Bé gái rơi nước mắt ngày họp phụ huynh vì cha mẹ ly hôn không ai đến dự
Các bạn đều có bố mẹ đến tham dự và chơi với nhau rất vui còn bé gái chỉ có một mình. Đứng ở cuối lớp, cô bé liên tục nhìn ra phía cửa mong chờ người thân đến nhưng sự thực quá phũ phàng.
Họp phụ huynh là dịp quan trọng để bố mẹ nắm bắt được tình hình học tập của con. Thế nhưng, không phải học sinh nào cũng có gia đình tới họp. Đặc biệt, khi bố mẹ đã ly hôn, có gia đình mới, không ít em nhỏ tủi thân, buồn bã vì không được quan tâm.
Mạng xã hội xứ Trung mới đây lan truyền hình ảnh bé gái ngồi một mình trong buổi họp phụ huynh. Được biết, khoảnh khắc này được ghi lại tại buổi họp phụ huynh hôm 19/3 tại một trường tiểu học ở Phúc Kiến (Trung Quốc).
Theo đăng tải của trang Sina, khi đang ngồi trong lớp học, cô bé liên tục nhìn ra cửa mong chờ điều gì đó. Trong khi các bạn khác có bố mẹ đến tham dự và chơi với nhau rất vui, em là người duy nhất không có phụ huynh đến. Cô bé liên tục nhìn chằm chằm vào cửa lớp khiến ai nấy đều xót xa.
Cô bé càng tủi thân hơn khi tới trò chơi tương tác giữa bố mẹ và các con. Trong khi những gia đình khác chơi rất vui vẻ, em lại một mình bơ vơ đứng cuối lớp. Thỉnh thoảng, cô bé lại quay đầu về phía cửa lớp, ánh mắt dường như hi vọng một phép màu có thể xảy ra. Chứng kiến học sinh như vậy, cô giáo rất đau lòng.
Giáo viên chủ nhiệm cho biết: "Bố mẹ em đã ly hôn, 2 người đều có gia đình mới. Trong buổi họp phụ huynh ngày 19/3, cả bố và mẹ đều không ai đến. Khi biết được hoàn cảnh của em, tôi rất xúc động".
Dù đã mong đợi nhưng cuối cùng em thất vọng tràn trề, nước dâng lên trong đôi mắt nhưng em cố kìm nén để nước mắt không rơi xuống.
Tình huống xảy ra trong buổi họp phụ huynh này đã khiến nhiều người xúc động. Sống trong sự thiếu vắng tình thương nhưng cô bé vẫn rất mạnh mẽ, hiểu chuyện. Mặt khác, bên cạnh những lời động viên dành cho bé gái, nhiều người còn bày tỏ bức xúc vì dẫu cha mẹ đã "đường ai nấy đi", họ vẫn phải làm tròn trách nhiệm với đứa con chung của hai người.
- Thương quá là thương, bố mẹ bỏ nhau tổn thương nhất vẫn là các bé. Vậy mà hai vợ chồng họ đến một buổi họp phụ huynh vẫn không thể dành thời gian cho con.
- Cả hai đều có hạnh phúc mới, nhưng đứa trẻ thì mãi mãi không bao giờ lấy lại được một gia đình trọn vẹn. Mong con sẽ mạnh khỏe và lớn lên bình an!
- Không biết bố mẹ bé gái xem được hình ảnh con sẽ nghĩ gì nhỉ? Liệu họ có hối hận vì không tham dự ngày họp phụ huynh rồi để đứa trẻ ngồi một mình thế này không?
- Không đứa trẻ nào muốn chứng kiến ba mẹ ly hôn. Tôi chỉ muốn gửi lời chúc bình an đến cô bé. Sai lầm của ba mẹ là nỗi khổ của con. Lớn lên bình an và có gia đình mới hạnh phúc, con nhé!
