Áp lương tối thiểu theo giờ: Doanh nghiệp, người lao động mong chờ
(Dân trí) - Ngoài mức lương tối thiểu theo tháng, đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về mức lương tối thiểu tính theo giờ là điểm mới, là tiền đề để bảo vệ mức thu nhập của người lao động bán thời gian, thời vụ…
Mức sàn công lao động
Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương dự thảo tờ trình và nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Thời gian lấy ý kiến trước ngày 5/6.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Nếu đề xuất này được thông qua, lần đầu tiên Việt Nam có mức lương tối thiểu tính theo giờ.
Tiếp nhận thông tin này, ông Phạm Quang Anh - Tổng giám Công ty TNHH May mặc Dony cho biết, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều dựa vào lương tối thiểu vùng để trả lương sàn cho người lao động. Thực tế, thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp của ông cao gần gấp đôi so với lương tối thiểu vùng.
Ông Quang Anh cũng bày tỏ quan điểm rằng, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mức lương tối thiểu theo giờ là hợp lý, bảo vệ được thu nhập của người lao động, nhất là lao động tự do, phi chính thức. Các doanh nghiệp hiện nay, ngoài việc tuyển dụng lao động làm việc lâu dài, cũng sử dụng không ít công nhân thời vụ. Chính vì thế, lương tối thiểu vùng theo giờ là công cụ kiểm soát giúp thu nhập của người lao động thời vụ ổn định và đảm bảo hơn.
Anh Lê Công Tuấn, chủ một cửa hàng bán quần áo tại TP HCM cho biết, hiện nay mức lương anh đang áp dụng để trả cho người lao động là 20.000 đồng/giờ. Để đưa ra mức lương theo giờ này, anh đã tham khảo từ nhiều cửa hàng khác và cũng trao đổi với người lao động khi đến nộp hồ sơ. Ngoài ra, người lao động làm thêm giờ, tăng ca hay các ngày lễ, Tết cũng được anh hỗ trợ thêm một khoản chi phí khác.
"Khi biết đến đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về việc áp dụng lương tối thiểu theo giờ, tôi thấy hợp lý. Nếu đề xuất được thông qua, chúng tôi chắc chắn sẽ thực hiện theo đúng quy định, tăng mức lương tối thiểu theo giờ cho người lao động lên 22.500 đồng/ giờ", anh Tuấn cho hay.
Anh Nguyễn Thuận (20 tuổi, ngụ tại Quận 7, TPHCM) làm nhân viên tại một quán cà phê với mức lương 20.000 đồng/giờ. Một ngày làm 8 - 10 tiếng với thu nhập trung bình khoảng 160.000 đồng - 200.000 đồng.
"Tôi không được hỗ trợ tiền ăn trưa, xăng xe đi lại nên mọi thứ phải tự túc. Tính ra, trừ hết các khoản chi phí, một ngày, thực tế tôi chỉ nhận được khoảng 100.000 đồng. Cho nên tôi đã tính đến chuyện xin vào làm công nhân tại một công ty nào đó để chế độ được tốt hơn", anh Thuận bày tỏ.
Tăng độ bao phủ để bảo vệ bằng lương tối thiểu
Chị Nguyễn Thị Thanh là công nhân may, làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung 1, TP Thủ Đức cho biết, nếu chia tiền lương tối thiểu theo vùng của chị ra mỗi giờ thì mức lương hiện cũng ở khoảng 20.000 - 22.000 đồng/giờ. Tuy nhiên, thu nhập thực tế của công nhân "chính quy" sẽ cao hơn những lao động làm việc theo giờ vì được hỗ trợ tiền ăn, tiền xăng xe, nhà trọ… Và quan trọng hơn, người lao động chính thức được đóng bảo hiểm, có các chế độ phụ cấp, nếu tăng ca và chuyên cần tốt, thu nhập một tháng cũng ổn định để nuôi gia đình.
Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, TPHCM) bày tỏ đồng tình với mức lương tối thiểu giờ theo vùng mà Bộ LĐ-TB&XH. Các doanh nghiệp hiện nay vẫn cần dựa vào lương tối thiểu giờ và lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động.
Tuy nhiên, ông Hồng cũng nêu ý kiến về các yếu tố cần tính thêm như với lương tối thiểu vùng đang áp dụng và thời gian làm việc trên ngày theo luật Lao động, như tiền ăn giữa ca, quyền lợi được đóng các loại bảo hiểm đầy đủ. Ông Hồng băn khoăn, lương tối thiểu giờ áp dụng cho các công việc chỉ thuê và trả theo giờ thì người lao động có được ăn cơm giữa ca, được đóng bảo hiểm và các chế độ khác hay không?
Dương Thùy