Bộ trưởng LĐ-TB&XH báo tin vui về công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ
(Dân trí) - Hứa với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định sẽ chăm lo tốt hơn cuộc sống của người có công, trong đó có việc nỗ lực định danh hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Đây là thông tin được lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đề cập khi cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, tặng quà các thương bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan (Ninh Bình) sáng 27/7.
Chuyến đi là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động tri ân người có công trên khắp cả nước nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023).
Nhiệm vụ chăm lo tốt hơn cuộc sống người có công
Trong khuôn khổ chuyến công tác, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo toàn ngành LĐ-TB&XH coi việc chăm lo người có công là việc làm hàng ngày, tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ.
Tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hứa sẽ chỉ đạo ngành triển khai nhiệm vụ, chăm lo tốt hơn cuộc sống của người có công với cách mạng trên cả nước...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh những quyết định, chính sách kịp thời đã được các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành năm nay, nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Chủ tịch nước quyết định tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng với tổng số kinh phí là hơn 400 tỷ đồng.
Ngày 21/7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 75, nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công lên 26,5%. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến hoạt động của các cơ sở nuôi dưỡng người có công...
Cùng với đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cơ hội mới giải trình gen, định danh liệt sĩ
Nội dung khác, Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho biết, qua 6 năm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách, cả nước đã giải quyết được căn bản trên 7.000 hồ sơ. Trong đó, ngành trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công với hơn 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Đặc biệt, dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ năm nay, chiều qua, 26/7, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đón nhận một tin vui. Ông cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cách đây 1 năm, cùng với sự hỗ trợ của một Thượng nghị sĩ Mỹ, Bộ đã gửi sang Hà Lan giám định 100 mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Đây là những mẫu hài cốt chất lượng hạn chế nhất mà các đơn vị tại Việt Nam đã giám định nhưng chưa xác định được bộ gen (ADN), do thời gian dài dưới tác động khắc nghiệt của tự nhiên, hài cốt bị thoái hóa.
Vị tư lệnh ngành nêu thông tin, thời gian qua, phía Hà Lan đã thực hiện việc giám định được với 50 mẫu hài cốt trong số đó, bằng công nghệ mới nhất.
"Đến chiều 25/7, phía Hà Lan thông báo với chúng tôi, đã xác định được ADN của 39 trong số 50 mẫu thực hiện giám định", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, việc này có ý nghĩa lớn với nỗ lực tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin ở Việt Nam.
Tỷ lệ 39/50 mẫu giám định xác định được ADN bằng công nghệ mới này, theo Bộ trưởng, là tỷ lệ rất khả quan, đáng mừng. Bộ trưởng nêu con số, khoảng 40.000 đã hài cốt tìm kiếm, quy tập được 10 năm qua mới chỉ hơn 1.000 mẫu xác định được ADN.
Vậy nên, tin vui từ Hà Lan có ý nghĩa lớn, mở ra cơ hội mới cho việc xác định thông tin của số lượng không nhỏ hài cốt đã được quy tập nhưng không đảm bảo chất lượng để giám định, giải ra được bộ gen phục vụ công tác định danh liệt sĩ.
Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, các mẫu hài cốt liệt sĩ sẽ được gửi tiếp sang Hà Lan để giám định. Tương lai, công nghệ giám định gen tiên tiến này cũng có thể được đưa về, áp dụng tại Việt Nam.
Đến nay, hơn 9,2 triệu người có công chiếm khoảng 10% dân số được hưởng chính sách ưu đãi. Hàng ngàn Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đang được phụng dưỡng.
Giai đoạn 2012-2022 ngân sách Nhà nước được bố trí là 357.373 tỷ đồng để thực hiện chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi, chính sách khác với người có công.
Cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng hỗ trợ hộ gia đình người có công, xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa, tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng.
2.988 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Mức sống của gia đình người có công được đảm bảo bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Số người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên là gần 1,2 triệu người.
Hằng năm gần 106.000 lượt người được điều dưỡng tập trung và gần 387.000 lượt người điều dưỡng tại gia đình. Cả nước có 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, trong đó có 30 trung tâm nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng.