1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bé gái đầy đinh trong đầu: Con trẻ "sống dở", "chết ngạt" khi bố mẹ ly hôn!

Hoài Nam

(Dân trí) - "Sống dở", "chết ngạt" không chỉ là nghĩa bóng mà còn cả nghĩa đen trần trụi. Nhiều trẻ sống trong đọa đày thậm chí là mất mạng sau khi hôn nhân của bố mẹ tan vỡ.

Sự việc bé N.T.V.A, 8 tuổi, ở TPHCM chết tức tưởi đau đớn dưới tay người tình của bố chưa nguôi ngoai thì dư luận thêm một lần nữa muốn gục ngã trước thông tin bé Đ.N.A, 3 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng nguy kịch với 9 vật thể nghi là đinh ở trong đầu, cùng các dấu hiệu nghi bị bạo hành.

Thông tin ban đầu, lần nhập viện này, vết thương trên đầu cháu bé đã liền da. Chỉ khi chụp X-quang, các bác sĩ mới phát hiện, xác định có dị vật cản quang nghi là 9 đinh gỗ nằm trong sọ và vùng não bé gái.

Bé gái đầy đinh trong đầu: Con trẻ sống dở, chết ngạt khi bố mẹ ly hôn! - 1

Hình ảnh chụp X-quang hộp sọ bé 3 tuổi ở Hà Nội cho thấy có nhiều vật thể nghi là đinh trong đầu (Ảnh: BVCC).

Theo người thân bên nội của cháu bé, bố mẹ cháu ly hôn nửa năm trước, kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài 10 năm với ba mặt con. 

Sau khi ly hôn, hai cháu lớn về sống với ông bà nội, còn cháu A. theo mẹ. Anh em họ hàng đã tác động, mong mẹ cháu quay lại nhưng không thành. Theo gia đình, mẹ cháu đã đến sống cùng người đàn ông khác. 

Từ khi sống với mẹ, bé A. liên tục gặp chuyện, đã nhiều lần phải nhập viện trong vài tháng qua, khi thì bị ngộ độc thuốc trừ sâu thập tử nhất sinh, khi thì nuốt phải dị vật, mới nhất là bị đau tai. 

Con trẻ thành "cục nợ" với cha mẹ sau ly hôn

Sự việc đang được cơ quan công an điều tra khi các y bác sĩ thông báo về những dấu hiệu nghi là bạo hành nhưng điều gây đau đớn trước hết chính là hoàn cảnh của cháu bé và cả anh chị của cháu. Sau khi bố mẹ ly hôn, 3 anh chị em phải chia cắt, thay đổi môi trường sống, phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. 

Ly hôn là quyết định, là chuyện của người lớn nhưng trong nhiều hoàn cảnh đó là khởi nguồn cho tấn bi kịch với con trẻ. Bản thân việc bố mẹ ly hôn đã là một điều khủng khiếp với nhiều trẻ, ngoài ra, cuộc sống sau đó của các em lại dễ trở nên bấp bênh, sóng gió. 

Cảnh tan đàn xẻ nghé, trẻ bị tách ra khỏi bố/mẹ hoặc anh chị em, xáo trộn cuộc sống, được cảnh báo là tiềm ẩn nhiều bất an, nguy hiểm. 

Có đứa trẻ sau khi bố mẹ ly hôn lập tức chính người sinh thành, nuôi dưỡng "đầu độc" bằng việc mạt sát, chửi bới, đổ lỗi, nói xấu... người kia.  

Bé gái đầy đinh trong đầu: Con trẻ sống dở, chết ngạt khi bố mẹ ly hôn! - 2

Bé Đ.N.A (Ảnh gia đình cung cấp).

Rất nhiều đứa trẻ sau khi bố mẹ ly hôn, dễ dàng bị vứt lại cho ông bà, họ hàng nội ngoại nuôi dưỡng. Có đứa trẻ bị bố mẹ biến thành "món nợ" của người khác, chơ vơ và lạc lõng... 

Khi bị xem như là "cục nợ", không ít ông bố bà mẹ, hận đời, hận tình sau cuộc hôn nhân không trọn vẹn đổ hết lỗi và trút mọi uất ức lên đầu con trẻ, lý do nào là "vì mà tao phải chịu đựng", "vì mày là con gái nên ông ấy kiếm con nơi khác"... 

Chưa hết, thêm một lần nữa, với nhiều ông bố bà mẹ, những đứa con trở thành đồ thừa, vật cản trước hạnh phúc mới của mình. Có những người uất ức vì vướng víu đứa con mà bản thân họ khó tìm đối phương, khó đi bước nữa. 

