Cảnh báo tình trạng bạo lực giới trên không gian mạng

Minh Nhật Linh Chi

(Dân trí) - Không chỉ giới hạn trong không gian gia đình, các hình thức bạo lực giới hiện nay còn lan rộng lên không gian mạng, điển hình như lạm dụng hình ảnh với phụ nữ.

Nguy cơ bạo lực giới ở địa phương đông người xuất khẩu lao động

Hà Tĩnh mỗi năm có khoảng 12.000 người xuất khẩu lao động, phần lớn là nam giới. Điều này khiến nhiều phụ nữ ở nhà đối diện với nguy cơ bạo lực, mâu thuẫn gia đình và ly hôn.

Đây là thông tin được ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Tĩnh chia sẻ tại buổi lễ công bố "Thúc đẩy nhân rộng mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam". Chương trình được tổ chức tại Hà Nội chiều 13/1.

"Hơn nữa, Hà Tĩnh có 120.000 người làm việc tại các khu công nghiệp, tình trạng trẻ em thiếu sự giám sát cũng gia tăng. Việc triển khai Ngôi nhà Ánh Dương sẽ giúp hỗ trợ các gia đình, giảm thiểu ly hôn và bảo vệ quyền lợi trẻ em, đặc biệt là đối tượng phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi bạo lực", ông Dũng thông tin.

Cảnh báo tình trạng bạo lực giới trên không gian mạng - 1

Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (Ảnh: UNFPA).

Đáng chú ý, theo ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, Điều tra Quốc gia năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ chỉ ra: Cứ 3 phụ nữ 15-64 tuổi có gần 2 người từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần và/hoặc kinh tế trong đời.

Vấn đề này vẫn còn rất ẩn giấu trong xã hội Việt Nam, với hơn 90% phụ nữ từng bị bạo lực không tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ công, và một nửa trong số đó chưa từng chia sẻ sự việc với bất kỳ ai.

Có tình trạng phụ nữ bị bạo lực trên không gian mạng

Cảnh báo tình trạng bạo lực giới trên không gian mạng - 2

Ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH (Ảnh: UNFPA).

Theo ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH, phụ nữ ở các khu vực nông thôn và vùng bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai, phải đối mặt với các hình thức bạo lực và bất bình đẳng nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân là do sự phụ thuộc kinh tế và thiếu cơ hội tiếp cận các nguồn lực. Điều này không chỉ gia tăng sự dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái, mà còn làm chậm quá trình phục hồi sau thiên tai, kéo dài chu kỳ nghèo đói và bất bình đẳng.

Theo báo cáo nghiên cứu của UNFPA, năm 2023, tại Quảng Ninh, Hà Tĩnh và Khánh Hòa, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đều xuất hiện, trong đó có cả bạo lực trên cơ sở công nghệ với các hình thức như lạm dụng hình ảnh, bạo lực trên không gian mạng.

Cảnh báo tình trạng bạo lực giới trên không gian mạng - 3

Có tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên cơ sở công nghệ (Ảnh: Getty).

Giai đoạn 2020-2023, Quảng Ninh ghi nhận 1.000 cuộc gọi đường dây nóng về bạo lực. Hà Tĩnh báo cáo 59 vụ bạo lực gia đình trong năm 2021, chủ yếu là xâm hại tinh thần.

Trong nửa đầu năm 2023, cả nước có 13 vụ xâm hại trẻ em và trẻ vị thành niên bị truy tố. Tại Khánh Hòa, từ 2021 đến 6/2023, có 49 vụ xâm hại trẻ em, trong đó 40 trẻ bị xâm hại tình dục...

Những con số nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của vấn đề bạo lực giới cần được giải quyết khẩn cấp.

Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới nhấn mạnh, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã luôn nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

"Việc thực hiện các chương trình đã góp phần giảm thiểu bạo lực giới, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của tầng lớp nhân dân", ông Lương chia sẻ. 

Tại chương trình, UNFPA và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) chính thức khởi động hai dự án nhằm xây dựng Ngôi nhà Ánh Dương và hỗ trợ Ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh khắc phục thiệt hại của bão Yagi.

Cảnh báo tình trạng bạo lực giới trên không gian mạng - 4

Hình ảnh Ngôi nhà Ánh Dương tại TPHCM (Ảnh: UNFPA).

Ngôi nhà Ánh Dương là nơi nạn nhân có thể tiếp cận các dịch vụ y tế, hỗ trợ tâm lý, cũng như nhận sự giúp đỡ từ lực lượng cảnh sát và tư pháp địa phương. 

Với kinh phí 5,5 triệu USD từ nguồn tài trợ của KOICA, hai dự án góp phần giúp Việt Nam tăng cường nỗ lực ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là các nhóm yếu thế.