Ấm lòng "gian hàng miễn phí" cho người lao động nghèo
(Dân trí) - Những ngày qua, ai đi ngang qua con đường Bùi Hiển (Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) đều cảm thấy ấm lòng trước một cửa hàng miễn phí với dòng chữ thân thương "Ai có thì mang đến, ai khó khăn thì đến nhận".
Gian hàng "0 đồng"
Gần 2 tháng nay, cứ vào mỗi sáng hằng tuần, nhiều thành viên của một Hội tự nguyện vẫn thường xuyên nhắc nhau dậy thật sớm để mở cửa cho "gian hàng" đặc biệt của Hội.
Ai cũng đều cẩn thận treo lên giá từng chiếc quần, cái áo, còn những gói mì tôm, chai nước mắm thì được đặt gọn gàng trên chiếc kệ bên cạnh. Tất cả những vật dụng ấy được sắp sẵn để bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể mang về.
Gọi là gian hàng nhưng nơi đây không dùng để kinh doanh thu lợi nhuận mà là một nơi để ai thiếu đến lấy, ai dư thì đến cho. Từ người bán hàng rong cho đến sinh viên, người đi làm...hễ ai cần đồ gì thì cứ đến lấy, ai có đồ dư thì mang đến ủng hộ.
Gian hàng miễn phí này được xây dựng vào tháng 12/2020, bố trí ở khu vực dễ quan sát tại số 24 đường Bùi Hiển (P.Hòa An, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng), phục vụ khách hàng từ 5 giờ đến 22 giờ hằng ngày.
Các mặt hàng trong gian hàng khá đầy đủ từ các đồ dùng cá nhân đến nhu yếu phẩm thiết yếu như mì tôm, cháo gói, muối, nước mắm, dầu ăn cho đến sữa tươi…Nhưng điều đặc biệt là gian hàng này không có người bán, "khách hàng" đến tự chọn món đồ mình cần đem về và không phải trả tiền.
Anh Nguyễn Văn Cường (SN 1968) là người đề xuất triển khai mô hình này cho biết, cách đây 1 năm, cũng tại nơi này anh cũng đã mở một gian hàng quần áo "0 đồng" để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên lúc đó chỉ phục vụ được một số ít người trong thời gian hạn chế, bởi nguồn lực huy động chỉ giới hạn trong nội bộ của Hội.
Nhưng giờ đây, thông qua mạng xã hội, việc làm của anh và Hội đã được nhiều người biết đến, cũng nhờ đó mà nguồn lực sẽ chia trở nên phong phú hơn nên Hội đã quyết định xây dựng nên gian hàng miễn phí này.
"Xuất phát từ tình yêu thương, khi thấy qua đợt lụt vừa rồi, nhiều người khó khăn quá, chúng tôi đã động viên những thành viên trong Hội đóng góp, ủng hộ để chia sẻ lại với những hoàn cảnh còn khó khăn, túng thiếu. Đa phần người đến nhận là người lao động làm nghề chạy xe ôm, mua bán ve chai, bán vé số, người lang thang cơ nhỡ", anh Nguyễn Văn Cường nói.
Anh Cường cho biết thêm, hàng thực phẩm như mì tôm, dầu ăn, nước mắm… tất cả đều được mua sắm từ nguồn quỹ của Hội, còn "nguồn hàng" áo quần cũ được anh cùng các thành viên vận động từ cá nhân cho đến các cơ quan đoàn thể ở khắp mọi nơi.
Sau khi tiếp nhận đồ đạc, anh em trong Hội ngồi lại với nhau để phân loại, chọn lọc cái nào sạch đẹp thì mới đưa ra trưng bày, cái nào dính bẩn hoặc không phù hợp thì đem đi giặt giũ hoặc loại bỏ để người nhận cảm thấy vui vẻ.
Ấm lòng người lao động nghèo
"Ai có thì mang đến, ai khó khăn thì đến nhận" đó là dòng chữ ấn tượng được in chỉn chu trên biển hiệu của gian hàng, khiến người đến nhận không ngại mà người đem đến cho cũng cảm thấy ấm lòng. Với những người lao động hoặc đang có hoàn cảnh khó khăn, quả thật gian hàng "0 đồng" này như một điều kỳ diệu với họ vậy.
Tấp chiếc xe ve chai của mình vào trước gian hàng, bà Mai Thị Hường (làm nghề nhặt ve chai) cùng người bạn nghề bước vào gian hàng chọn đồ. Loay hoay một hồi, bà cũng chọn cho mình được một cái áo khoác, bà Hường phấn khởi cho biết với người lao động khó khăn như bà có cái áo khoác để giữ ấm trong thời tiết này là một điều rất ý nghĩa.
"Công việc mua bán ve chai của tôi, thu nhập rất bấp bênh, phần dịch bệnh ai cũng khó khăn và cũng gần đến tết nên tôi thường tiết kiệm những khoản mua áo quần. Nhưng giờ có gian hàng này, tôi đỡ được khoản tiền mua cái áo để có thể dùng đồng tiền ấy mua thêm đồ ăn, vật dụng cho con cái", bà Hường bộc bạch.
Bà Hường còn cho biết thêm, ngoài chọn riêng cho mình chiếc áo, bà còn kiếm thêm cho chồng cái áo khoác để ông có thêm trang phục mặc trong những ngày chạy xe ôm và bà cũng sẽ giới thiệu đến những người đi cùng nghề như cô đến đây để nhận những phần quà tốt đẹp.
Gần như những người đến gian hàng "0 đồng" này ai nấy đều khó khăn, nhưng chẳng ai tham lam cả. Họ chỉ lấy đúng thứ mình cần, cứ như thế, người thừa mang đến, người thiếu lấy đi, ngày này qua tháng nọ mà gian hàng ngày một ấm áp hơn.
Được biết, bên cạnh gian hàng "0 đồng" dành cho người lao động khó khăn, Hội còn tổ chức mô hình "thu gom ve chai" để bảo vệ môi trường, đồng thời tạo thêm nguồn kinh phí duy trì hoạt động gian hàng và gây quỹ từ thiện ủng hộ cho những hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài thành phố Đà Nẵng.