Anh chàng "cục bướu" bán vé số nuôi người mẹ không máu mủ
(Dân trí) - Trải qua cơn sốt bại liệt lại mang khối u lớn trên mặt, anh Bùi Minh Duy mất khả năng đi lại, mù một mắt. Dù vậy, anh vẫn cố gắng kiếm tiền, nuôi mẹ già đã ngoài 70 tuổi.
Còn đôi bàn tay, còn làm được
Năm lên 10 tuổi, anh Bùi Minh Duy (quê Ninh Thuận) bỗng dưng bị cơn sốt bại liệt. Không lâu sau, anh bị liệt, đôi chân cứ thế teo dần, không thể đi lại được nữa. Chưa dừng lại ở đó, ba mẹ phát hiện trên đầu anh Duy có khối u nhỏ, rồi khối u lớn dần, chuyển xuống mắt trái khiến anh không thể nhìn thấy.
"Lúc đó mẹ tôi tưởng bị nhọt nên lấy kim chích mụn, không ngờ máu chảy rất nhiều, ướt hết cả áo. Nhưng cục u đó vẫn không hết mà để lại 2 vết sẹo, từ từ to dần rồi lan ra nửa mặt", anh Duy kể.
Tức tốc đến bệnh viện, bác sĩ nói anh bị khối u ác tính trên mặt, các mạch máu hầu như dồn hết vào khối u đó. Cục bướu cứ thế nằm trên mặt của anh Duy suốt 22 năm qua, không gây đau đớn nhưng bác sĩ nói nếu mổ thì khả năng tử vong rất cao.
"Người ta cũng đã thử kiểm tra, nhưng khi đưa vào phòng mổ thì xác định tôi bị bệnh, chảy máu cầm không được. Bác sĩ ra nói với mẹ "thôi để Duy sống được ngày nào hay ngày nấy, đi lúc nào thì đi thôi". Mẹ thấy vậy xin cho tôi về nhà đến giờ", anh Duy nói.
Kể từ thời điểm đó, chàng trai tự ti, sống thầm kín hơn so với tính cách hiếu động khi còn nhỏ. Thấy vậy, bạn bè cũng dần xa lánh, anh Duy chỉ có thể lủi thủi trong nhà với ba mẹ và các anh chị em, lấy đó làm niềm an ủi duy nhất. Thỉnh thoảng, anh bị chảy máu cam, máu mắt do khối u bị động, phải uống thuốc cầm cự.
Mãi sau này, khi lớn lên, trải qua nhiều công việc khác nhau, anh Duy mới ý thức được bản thân còn may mắn hơn nhiều người. Từ đó, chàng trai quyết định sống "khác", dẹp bỏ mặc cảm vì hoàn cảnh éo le của mình.
"Tôi còn có đôi bàn tay để làm việc, còn 1 mắt để nhìn. Nhiều người còn khối u kín cả khuôn mặt hay liệt toàn thân, phải nằm một chỗ. Tôi như vậy là còn may mắn, không thể không phấn đấu vươn lên", anh Duy bộc bạch.
Từng thử công việc bán vé số nhưng vì ở vùng quê hẻo lánh, anh cố lắm chỉ bán được vài chục tờ mỗi ngày. Thấy gia cảnh nghèo, mẹ già không đủ tiền chăm sóc, anh Duy chọn một mình bắt xe khách lên TPHCM lập nghiệp.
Năm 2019, lần đầu đặt chân đến thành phố hoa lệ, một thân một mình trên chiếc xe lăn đã cũ. Anh nhờ người quen tìm giúp chỗ trọ ở quận Bình Thạnh để yên tâm tìm việc làm. Nhưng với hoàn cảnh của anh, thật quá khó để kiếm một công việc ổn định nên rồi anh tiếp tục nghề bán vé số, kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Hàng ngày, đúng 6h là anh Duy lái chiếc xe lăn, lọc cọc ra khỏi căn nhà trọ. Không thể đi đâu xa, anh dừng lại ở ngã tư Xô Viết Nghệ Tĩnh - Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) chờ dòng người qua lại để mời vé số. Về nhà nghỉ ngơi vào lúc 10h đến 15h, anh Duy lại đi bán tiếp đến 20h mới về.
"Người ở đây thương tôi lắm, ai cũng giúp đỡ. Mấy anh cảnh sát giao thông gần điểm bán cũng hướng dẫn tôi đi đường cho xe không tông trúng. Nhờ vậy mà tôi thấy được an ủi phần nào, dù sống một mình nhưng không cô đơn", chàng trai lạc quan kể.
Mơ được về với mẹ
Mỗi ngày, nếu bán tốt, anh Duy có thể kiếm được 200.000 đồng. Ngoài ra, tháng nào anh cũng được một nhà thờ trên địa bàn cho 10kg gạo và 100.000 đồng. Trừ đi chi phí tiền trọ, điện, nước, ăn uống, thuốc men, anh còn dư được hơn 2 triệu. Số tiền đó, anh gửi hết về cho mẹ.
Giải thích việc không giữ lại chút tiền cho bản thân, anh Duy gãi đầu, cười nói: "Tôi không mưu cầu gì, được sống đến ngày hôm nay là hay rồi. Tiền bạc đâu còn quan trọng với tôi nữa, nhưng nó rất cần để chăm sóc mẹ, năm nay bà đã hơn 70 rồi. Còn bao nhiêu thời gian, tôi chỉ mong báo hiếu được cho mẹ bấy nhiêu".
Do dự đôi chút, anh Duy mới kể, nhà anh có 2 người chị và 1 em trai. Người em trai và chị gái lập gia đình, sống riêng, chỉ còn 1 người chị trông coi bếp núc, chăm sóc mẹ. Anh Duy thỏ thẻ, anh không phải con ruột mà là con nuôi.
"Ngày đó tôi bị người ta bỏ ở chợ, ba mẹ thấy vậy mới nhặt về nuôi. Không ngờ chưa bao lâu thì mắc bệnh, hai ông bà phải chạy chữa biết bao nhiêu là tiền mà không được. Ba tôi mất 2 năm trước, chỉ còn mẹ thôi, nhưng mẹ bị lẫn rồi, còn trầm cảm nữa", anh Duy chùng giọng.
Đã qua 2 cái Tết, anh Duy chưa về thăm nhà. Đêm giao thừa, anh Duy sẽ thức khuya một chút, gọi về nhà hỏi thăm mẹ già. Thỉnh thoảng, chàng trai tự an ủi: "Có phải con nít đâu mà mê Tết", nhưng trong sâu thẳm, anh vẫn đang hi vọng Tết nay có thể đoàn tụ với gia đình.
Nói đến ước mơ, tối nào anh Duy cũng mong được sớm quay về với mẹ, với anh chị em trong nhà. Anh quan niệm, ở mảnh đất này, anh sẽ tận dụng hết sức để kiếm tiền. Đến khi nào thấy đủ, anh sẽ quay trở về.