Bước tiến của phụ nữ dân tộc thiểu số: Từ thoát nghèo đến tham chính
(Dân trí) - Không còn cảnh chị em chỉ chuyên bếp núc, nương rẫy, phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam ngày càng có đóng góp quan trọng vào kinh tế xã hội, tham gia vào chính quyền từ cơ sở, đến trung ương.
Theo UNDP, Việt Nam hiện có gần 7,1 triệu phụ nữ dân tộc thiểu số. Nếu như trước đây phụ nữ dân tộc thiểu số luôn nằm trong nhóm yếu thế thì mới đây Liên Hợp quốc đánh giá Việt Nam luôn là 1 trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững.
Tại nhiều địa phương vùng dân tộc thiểu số, việc chăm lo và nâng cao vị thế cho người phụ nữ dân tộc thiểu số đã và đang có nhiều bước tiến. Xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, một tháng 1 lần, tổ công tác gồm đại diện xã, cán bộ phụ nữ xã, thôn đều đến với chị em phụ nữ nơi đây.
Địa phương này đa số là chị em phụ nữ, cách trung tâm xã hàng chục km, trước đây họ không hề có kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng như các kiến thức về bình đẳng giới. Với những buổi tuyên truyền định kỳ như vậy, giúp thay đổi nhận thức và hành vi của người dân.
Bà Nguyễn Thúy An, cán bộ Y tế xã Ngọc Chiến, Mường La, Sơn La cho biết, những buổi tiêm chủng, các bà mẹ hay đưa con đến trạm y tế, và tại đây các cán bộ y tế đã thực hiện tư vấn cho các mẹ về sức khỏe sinh sản. Sau dần chị em phụ nữ mạnh dạn và đến xin tư vấn các vấn đề sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới... Kết quả đạt được là hơn 70% được khám thai trước sinh hay 98% dân tộc thiểu số của xã có bảo hiểm y tế.
Việc tăng cường thông tin tuyên truyền, định hướng các chính sách đến người dân tộc thiểu số, đặc biệt phụ nữ và trẻ em đã giúp Việt Nam đạt được thành tựu lớn.
Báo cáo "Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015-2019" và Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam" do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Viện Khoa học Lao động và Xã Hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) công bố: Giai đoạn 2015-2019 tỷ lệ tảo hôn của người dân tộc thiểu số giảm 4,7 điểm phần trăm. Tỷ lệ hộ gia đình DTTS có kết nối internet (Wi-Fi, cáp hoặc 3G) tăng 9,4 lần, từ 6,5% năm 2015 lên 61,3% năm 2019.
Bên cạnh đó, thu nhập bình quân một nhân khẩu/tháng của người dân tộc thiểu số năm 2018 đã tăng mạnh 1,8 lần so với năm 2014 và thu nhập trung bình hàng tháng của hộ gia đình dân tộc thiểu số có chủ hộ là nữ luôn cao hơn so với chủ hộ là nam.
Ngoài ra, tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em dân tộc thiểu số tăng 15,2% trong giai đoạn 2015 và 2019; tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5% trong đó không có sự khác biệt giữa nam và nữ…
Một yếu tố quyết định bình đẳng giới là thúc đẩy họ tham gia các hoạt động kinh tế xã hội địa phương, các mô hình xây dựng sinh kế./ Thời gian qua nhiều địa phương đã chú trọng từ tuyên truyền vận động, đến gắn với việc tạo sinh kế cho người dân, phụ nữ những cách làm hay, sáng kiến mới phát triển kinh tế hiệu quả.
Mô hình chăn nuôi dê sinh sản của phụ nữ ở Nghệ An, sau 3 năm tham gia mô hình, chị Võ Thị Hiền, xã Hương Sơn, Tân Kỳ, Nghệ An đã có hơn 30 con dê sinh sản, thu nhập ổn định hàng năm.
"Một năm xuất được 2 lứa, năm ngoái thu nhập được gần 100 triệu đồng", chị Hiền cho hay.
Từ vài người tham gia, đến nay tổ hợp tác đã có hơn 22 người tham gia và có hơn 30 con dê giống bố mẹ. Thực tế, phụ nữ dân tộc ở các địa phương vùng khó khăn luôn được tạo sinh kế, làm chủ đời sống gia đình, xóa bỏ khoảng cách với nam giới về vai trò trong gia đình cũng như là xây dựng các ý tưởng, quản lý gia đình là vấn đề cần được đẩy cao.
Với sự hỗ trợ của Tổ chức của Hà Lan cho dự án phát triển hệ thống thị trường nâng cao chất lượng cây quế của Lào Cai tập trung nâng cao quyền hạn của người phụ nữ tỉnh Lào Cai ở huyện Bắc Hà, Văn Bàn... giúp họ đưa ra nhiều quyết định và ý tưởng cho cuộc sống.
Chị Triệu Thị Ghiến, xã Nậm Tha, Văn Bàn, Lào Cai cho biết: "Trước đây làm việc xong chỉ biết cúi đầu vào việc nhà, nhưng giờ được tập huấn, giao tiếp và nói chuyện nhiều nên chị em tự tin nhiều hơn, ăn nói lưu loát hơn".
Trong 2 năm, đợt tập huấn về bình đẳng giới cho chị em tại huyện Bắc Hà và Văn Bản đã thu hút hơn 1.500 chị em tham gia và rất nhiều phụ nữ tại địa phương này có cái ăn, cái mặc, cho con cái học hành.
Một trong những vấn đề phát triển bình đẳng giới là nâng cao tỷ lệ chị em phụ nữ tham gia chính quyền. Tại Việt Nam, tỷ lệ này đang ngày một tăng cao ở Hội đồng nhân dân các cấp, Quốc hội, cơ quan của Chính phủ. Đơn cử Quốc hội khóa XIV có hơn 44 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 49,43% đại biểu quốc hội người dân tộc thiểu số.
Ở cấp địa phương, tỷ lệ cán bộ nữ cấp tỉnh, huyện và xã đang ngày một tăng lên, cán bộ lãnh đạo nữ là người dân tộc thiểu số lên chiếm một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh tế xã hội của địa phương. Trong khi đó, tại các cơ quan trung ương, tỷ lệ nữ giới tham gia vào công tác chính quyền ngày càng cao, trong đó có không ít người là phụ nữ dân tộc thiểu số. Đây là thành quả của việc phát triển, coi trọng công tác bình đẳng giới của Việt Nam trong nhiều năm qua.