Bibo Mart và bài toán chăm lo đời sống nhân viên giữa đại dịch
(Dân trí) - An sinh xã hội là một trong những trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp đối với người lao động. Ở Bibo Mart, yếu tố này không chỉ được đảm bảo mà còn nâng lên thành văn hóa doanh nghiệp.
Bibo Mart đã bước sang năm thứ 15 kể từ ngày thành lập. Với ngần ấy năm hoạt động mạnh mẽ cùng vị thế vững chắc hiện có, việc mở rộng là vấn đề không quá khó khăn đối với doanh nghiệp, kể cả trong tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, đúng như nhận định: Đại dịch Covid-19 - phép thử "lòng nhân", ban lãnh đạo của Bibo Mart lại quyết định chuyển đổi mục tiêu từ phát triển sang ưu tiên bảo vệ tài sản quý nhất là con người.
Con người là yếu tố "cốt lõi"
Trong lá thư được bà Trịnh Lan Phương - CEO của Bibo Mart gửi đi hồi giữa tháng 8, đúng giai đoạn tình hình dịch bệnh ở TPHCM diễn biến cực kì phức tạp, bà nhấn mạnh rằng: "Con người là cốt lõi của tổ chức, lấy mục tiêu con người làm trọng, không dành ưu tiên cho các mục tiêu mở rộng hay phát triển. Tập trung chăm lo cho sức khỏe và đời sống của anh chị em phía Nam".
Đây không phải lần đầu tiên Ban lãnh đạo của Bibo Mart quyết liệt khẳng định: người lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Bởi kể từ sau đợt dịch đầu tiên bùng phát ở Việt Nam, Bibo Mart đã chuẩn bị sẵn các kịch bản và phương án đề phòng cho tình huống xấu nhất theo từng khu vực, trong đó, con người luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu, chỉ khi người lao động được ổn định về đời sống, được chăm sóc về sức khỏe mới tiếp tục thực hiện mục tiêu mở rộng và phát triển.
Không như nhiều doanh nghiệp cố gắng thực hiện "3 tại chỗ" để có doanh thu, Chủ tịch Bibo Mart trao quyền cho Giám đốc vùng chủ động ứng biến, tự quyết định đóng mở cửa hàng theo tình hình dịch bệnh thực tế. Ở những điểm bán còn lại thuộc vùng xanh, hoạt động kinh doanh vẫn được duy trì nhưng trên tinh thần tự nguyện và xung phong của nhân sự. Trải qua khó khăn, bà Trịnh Lan Phương càng hiểu rằng, sự đồng cảm và chia sẻ sâu sắc của doanh nghiệp với người lao động sẽ quyết định đến sự gắn bó và đồng hành của họ ở những giai đoạn sau.
Không ai bị bỏ lại giữa đại dịch
Tính riêng trong tháng 8, Hà Nội có trên 1.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, gây ra hệ lụy là hàng nghìn người lao động đứng trước nguy cơ mất việc, mất thu nhập. Tình trạng này còn diễn tiến phức tạp hơn ở TP. Hồ Chí Minh khi hàng triệu người lao động nghèo đã phải rời thành phố về quê vì không thể cầm cự. Số khác dù vẫn còn công việc nhưng lại chịu cảnh nợ lương hoặc chịu cắt giảm 50% lương do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Lao động chân tay vốn đã khó khăn, trong đại dịch còn gặp thách thức hơn gấp bội.
Cũng nằm trong vòng xoay của đại dịch, thế nhưng nhân viên của Bibo Mart không một ai bị bỏ lại phía sau. Kể từ đợt bùng dịch lần thứ 4 đến nay, Bibo Mart là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi vẫn đảm bảo công ăn việc làm cho hơn 1.500 nhân viên.
"Tôi không có mong muốn gì hơn trong thời điểm dịch bệnh thế này là toàn thể nhân viên Bibo Mart được an toàn, không ai mất việc. Đại dịch chính là thử thách trên bước đường phát triển một doanh nghiệp vì con người hướng tới cộng đồng" - bà Trịnh Lan Phương chia sẻ.
Chính bởi không để lao động mất việc trong dịch nên ngay khi khu vực miền Nam ghi nhận 24 F0, hơn 100 người là F1 hoặc F2, Chủ tịch công ty đã chỉ đạo thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, lắng nghe và sẵn sàng hỗ trợ cho bất kì nhân viên có yêu cầu. Không chỉ gửi giỏ quà đến tận khu cách ly, hỗ trợ toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, từ Chủ tịch đến giám đốc khối, khu vực đều hằng ngày gọi điện hỏi thăm, cập nhật thông tin của nhân viên nhiễm Covid-19 đến khi được xuất viện. Đặc biệt, tất cả nhân sự nhiễm bệnh hoặc trong diện F1, F2 không thể đi làm đều được Bibo Mart đảm bảo 50% lương.
Từ văn phòng Chủ tịch tại Hà Nội của bà Trịnh Lan Phương, không ít những lời động viên, thăm hỏi, những lá thư đã được gửi đi nhằm khích lệ tinh thần và tạo chỗ dựa vững chắc cho nhân viên yên tâm chữa bệnh. Bên cạnh việc hỗ trợ cho người lao động, Bibo Mart còn lập Quỹ Tương thân tương ái đồng hành cùng gia đình nhân viên có hoàn cảnh khó khăn. Với bà Trịnh Lan Phương, nhân viên của Bibo Mart vừa phải được đảm bảo an toàn về sức khỏe, vừa phải có công ăn việc làm trong và sau dịch, tuyệt đối không một ai bị bỏ rơi.
Xây dựng thiết chế văn hóa riêng
Chính sách ASXH được Nhà nước xác định là một trong những động lực để phát triển kinh tế bền vững, thể hiện tính ưu việt của chế độ. Và ở Bibo Mart, chính sách an sinh xã hội đã không còn là nghĩa vụ, trách nhiệm bắt buộc mà công ty phải thực hiện, nó được nâng lên thành văn hóa doanh nghiệp.
Giữa đại dịch, Ban lãnh đạo công ty vừa sâu sát tình hình sức khỏe, công việc của nhân viên, vừa nỗ lực triển khai các chương trình văn hóa nhằm động viên tinh thần người lao động. Cùng với các phong trào thi đua, các hoạt động văn hóa cũng được tổ chức thường xuyên và liên tục. Điều này không chỉ khiến lãnh đạo, nhân viên công ty trở nên gần gũi, gắn bó mà còn thể hiện sự nhân văn trong lối quản trị của Chủ tịch Bibo Mart.
Bằng việc thay đổi chiến lược sang hướng nhân văn, lấy con người làm trọng tâm, cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp tới phúc lợi của nhân viên, Bibo Mart đảm bảo được mục tiêu giữ chân người lao động, ổn định hoạt động kinh doanh trong giai đoạn cả nước khủng hoảng, qua đó chuẩn bị được tiềm lực quan trọng nhất để bứt phá sau dịch.