Hay nhiều người khi bước vào cuộc tình mới đã bỏ rơi con đẻ, nhắm mắt làm ngơ trước những đau đớn, nguy hiểm mà trẻ phải chịu đựng trong gia đình mới. Chính bố mẹ đẻ, trong nhiều trường hợp, góp phần đẩy con vào tận cùng đau đớn, thậm chí là mất mạng.  

Bé gái đầy đinh trong đầu: Con trẻ sống dở, chết ngạt khi bố mẹ ly hôn! - 3

Bé N.T.V.A ở TPHCM chết tức tưởi vì bị người tình của bố bạo hành sau khi bố mẹ ly hôn (Ảnh: Ip Thiên).

Đong đếm sao những nỗi đau sau cánh cửa mỗi ngôi nhà!

Có lẽ không ai có thể quên cách đây không cặp tình nhân "ác quái" Nguyễn Minh Tuấn (bố dượng) và Nguyễn Thị Lan Anh (mẹ đẻ) cùng nhau đánh đập, bạo hành dã man bé gái 3 tuổi ở Hà Nội đến tử vong. Sau đó, gã đàn ông đã lãnh án tử hình còn người mẹ cũng bị tuyên phạt tù chung thân cho tội ác đã gây ra. 

Rồi sự việc ám ảnh mới đây là bé V.A (8 tuổi) ở TPHCM bị người tình của bố, bà Nguyễn Võ Quỳnh Trang bạo hành, chết một cách đau đớn sau thời gian ở với bố, bị ngăn cản, cách chia với mẹ.

Các vụ án trẻ nhỏ mất mạng bởi... tình nhân mới của bố mẹ xảy ra không ít sau khi gia đình tan vỡ. Nhưng số vụ án đó cũng mới chỉ là phần nổi mà dư luận biết đến. Phía sau những bức tường, cánh cửa mỗi ngôi nhà, có lẽ khó có thể đong đếm được những đau đớn, những tổn thương, vụ việc bị xâm hại, bạo hành mà con trẻ đang phải chịu đựng khi không được bảo vệ phía sau sự đỗ vỡ.

Nhiều năm gần đây, tình trạng ly hôn tại Việt Nam đã nhiều lần được cảnh báo ở mức nhức nhối. Theo thống kê của một cuộc khảo sát gần đây, mỗi năm, cả nước có đến 60.000 vụ ly hôn. 

Theo báo cáo tình trạng ly hôn tại Việt Nam của nhóm tác giả Trần Anh Quân, Nguyễn Như Quỳnh, Nguyễn Thị Ngọc Huyền (ĐH Quốc gia Hà Nội), việc bố mẹ ly hôn tác động rất lớn đến trẻ. Trẻ có thể chịu ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển nhân cách, tương lai lâu dài. 

Bé gái đầy đinh trong đầu: Con trẻ sống dở, chết ngạt khi bố mẹ ly hôn! - 4

Bà Nguyễn Võ Quỳnh Trang và ông Nguyễn Trung Kim Thái bị khởi tố vì các tội "giết người", "hành hạ người khác" và "che giấu tội phạm" sau cái chết của bé N.T.V.A (Ảnh chụp lại màn hình).

Khía cạnh khác, nhóm tác giả lưu ý, sau ly hôn cha hoặc mẹ tái hôn, cảnh sống chung với cha dượng hoặc mẹ kế, tình trạng "con anh, con tôi", dẫn đến các bậc cha mẹ có thể thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục con cái (bỏ mặc, ngược đãi) không chỉ tác động lên nhận thức còn non nớt của trẻ mà con gây ra những bất hòa và tổn thương tâm lý khó hàn gắn. Chưa kể việc trẻ sống chung với bố dượng, mẹ kế cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ không an toàn. 

Khi không còn tình yêu, không còn hạnh phúc, không còn hòa hợp để duy trì cuộc sống gia đình, việc ly hôn là cần thiết. Vậy nhưng, các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, trước khi ly hôn hay đi bước nữa, những người lớn đã làm người làm bố, làm mẹ cần chậm lại một nhịp.

Chậm lại để biết bên cạnh hạnh phúc của mình còn có con nhỏ chưa có khả năng tự vệ, để đừng quên ưu tiên lo cho sự an toàn về mặt thể chất và tinh thần cho trẻ trong mọi hoàn cảnh.