm triển khai ở nhiều nơi.
Nhiều kiến nghị, đề xuất
Theo kiến nghị của Bộ LĐ-TB&XH, thời gian tới, việc xây dựng chính sách cần chú trọng kết hợp các nhóm giải pháp chính sách. Trong đó, đề xuất bổ sung quy định cơ quan BHXH có trách nhiệm xác định, khai thác và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH.
Theo lý giải của Bộ LĐ-TB&XH, để quản lý được đối tượng tham gia BHXH, cơ quan BHXH cần phải nhận diện đầy đủ được đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc thông qua việc tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, ban ngành ở địa phương. Qua đó tiến hành điều tra và nắm bắt được đầy đủ các đơn vị sử dụng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn. Trên cơ sở đó khai thác, đăng ký và quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHTN theo quy định của pháp luật.
Khi đã nhận diện, quản lý được đầy đủ người sử dụng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, thông qua đội ngũ cán bộ chuyên quản thu, cơ quan BHXH kịp thời thông báo đến người sử dụng lao động tình hình đóng BHXH hàng tháng.
Cơ quan BHXH có văn bản nhắc đóng BHXH tối đa 3 lần, sau đó thành lập đoàn kiểm tra, tiếp tục vi phạm thì tổ chức thanh tra, thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Nếu tiếp tục vi phạm thì khởi kiện và phối hợp với các cơ quan tiến hành xử lý hình sự một số vụ trọng điểm để răn đe cho các chủ sử dụng lao động khác.
Nhóm giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tập trung việc chấp hành nội dung kết luận thanh tra, kiểm tra, kết quả thu hồi sau thanh tra, kiểm tra.
Thực tế thời gian vừa qua, tổng số cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BHXH được tổ chức khá nhiều. Năm 2019 có gần 22.000 cuộc thanh tra kiểm tra được tiến hành. Tuy nhiên việc chấp hành kết luận thanh tra, kiểm tra, đặc biệt kết quả thu hồi sau thanh tra còn hạn chế làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Chính vì thế, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh kiểm tra trên diện rộng, việc thanh tra cần tổ chức có trọng tâm, làm vụ nào dứt điểm vụ đó để đảm bảo tính hiệu lực hiệu quả của công tác thanh tra, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Bổ sung quy định đối với các trường hợp chậm đóng kéo dài. Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung quy định cơ quan quản lý nhà nước về BHXH có thẩm quyền phong tỏa tài khoản của người sử dụng lao động để buộc thực hiện trách nhiệm tham gia BHXH đầy đủ cho người lao động.