Cán bộ góp tiền lương giúp dân, phường "trắng" hộ nghèo
(Dân trí) - Phường Nghi Thu là địa phương đầu tiên của thị xã Cửa Lò (Nghệ An) "trắng" hộ nghèo. Công cuộc xóa nghèo ở đây có sự đóng góp từ đồng lương của đội ngũ cán bộ cơ sở.
Góp ngày lương giúp dân thoát nghèo
Năm 2020, chồng chị Lê Thị Yên (33 tuổi, trú khối 3, phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò) đột ngột qua đời sau một biến cố. Thời điểm đó, chị vừa sinh con thứ 3 được 4 tháng. Mất đi trụ cột gia đình, lại một nách 3 con nhỏ, chị Yên đối mặt với nhiều khó khăn.
Thời điểm đó "danh hiệu" hộ nghèo là cứu cánh, để 2 con lớn của chị được giảm một số khoản đóng góp khi đi học. Vào những dịp đặc biệt, mẹ con chị thêm ấm lòng khi có những món quà tuy nhỏ nhưng thiết thực của chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương.
Khi đứa con thứ 3 cứng cáp, chị Yên nhờ mẹ chồng chăm sóc, còn bản thân đi làm thuê cho các cơ sở thu mua, chế biến hải sản tại địa phương. Công việc này tuy vất vả nhưng bù lại giúp chị kiếm 200.000-250.000 đồng/ngày, tằn tiện chi tiêu cũng đủ trang trải cuộc sống.
Cuối năm 2022, chị Yên viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Đây cũng là trường hợp cuối cùng thoát nghèo tại phường Nghi Thu. Hiện, chị Yên là một trong 2 hộ cận nghèo của khối 3.
"Vì biến cố gia đình mới lâm vào cảnh nghèo khó chứ có ai muốn mình nghèo đâu. Trong lúc khó khăn, một nách 3 con nhỏ, tôi được phường hỗ trợ 30 triệu đồng, phòng khi ốm đau, biến cố.
Hiện 3 con của tôi được hỗ trợ mỗi tháng 330.000 đồng/cháu diện trẻ mồ côi, bản thân tôi đi làm thuê ở cảng cá, cũng đủ chi tiêu một cách tằn tiện", chị Yên chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy - Chủ tịch HĐND phường Nghi Thu, công tác xóa trắng hộ nghèo đã được Đảng ủy phường đưa vào nghị quyết đại hội Đảng bộ phường. Ngoài việc đẩy mạnh công tác vận động sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, mạnh thường quân, phường giao tổ chức công đoàn chủ công trong giúp đỡ các hộ nghèo trên địa bàn.
Với nhiệm vụ được giao, Công đoàn phường Nghi Thu thống nhất mỗi cán bộ, người lao động trong đơn vị góp mỗi tháng một ngày lương để giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo.
"Chúng tôi đề ra mục tiêu, mỗi năm, cùng với cấp ủy, chính quyền, tổ chức mặt trận và các đoàn thể, công đoàn phường sẽ trực tiếp giúp đỡ một hộ dân cả về kinh phí và sinh kế, đảm bảo hỗ trợ hộ nào, hộ đó sẽ thoát nghèo bền vững.
Trong 3 năm, 2018-2020, từ khoản đóng góp trích từ lương của cán bộ, đảng viên, người lao động đã hỗ trợ, giúp đỡ 3 hộ dân trên địa bàn thoát nghèo", ông Mạnh cho hay.
Năm 2020, phường Nghi Thu đã hết hộ nghèo, chương trình góp ngày lương giúp hộ nghèo cũng dừng lại. Năm 2021, theo tiêu chí nghèo đa chiều mới, hộ gia đình chị Lê Thị Yên "tái nghèo".
Quyết tâm "xóa trắng" hộ nghèo, phường Nghi Thu giao tổ chức mặt trận và các đoàn thể tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ chị Yên. Năm 2022, với 30 triệu đồng vận động từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn, phường Nghi Thu đã trao tới chị Yên, qua đó giúp chị niềm tin và động lực để viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Nỗ lực giảm hộ cận nghèo
Theo ông Nguyễn Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Nghi Thu, hiện tại, địa phương còn 11 hộ cận nghèo, so với năm ngoái đã giảm 3 hộ. Trong năm nay, địa phương này đề ra mục tiêu giảm 3-4 hộ cận nghèo, trong đó riêng khối 1 có 2 hộ vượt cận nghèo, trở thành khối không có hộ cận nghèo..
"Chúng tôi xác định giảm hộ cận nghèo phải gắn chặt với tạo mô hình sinh kế phù hợp. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, trách nhiệm của cả tập thể Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội của phường.
Trước hết là vận động hộ cận nghèo thay đổi nhận thức, tích cực lao động, tự lực vươn lên, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, coi việc giảm nghèo trước hết là trách nhiệm của chính bản thân các gia đình", ông Hương cho hay.
Khối 2 hiện có 4 hộ dân thuộc hộ cận nghèo. Đây cũng là địa bàn có nhiều hộ cận nghèo của phường Nghi Thu. Ban vận động giảm nghèo của phường đang thực hiện rà soát, đánh giá để kế hoạch hỗ trợ bò giống sinh sản hoặc sửa chữa nhà ở để 1 trong 2 hộ dân này ra khỏi danh sách hộ cận nghèo.
Bà Hoàng Thị Tuyết (50 tuổi) sống một mình trong căn nhà cũ kỹ tại khối 2. Thu nhập chủ yếu của bà dựa vào 1,5 sào ruộng nước. Là hộ cận nghèo, bà Tuyết được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, tiền điện sinh hoạt.
Bởi vậy, khi cán bộ khối đến vận động thoát cận nghèo, người phụ nữ đơn thân này khá lưỡng lự. Mặc dù bản thân không muốn là hộ cận nghèo "bền vững" của địa phương nhưng khi ra khỏi hộ cận nghèo, đồng nghĩa không được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, lỡ có vấn đề về sức khỏe, bà khó có thể xoay xở với chi phí điều trị.
Đáp lại, bà Hà Thị Hoa, Khối trưởng khối 2 cho biết: "Khối và phường sẽ có phương án cụ thể về vấn đề này. Thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện mua theo hộ gia đình hiện nay đối với trường hợp của bà Tuyết là hơn 1 triệu đồng. Chúng tôi đang có kế hoạch, kiến nghị Hội phụ nữ khối và Hội phụ nữ phường vận động quyên góp trong hội viên để mua thẻ bảo hiểm tặng bà Tuyết".
Theo Phó Bí thư Đảng ủy phường Nghi Thu, thực tế hiện nay có hộ dân đang dựa vào hộ cận nghèo để "giữ" thẻ bảo hiểm y tế. Bởi vậy, cùng với chính sách hỗ trợ, theo lãnh đạo phường Nghi Thu, "xóa nghèo" về tư tưởng, nhận thức của các hộ dân là điều quan trọng.
Cùng với chính sách hỗ trợ vay vốn hay sinh kế phù hợp, phường Nghi Thu đang tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động giúp đỡ các hộ dân khó khăn về nhà ở, để các hộ yên tâm an cư, từ đó quyết tâm vượt cận nghèo.
"Trong năm 2023, chúng tôi vận động, xây 4 nhà đại đoàn kết cho các hộ dân khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí 230 triệu đồng.
Trong năm nay, phường vận động nguồn hỗ trợ từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp, đơn vị, tập thể, cá nhân để sửa chữa, xây mới 4-5 căn nhà, phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn phường không có hộ dân nào khó khăn về nhà ở", ông Nguyễn Văn Mạnh thông tin.