- "Nếu được ước, tôi chỉ mong sẽ không bao giờ thấy cảnh đau lòng như thế này một lần nữa. Sau câu chuyện trên, tôi mong bố mẹ bé gái sẽ rút kinh nghiệm và đồng hành cùng con".
- "Đã sinh con ra, dẫu cuộc hôn nhân có hạnh phúc hay bố mẹ đã ly hôn, người lớn cũng phải có trách nhiệm với con. Suy cho cùng, các con chỉ là nạn nhân bất đắc dĩ trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Các em đã đủ tổn thương và thiệt thòi hơn so với các bạn đồng trang lứa, nên bố mẹ cần có trách nhiệm hơn"...
Cha mẹ ly hôn và sự tổn thương của những đứa trẻ
Ly hôn là dấu chấm hết cho một cuộc hôn nhân nhưng đó không chỉ là sự kết thúc giữa hai vợ chồng mà đôi khi nó còn gây ra những nỗi đau cho con cái.
Có thể xã hội đang phát triển từng ngày, quan điểm của chúng ta cũng thay đổi, chúng ta nghĩ thoáng hơn về việc đổ vỡ trong hôn nhân rằng nó là việc tốt, giúp cho hai người có thể bước tiếp những con đường mới, nghe thì có vẻ hợp lí nhưng trẻ con thì sẽ không hiểu được như thế. Và sẽ rất thiệt thòi cho những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn.
Có thể bố mẹ sau khi ly hôn cũng có những giải pháp tốt nhất để con không bị thiếu thốn tình cảm. Có thể là phân chia thời gian chăm sóc, hoặc thỉnh thoảng cùng đi ăn tối, đó cũng là những phương án tối ưu và được khá nhiều gia đình sử dụng. Tuy nhiên lũ trẻ cần nhiều hơn thế, dù có là cách tốt nhất thì nó cũng không còn được trọn vẹn.
Thậm chí có những đứa trẻ đã bị tổn thương tâm lí một cách nặng nề. Chúng dần trở nên xa cách bố mẹ và trở nên khép kín hơn, tuy không nói ra nhưng im lặng mới là sự tổn thương sâu sắc hơn cả. Nếu như tiếp tục tình trạng đó, rất có thể đứa trẻ sẽ mắc bệnh trầm cảm, một căn bệnh nguy hiểm ở trẻ.
Vậy là chỉ vì những quyết định của người lớn mà những đứa trẻ phải gánh chịu những nỗi đau về tinh thần rất lớn.
Thật ra nếu như hai người đã không hạnh phúc trong hôn nhân thì ly hôn là cách giải quyết duy nhất. Và hơn nữa, nếu như tiếp tục duy trì một cuộc hôn nhân không hạnh phúc thì lại khiến những đứa trẻ tổn thương hơn nữa.
Nếu như bố mẹ ly hôn, con cái bị thiếu đi sự chăm sóc của cả hai thì ở cùng với bố mẹ bất đồng quan điểm còn tệ hơn nhiều, chúng sẽ phải chứng kiến những cuộc cãi vã, chứng kiến bố mẹ căng thẳng với nhau,…
Những bậc làm cha làm mẹ cần trò chuyện nhiều hơn với con cái, cần cho chúng biết rằng ly hôn là một việc không có gì quá to tát và bố mẹ dù không ở với nhau nhưng tình yêu thương dành cho chúng sẽ không bao giờ thay đổi, hãy giúp chúng có suy nghĩ tích cực hơn về ly hôn và cố gắng dành nhiều thời gian cho chúng hơn một chút.
Ly hôn không phải là một việc xấu, đó là điều không tránh khỏi của những gia đình không hạnh phúc. Nhưng ngay cả khi không còn là vợ chồng thì hai người có thể là bố hoặc mẹ của con mình, mà con thì lại chẳng thể bỏ được. Hãy là những ông bố bà mẹ đúng nghĩa và có trách nhiệm với con mình.