Bác sĩ Hà Nội gây chú ý với dòng chữ lạ trên ô tô cá nhân

Gia Đoàn

(Dân trí) - Bác sĩ Mạnh không ngờ dòng chữ "Tôi là bác sĩ, nếu bạn cần giúp đỡ xin hãy dừng xe tôi lại" gây chú ý nhiều như vậy. Nổi danh trên mạng, anh cũng từng chạnh lòng vì nhiều lời nói tiêu cực, khó nghe.

Dòng chữ lạ "hãy dừng xe tôi"

Gần đây, hình ảnh chiếc xe ô tô với dòng chữ dán ở cốp sau "Tôi là bác sĩ, nếu bạn cần giúp đỡ xin hãy dừng xe tôi lại" thu hút sự chú ý, lan truyền mạnh trên mạng xã hội. Một số hình ảnh chụp chiếc xe đặc biệt được ghi lại trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội. Chủ nhân của chiếc xe cũng như câu chuyện phía sau khiến nhiều người tò mò.

Đây là xe cá nhân của anh Phạm Tiến Mạnh, 37 tuổi, hiện là bác sĩ chuyên ngành tạo hình thẩm mĩ.

Bác sĩ Hà Nội gây chú ý với dòng chữ lạ trên ô tô cá nhân - 1
Chiếc xe dán dòng chữ lạ thu hút sự chú ý của dư luận (Ảnh: NVCC).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Mạnh cho biết, không ngờ một hành động nhỏ của mình với mục đích thông tin sẵn sàng góp sức cho cộng đồng lại được nhiều người biết tới như vậy.

"Vợ chồng tôi quê ở hai nơi, Hải Phòng và Vĩnh Phúc nên gia đình thường di chuyển, đi lại xa. Thêm nữa, do tính chất công việc, tôi hay phải đi công tác tới các cơ sở, chi nhánh tại địa phương. Đi trên đường nhiều, tôi tâm niệm, lỡ gặp tai nạn, sự cố trên đường mà có người cần hỗ trợ, tôi sẵn lòng dừng xe xuống giúp", vị bác sĩ 37 tuổi cho biết.

Ít người biết rằng, "dòng chữ lạ" trên xe lại xuất phát từ chính một sự cố không may của gia đình bác sĩ.

Vợ anh Mạnh là giáo viên, từng bị va chạm và ngã xuống đường khi đưa đón con tới trường. Rất may chị gặp được người có kỹ năng, đã hỗ trợ, sơ cứu kịp thời.

Nhưng đó chưa phải là động lực duy nhất khiến nam bác sĩ quyết định làm việc này.

Anh Mạnh kể cách đây không lâu, một người anh họ ở quê của anh đi ăn liên hoan buổi tối. Lúc ra về, anh bị va chạm và ngã xuống đường nhưng không ai phát hiện ra. Tới gần sáng, người dân gần đó mới nhìn thấy, vội gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân vào viện.

Bác sĩ Hà Nội gây chú ý với dòng chữ lạ trên ô tô cá nhân - 2
Anh Mạnh không ngờ hành động nhỏ của mình lại gây sự chú ý với cộng đồng (Ảnh: NVCC).

Lúc về thăm, chứng kiến cảnh anh họ gặp di chứng do cấp cứu muộn, anh Mạnh suy nghĩ rất nhiều. Giá nạn nhân may mắn gặp được người có kiến thức, kỹ năng hỗ trợ như vợ anh, mọi việc đã khác.

Từ đó, anh bàn với vợ dán dòng chữ thông báo lên xe. Anh thấy mình thường xuyên di chuyển ngoài đường, khả năng gặp tai nạn, có người cần hỗ trợ không thấp. Trường hợp đó, ai đọc được dòng chữ cũng có thể bóp còi để có bác sĩ hỗ trợ cấp cứu.

Trên xe, anh để sẵn những đồ nghề sơ cứu cần thiết như bông băng gạc, cồn sát trùng vết thương, thuốc giảm đau, thuốc chống sưng, giảm phù nề, que nẹp để cố định vết thương...

"Chỉ mong không ai cần bóp còi dừng xe tôi lại"

Kể từ thời điểm dán dòng chữ lên xe, câu chuyện của bác sĩ Mạnh được nhiều người biết đến. Bên cạnh những lời động viên, khích lệ cảm ơn thịnh tình của một bác sĩ, anh cũng nhận không ít những bình luận tiêu cực, khó nghe, cũng thấy chạnh lòng.

"Nhiều người nói rằng tôi là bác sĩ thẩm mỹ thì biết gì về cấp cứu? Nhưng ai làm trong ngành y đều hiểu, đã là bác sĩ đa khoa, học suốt 6 năm đều phải có kiến thức cấp cứu, chẩn đoán ban đầu. Trong quá trình hành nghề, tôi tiếp tục học thêm chuyên khoa sâu, học xử lý các tình huống cấp cứu. Bởi vậy, không chỉ bác sĩ cấp cứu mới xử lý tình huống ban đầu được.

Thêm nữa, bác sĩ cấp cứu trong các viện công có nhiều kinh nghiệm nhưng không có thời gian chạy xe trên đường để thường xuyên hỗ trợ người bị nạn. Trong khi công việc của tôi thường xuyên phải đi tỉnh, nếu gặp trường hợp gặp nạn, chắc chắn tôi sẽ hỗ trợ ban đầu giúp bệnh nhân".

Bác sĩ Hà Nội gây chú ý với dòng chữ lạ trên ô tô cá nhân - 3
Bác sĩ Mạnh có thói quen luôn mang sẵn hộp cấp cứu trên xe (Ảnh: NVCC).

Thực tế, bác sĩ Mạnh từng chứng kiến những trường hợp đau lòng. Đó là những ca tai nạn ngoài đường, nhiều người theo bản năng thấy người gặp nạn lại bế thốc lên xe đưa vào bệnh viện, nhưng hành động đó vô tình có thể khiến bệnh nhân gặp nguy hiểm hơn.

Đơn cử, bệnh nhân bị gãy xương đùi, nếu không nẹp cố định mà bế luôn lên xe, xương đùi có thể chọc thủng cơ gây chảy máu, nguy hiểm tới tính mạng.

Bởi vậy, mỗi ca tai nạn, đầu tiên nạn nhân cần được chẩn đoán sơ bộ xem có bị gãy xương không, bị liệt hay gặp chấn thương sọ não hay không để có biện pháp sơ cứu phù hợp rồi mới gọi xe cấp cứu. Do vậy rất cần những người có kiến thức chuyên môn trong các trường hợp này.

Từng phiền lòng vì những lời tiêu cực nhưng không vì thế bác sĩ Mạnh dừng lại. Dòng chữ lạ vẫn hiện diện sau xe để anh tiếp tục hướng tới những điều tốt đẹp, đóng góp cho cộng đồng.

"Tôi chỉ mong mỗi hành trình trên đường đều trơn tru, không có ai bóp còi dừng xe tôi lại. Bởi đã phải viện đến sự giúp đỡ của người khác trên đường thường đều là những ca nặng và không ai mong muốn điều đó", anh bộc bạch.