Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: An sinh xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên
(Dân trí) - "Dịch bệnh rất phức tạp, việc làm và đời sống của người lao động đang khó khăn và cần sự chung tay. Chúng ta cần đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ an sinh. Chậm ngày nào là có lỗi với dân ngày đó...".
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương nhằm đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 26/8.
Niềm tin của người dân
Phát biểu tại điểm cầu đặt tại trụ sở Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn tới đời sống việc làm, thu nhập và cuộc sống thường ngày người lao động, đặc biệt là lao động tự do.
Thủ tướng quan tâm và chỉ đạo sát sao
Theo Bộ trưởng, dù bận rất nhiều công việc nhưng Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và chỉ đạo sát sao việc triển khai công tác hỗ trợ, yêu cầu tăng cường việc kiểm tra đôn đốc ở các địa phương. Trường hợp cần thiết, thường trực Chính phủ sẽ có chỉ đạo tới từng lãnh đạo các tỉnh, thành nhằm thúc đẩy nhanh hơn công tác hỗ trợ.
Bộ trưởng chia sẻ: "Hàng chục triệu người dân, người lao động đang bị ảnh hưởng sinh kế. Nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn ở Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước... bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19".
Trong điều kiện đó, sự huy động xã hội quan trọng nhưng chính sách của Nhà nước đóng vai trò nòng cốt, đặc biệt là ở TPHCM và các tỉnh phía nam.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 thời gian qua, Bộ trưởng đánh giá cao sự đồng bộ, nhiều nơi có kết quả tốt.
Tính tới ngày 26/8, cả nước có gần 11,33 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 45.000 người lao động.
Bên cạnh đó, trên 77.200 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ tiền mặt; hỗ trợ cho gần 37.000 hộ kinh doanh bị tạm dừng hoạt động được hỗ trợ; gần 1,2 triệu người lao động tự do trong cả nước đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí gần 2.180 tỷ đồng...
"Đặc biệt ở TPHCM có hàng chục triệu dân, đối tượng đa dạng và giãn cách nghiêm ngặt nhưng đảm bảo an sinh tốt, thực hiện 1,8 triệu túi an sinh xã hội cùng với sự hỗ trợ của các ban, ngành. Trên 500.000 lao động tự do ở TPHCM đã được hỗ trợ…" - Bộ trưởng cho biết.
Bên cạnh đó, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và nhiều địa phương khác cũng có nhiều cách làm sáng tạo vận động giảm tiền trọ, tiền nước và tiền ăn, hỗ trợ tiền ăn, bữa cơm và túi thuốc miễn phí…
Đồng thời, các đối tượng chính sách, người nghèo và cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người có công cũng được quan tâm, qua đó tạo ra sự đồng thuận của người dân, yên tâm ở nhà trong thời gian giãn cách.
Bộ trưởng nhận định: "Đó là cái được lớn nhất trong thực hiện chính sách. Qua đó, niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước và công cuộc chống dịch ngày càng lên cao…".
Nguyên nhân chậm tiến độ
Bên cạnh việc đánh giá những điểm sáng, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH không tránh né những điểm chưa đạt trong thực hiện chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 68 và Quyết định 23 tới thời điểm này.
Báo Dân trí tuyên truyền hiệu quả về Nghị quyết 68 và Quyết định 23
Về tuyên truyền, Bộ trưởng đánh giá cao sự vào cuộc của nhiều tờ báo, trong đó có Báo Dân trí với có nhiều nỗ lực trong thực hiện tuyên truyền quá trình triển khai chính sách. Để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới, Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương bên cạnh tăng cường tuyên truyền các mô hình, cá nhân thực hiện tốt chính sách ở kênh thông tin địa phương thì cần tăng cường trên các kênh thông tin trung ương.
Nguyên nhân khách quan là do dịch bệnh, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách, khó khăn nguồn lực và việc tổ chức thực hiện chính sách. Một số chính sách có thể áp dụng ngay nhưng một số khác phải kéo dài thời gian triển khai.
"Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính yếu. Tại sao nhiều chính sách rất rõ ràng, cụ thể và có tính thông thoáng hơn trước đây nhưng chưa đi vào được cuộc sống? Tại sao có tới hàng triệu người lao động mất việc nhưng số lượng được hỗ trợ còn thấp?" - Bộ trưởng nêu câu hỏi tại cuộc họp trực tuyến.
Số lượng người lao động mất việc làm, tạm thời chấm dứt hợp đồng, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, ngừng việc không hưởng lương còn chậm được hỗ trợ.
Chưa kể số lao động tự do được hỗ trợ lên tới hàng triệu người nhưng nhóm đối tượng lao động khác là thấp. Bộ trưởng băn khoăn: "Vậy, sự mất cân đối là do đâu?".
Thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân chủ quan, người đứng đầu ngành cho biết: "Tư tưởng trông chờ, ỷ lại, ngại việc và ngại khó, sợ trách nhiệm đang hiện hữu ở một số bộ phận. Trách nhiệm của một số đơn vị, kể cả một số đơn vị cấp Bộ chưa được phát huy...".
Do đó kết quả tới nay vẫn còn tình trạng: Trong nhóm 12 chính sách của Nghị quyết 68, vẫn còn một số chính sách như chi trả, hỗ trợ người lao động ngừng việc chưa được nhiều tỉnh, thành thực hiện.
"Và đây là điều rất phải suy nghĩ..." - Người đứng đầu Ngành LĐ-TB&XH chia sẻ.
Cần tập trung sớm vào những nhiệm vụ chính
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương cần quan tâm tới những vấn đề trọng điểm của công tác an sinh xã hội trong thời điểm này.
"Đó là tình hình việc làm, đời sống của người lao động đang rất khó khăn và cần sự chung tay. Càng nhanh càng tốt trong việc hỗ trợ, chậm ngày nào, chúng ta có lỗi với dân ngày đó" - Bộ trưởng lo lắng.
Bộ trưởng yêu cầu các Sở LĐ-TB&XH của 27 tỉnh, thành đã được Thủ tướng quyết định cấp gạo phải tham mưu cho UBND tỉnh, thành rà soát đúng đối tượng, tiêu chuẩn, quy định và gửi danh sách về Bộ trong thời gian sớm nhất. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ thẩm định ngay và gửi Bộ Tài Chính chi hỗ trợ trên tinh thần "không để ai thiếu đói".
Trong thực hiện Nghị quyết 68, các địa phương cần rà soát ngay kết quả của 12 chính sách hỗ trợ? chính sách nào đã được thực hiện rồi? chính sách nào chưa thực hiện và nguyên nhân? Chính sách nào đã thực hiện nhưng chưa đạt thì cần tập trung giải quyết?
Bộ trưởng cũng yêu cầu bộ phận thường trực theo dõi việc triển khai Nghị quyết 68 đánh giá các kết quả triển khai của từng địa phương và gửi tới lãnh đạo UBND tỉnh, thành. Qua đó nhằm tăng cường hơn nữa công tác triển khai tại cơ sở.
"Cần tăng cường thực hiện chính sách của Nghị quyết 68 và quan tâm hơn nữa tới người lao động. Đặc biệt cần lưu ý, an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong tháng 9, Bộ LĐ-TB&XH sẽ lập ít nhất 20 đoàn kiểm tra, giám sát và giúp tháo gỡ khó khăn của các địa phương trong thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23.