Bộ Lao động kịp thời tham mưu chính sách cho đối tượng khó khăn vì Covid-19

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội và cử tri Bạc Liêu đánh giá cao Bộ LĐ-TB&XH đã kịp thời tham mưu những chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Huy Thái, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, đã đồng tình với các nội dung trả lời trong phiên chất vấn trực tiếp của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Điều được ông quan tâm nhất là Bộ LĐ-TB&XH đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ, có những gói hỗ trợ kịp lúc cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.

Đó là gói hỗ trợ lần một (Nghị quyết 42) và gói hỗ trợ lần 2 (Nghị quyết 68), dành cho các nhóm đối tượng: Người lao động bị tạm dừng hợp đồng lao động; người lao động bị ngừng việc; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; người lao động mang thai, nuôi con nhỏ; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động; trẻ em bị nhiễm, cách ly; hộ kinh doanh; hỗ trợ tiền ăn cho F0…

"Dù có ai vô cảm đến đâu cũng khó cầm lòng khi nghe những câu chuyện về cảnh đời của những người thuộc các nhóm đối tượng nói trên trong mùa dịch", vị ĐBQH tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.

Bộ Lao động kịp thời tham mưu chính sách cho đối tượng khó khăn vì Covid-19 - 1

Ông Nguyễn Huy Thái, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, đánh giá rất cao phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cũng như những chính sách mà Bộ tham mưu hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng dịch Covid-19 (Ảnh: NVCC).

Vừa qua, trước "làn sóng" dịch chuyển của người lao động thuộc các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương từ các tỉnh, thành bị bùng phát Covid-19 trở về quê, ông Nguyễn Huy Thái cho biết cảm thấy rất xót xa.

Theo ông Thái, đây là biện pháp bất đắc dĩ cuối cùng khi bà con không còn việc làm, không có thu nhập; phải sống trong những căn phòng trọ vô cùng chật hẹp, phải đối mặt với vô vàn khó khăn về sức khỏe tinh thần, thiếu lương thực, không có thuốc điều trị khi đau bệnh…

"Vấn đề trên đã được đề cập trong phiên chất vấn, mặc dù không hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH nhưng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đã đưa ra những giải pháp căn cơ", ông Nguyễn Huy Thái nhận định.

Cũng theo vị ĐBQH tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Huy Thái, ông rất tâm đắc khi ngay trong nội dung kết luận, kết thúc buổi chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Quốc hội đã thông báo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể theo kiến nghị của các ĐBQH, quyết định giao cho Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TPHCM và các địa phương tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh do đại dịch Covid-19 bằng hình thức trực tuyến.

Bộ Lao động kịp thời tham mưu chính sách cho đối tượng khó khăn vì Covid-19 - 2

Anh Nguyễn Phong Phú (phải) trong một lần đi trao hỗ trợ theo các chính sách cho người khó khăn bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Anh Phú cho biết, những chính sách hỗ trợ mà Bộ LĐ-TB&XH tham mưu rất nhân văn (Ảnh NVCC).

Là thế hệ trẻ, cử tri Nguyễn Phong Phú (hiện là Bí thư huyện Đoàn huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) cũng đánh giá phần trả lời thẳng thắn, có trách nhiệm và tâm huyết của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Theo cử tri Phú, những chính sách như Nghị quyết 68 mà Bộ LĐ-TB&XH tham mưu và Chính phủ ban hành về hỗ trợ nhiều nhóm đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 được người dân địa phương ủng hộ vì mang tính nhân văn sâu sắc.

"Khi các chính sách được ban hành, địa phương đã triển khai ngay để hỗ trợ đến các đối tượng sớm nhất. Các đoàn viên, thanh niên, tuổi trẻ địa phương đã tham gia tuyên truyền, đưa các chính sách này đến người dân, thấy bà con đủ điều kiện thụ hưởng rất xúc động", anh Phú nói.

Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, đặc biệt là thu nhập của những đối tượng khó khăn như lao động tự do, lao động ngừng việc... Từ đó, các chính sách hỗ trợ của Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ đưa ra kịp thời giúp cho người dân bớt khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Cũng theo cử tri Nguyễn Phong Phú, từ những chính sách hỗ trợ, nhiều đối tượng đã "trụ vững" trong thời điểm dịch bệnh bùng phát. Để khi trở lại bình thường mới, họ tiếp tục lao động, sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.