Bình Dương chi sai tiền hỗ trợ: Không trục lợi chính sách, thất thoát tiền!

Xuân Hinh

(Dân trí) - Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao việc Bình Dương hỗ trợ tiền phòng trọ và an sinh cho người dân. Dù việc triển khai còn một số sai sót nhưng đã kịp thu hồi, không xảy ra tình trạng trục lợi...

Giám sát chặt, ngăn ngừa chi sai 

Ngày 27/10, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cùng đoàn công tác đã đến làm việc tại tỉnh Bình Dương để kiểm tra, đôn đốc công tác đảm bảo an sinh theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Nghị quyết 116/NQ-CP.

Bình Dương chi sai tiền hỗ trợ: Không trục lợi chính sách, thất thoát tiền! - 1

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết số lượng chi hỗ trợ ở Bình Dương quá nhiều nên không tránh khỏi sai sót.

Để hạn chế việc chi hỗ trợ sai, hỗ trợ nhầm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH tiếp tục rà soát và kiểm tra chặt chẽ việc hỗ trợ. Các địa phương phối hợp với VNPT Bình Dương ứng dụng công nghệ thông tin để đối chiếu rà soát để tránh trùng lặp hồ sơ. Khi phát hiện có trường hợp chi trùng hoặc không đúng đối tượng thì kiên quyết thu hồi nộp lại ngân sách.

Bình Dương chi sai tiền hỗ trợ: Không trục lợi chính sách, thất thoát tiền! - 2

Đại diện một doanh nghiệp FDI dự buổi làm việc cho biết: "Thời gian qua, doanh nghiệp được hưởng chính sách từ các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23, giúp người lao động ổn định trong thời gian giãn cách. Tuy vậy, doanh nghiệp không lựa chọn chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí vì sợ áp lực sau khi dừng đóng 6 tháng, lúc đóng lại số tiền sẽ rất lớn. Sắp tới, doanh nghiệp mong hỗ trợ các vấn đề về bố trí lao động, vay vốn... để hồi phục sản xuất tốt hơn".

Đánh giá chuẩn mức thiếu hụt nhân lực

Sau khi nghe chia sẻ từ các Sở, ngành và nhiều doanh nghiệp, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao những kết quả Bình Dương đã đạt được trong công tác đảm bảo an sinh thời gian qua. UBND tỉnh cũng rất quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc chi hỗ trợ cho người dân.

"Dù chịu thiệt hại nặng nề trong đợt dịch vừa qua nhưng Bình Dương vẫn triển khai nhanh, đồng bộ các gói hỗ trợ, đảm bảo an sinh kịp thời cho người dân. Việc đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người dân trong thời gian giãn cách", Thứ trưởng nhận định.

Thứ trưởng cũng đánh giá cao việc Bình Dương triển khai 2 gói hỗ trợ tiền phòng trọ và an sinh cho người dân. Dù việc triển khai có xảy ra một số sai sót nhưng cũng đã kịp thu hồi, không xảy ra tình trạng trục lợi chính sách gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Bình Dương chi sai tiền hỗ trợ: Không trục lợi chính sách, thất thoát tiền! - 3

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị Bình Dương cần hỗ trợ lương, thưởng, an sinh để thu hút lao động trở lại làm việc. 

Thứ trưởng đề nghị, Bình Dương cần tiếp tục triển khai hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, linh hoạt giải quyết các thủ tục, khi có vướng mắc cần họp bàn để có hướng xử lý kịp thời, không để người dân chờ đợi quá lâu.

"Về thị trường lao động, Bình Dương là vùng kinh tế trọng điểm nên cần phải đánh giá kỹ mức độ thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp, nhằm tìm hướng giải quyết. Các doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ lương, thưởng, chế độ an sinh để thu hút lao động trở lại làm việc. Cùng với đó, tỉnh cần liên hệ với các địa phương cung ứng lao động để có giải pháp đưa lao động trở lại nhanh, giúp doanh nghiệp hồi phục sản xuất", Thứ trưởng nêu giải pháp.

Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị Bình Dương cần tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ trong thực hiện rà soát đối tượng, bao gồm cả việc tăng tỷ lệ chi trả chính sách và hỗ trợ thông qua tài khoản…

Hỗ trợ tiền mặt để thu hút lao động 

Bình Dương chi sai tiền hỗ trợ: Không trục lợi chính sách, thất thoát tiền! - 4

Ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ tại TPHCM đề nghị, cần có chính sách hỗ trợ tiền mặt để thu hút lao động trở lại. 

Thông tin thêm về tình hình trên, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ tại TPHCM cho biết, Bình Dương có trên 80% lao động là người ngoại tỉnh, trong bối cảnh giãn cách xã hội, các doanh nghiệp phải ngưng hoạt động đã tạo áp lực lên công tác đảm bảo an sinh xã hội rất nặng nề cho địa phương.

Trong thời gian tới, để giữ chân người lao động, nhất là thu hút lực lượng lao động đã về quê quay trở lại thị trường lao động, tỉnh cần tập trung quan tâm hỗ trợ bằng chính sách tiền mặt, đảm bảo an sinh cho số lao động hiện đang lưu trú tại các khu nhà trọ; sớm có các chính sách an sinh mới tạo niềm tin, thu hút người lao động quay trở lại làm việc.

"Tỉnh phải tính toán cho các kịch bản thiếu nguồn nhân lực trong trường hợp tỷ lệ lớn người lao động không quay trở lại địa phương khi 100% các doanh nghiệp khôi phục các hoạt động sản xuất. Trong các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương hiện vẫn là địa phương phụ thuộc rất lớn từ nguồn lao động ngoại tỉnh", ông Thắng nhấn mạnh.

Báo cáo với đoàn công tác, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết, toàn tỉnh đã có hơn 14.000 đơn vị, hơn 1 triệu lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với số tiền 393 tỷ đồng. Tỉnh đã hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 49 doanh nghiệp, số lượng 17.000 lao động với số tiền 161 tỷ đồng; hỗ trợ 186.000 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với số tiền 689 tỷ đồng.

Địa phương cũng hỗ trợ 104 người chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền 418 triệu đồng.

Hỗ trợ 449.000 lao động tự do với số tiền 673 tỷ đồng; hỗ trợ 12.000 đơn vị sử dụng lao động giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ 247 người lao động tham gia bảo hiểm với số tiền 576 tỷ đồng.

Hỗ trợ tiền thuê nhà theo Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh với 1,4 triệu người với số tiền 420 tỷ đồng. Hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho 1,3 triệu lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ theo Quyết định 12 của UBND tỉnh với số tiền 687 tỷ đồng.