Bé trai lọt ống bê tông 35m và những vụ trẻ chết thảm tại công trường

Hoài Nam

(Dân trí) - Trước sự việc bé trai 10 tuổi ở Đồng Tháp rơi xuống trụ bê tông sâu 35m, không ít những vụ trẻ em gặp tai nạn thương tâm xảy ra tại các công trường xây dựng.

Trưa ngày cuối cùng của năm 2022, bé trai 10 tuổi Lý Thái Hạo Nam bị rơi vào ống trụ bê tông đường kính chỉ bằng một gang tay người lớn, cắm sâu 35m ở công trình cầu nằm trên tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.  

Bé trai lọt ống bê tông 35m và những vụ trẻ chết thảm tại công trường - 1

Khu vực bé Hạo Nam lọt vào ống bê tông sâu 35m (Ảnh: Hải Hành).

Đã bước sang ngày thứ 4, quá trình cứu bé trai 10 tuổi Lý Thái Hạo Nam diễn ra liên tục, suốt ngày đêm với hàng trăm người tham gia cứu nạn cứu hộ và đủ loại công cụ, máy móc được điều đến, oxy được bơm liên tục vào miệng trụ bê tông.... Việc cứu cháu bé thời khắc này phải nói chỉ còn biết chờ vào một phép màu.

Camera ghi lại hình ảnh bé Hạo Nam lọt xuống trụ bê tông làm nhiều người xem ngạt thở lẫn tức giận. Nhiều vấn đề đã được mổ xẻ. Ở một công trình xây dựng luôn rình rập những hiểm nguy nhưng trẻ nhỏ có thể vào đó dễ dàng. Khó chấp nhận hơn khi trước đây đã từng xảy ra không phải một lần, hai lần mà rất nhiều vụ việc trẻ nhỏ gặp tai nạn thương tâm tại các công trình xây dựng từng xảy ra.

10 ngày trước, khi bé Hạo Nam lọt trụ bê tông, tại Đồng Nai cũng xảy ra sự việc bé gái 5 tuổi rơi xuống hố ép cọc bê tông sâu khoảng 15m tại khu vực công trường đang thi công.

Trong vụ tai nạn đó, do miệng hố rất nhỏ, không thể trực tiếp tiếp cận nạn nhân, lực lượng chức năng phải vừa trấn an tinh thần bé gái vừa đưa dây và thiết bị chuyên dụng xuống để bé bám vào, kéo lên. Khoảng 10 tiếng sau, bé gái mới được đưa ra khỏi hố trong sự hoảng loạn. 

Nhưng không nhiều trẻ may mắn thoát chết khi gặp tai nạn ở công trình xây dựng như bé gái này. Thực tế, đã có rất nhiều đứa trẻ chết đuối ở những hố nước tại các công trình xây dựng. 

Cách đây không lâu, sự việc xảy ra tại Hải Dương, cháu T.N tử vong khi rơi xuống hố sâu chứa nước tại một khu vực đang thi công. Chỗ này gần sát với khu vực đang thi công hạ tầng khu dân cư Trái Bầu.

Thấy không có rào chắn, cháu N. cùng bạn tò mò, hiếu kỳ rủ nhau vào công trường, chẳng may cháu N. bị rơi xuống hố sâu chứa nước, tử vong. Theo gia đình, công trình này không có rào chắn.

Cũng tại Hải Dương, em L., 16 tuổi, tử vong thương tâm khi đi xe máy rơi xuống hố. Được biết khu vực này do chưa giải phóng mặt bằng xong, chủ đầu tư làm đường dang dở, không có rào chắn, cảnh báo khu vực nguy hiểm. 

Tại huyện Tây Sơn, Bình Định từng xảy ra sự việc hai cháu bé mới 4 và 5 tuổi tử vong khi rơi xuống hố nước sâu 1,1m của một công ty xây dựng đào để đặt cống nước thoát của công trình. Theo cơ quan chức năng, địa phương nơi các cháu gặp nạn, đơn vị thi công không để biển báo hoặc giăng dây cảnh báo nguy hiểm. Chỉ sau khi hai đứa trẻ mất mạng thì mới xuất hiện biển cảnh báo nguy hiểm. 

Bé trai lọt ống bê tông 35m và những vụ trẻ chết thảm tại công trường - 2

Hiện trường hai bé nhỏ tử vong ở Bình Định (Ảnh: D.C).

Tại Đồng Nai, một bé trai 7 tuổi trượt chân, rớt xuống cống nước sâu tầm 4m tử vong. Cống này đang trong quá trình thi công, không có nắp đậy. 

Rất, rất nhiều đứa trẻ từng mất mạng vì nguy cơ thiếu an toàn tại các công trình và sự cẩu thả, vô trách nhiệm của người lớn. Hai chữ "an toàn" được in trên các băng rôn đỏ treo trước các công trình nhưng nhiều quy chuẩn an toàn xây dựng bị phớt lờ. "Mất bò mới lo làm chuồng", khi tai nạn xảy ra mới cuống cuồng giăng dây, đậy nắp cống... 

Chưa kể, nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra sau khi các công trình đã hoàn thành, như trẻ rơi tử vong khi lan can bảo vệ không đúng chuẩn, học sinh bị cổng trường đổ đè chết... 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 900.000 trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi tử vong do thương tích, trong đó 90% là thương tích không chủ ý. 95% tử vong do thương tích trẻ em xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Ngoài những ca tử vong, hàng chục triệu trẻ em đòi hỏi phải được chăm sóc tại các cơ sở y tế và nhiều trẻ bị tàn tật suốt đời.

Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Trong đó, nhóm 15-19 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 43%), tiếp đến nhóm tuổi 5-14 (chiếm 36,9%), thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 (chiếm 19,5%).

Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp một năm, chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trên toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Trung bình, cứ 100.000 trẻ có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích hay tương đương, 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày.

Bé trai lọt ống bê tông 35m và những vụ trẻ chết thảm tại công trường - 3

Bơi lội là một kỹ năng sinh tồn (Ảnh: H.N).

Nhiều năm qua, tình hình trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích tại Việt Nam đang thể hiện xu hướng giảm nhưng vẫn cao gấp 3 lần so với các nước thu nhập cao. 

Nhiều vụ việc tai nạn trẻ em xuất phát từ sự cẩu thả, vô trách nhiệm của người lớn. Điều này đòi hỏi bố mẹ, người trông giữ trẻ, tất cả mọi người trong mỗi việc đều phải đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu. Bởi một sự cẩu thả có thể để lại hậu quả đau lòng. 

Các chuyên gia an toàn cũng lưu ý, để bảo đảm an toàn cho trẻ, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giúp trẻ phân biệt, nhận biết những nơi có thể gây nguy hiểm. 

Theo quyết định ban hành chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, học sinh giai đoạn 2021-2025, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh việc tăng cường giáo dục, trang bị cho trẻ em, học sinh kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích thông qua các hoạt động giáo dục về kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa.

Khoản 3, Điều 3, Thông tư 22/2010/TT-BXD quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình quy định: 

"Trên công trường phải có biển báo theo quy định tại Điều 74 Luật Xây dựng. Tại cổng chính ra vào phải có sơ đồ tổng mặt bằng công trường, treo nội quy làm việc. Các biện pháp đảm bảo an toàn, nội quy về an toàn phải được phổ biến và công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành; những vị trí nguy hiểm trên công trường như đường hào, hố móng, hố ga phải có rào chắn, biển cảnh báo và hướng dẫn đề phòng tai nạn; ban đêm phải có đèn tín hiệu".