1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

700.000 người rút bảo hiểm xã hội: "Hưởng một lần", lo cả đời!

An Linh

(Dân trí) - Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có hơn 700.000 người tham gia bảo hiểm đã rút tiền bảo hiểm để hưởng một lần. Con số được coi là đáng báo động và gây lo ngại.

Vì đâu người dân rút tiền bảo hiểm?

Theo lý giải của một số chuyên gia về bảo hiểm, người dân đi rút tiền bảo hiểm để hưởng "tiền tươi" hầu hết xuất phát từ cuộc sống khó khăn, mất việc, thậm chí không nhìn thấy cơ hội được làm việc, đóng bảo hiểm tiếp theo.

Theo chị Nguyễn Thị Kim Thoa, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội việc rút tiền bảo hiểm một lần có số tiền lớn, nhưng đây là bài học mà chị này rất đau xót.

700.000 người rút bảo hiểm xã hội: Hưởng một lần, lo cả đời! - 1

Hiện tượng rút bảo hiểm xã hội gia tăng vì người dân khó khăn, không thấy cơ hội đóng góp thêm để được hưởng lương hưu (Ảnh minh họa).

Theo chị Thoa, dù tham gia bảo hiểm xã hội 13 năm khi làm công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), nhưng do mong muốn buôn bán cùng gia đình nên chị rút số tiền bảo hiểm về để lấy vốn làm ăn.

"Số tiền rút về cũng được kha khá, đủ gom góp làm ăn, nhưng mở cửa hàng đồ ăn thì hai năm nay gặp dịch nên mất trắng. Trong khi đó, khoản chi phí cho thăm khám bệnh vẫn phải tự lo 100% chứ không được bảo hiểm như trước", chị Thoa phân trần.

Chị Thoa chia sẻ bài học xương máu: "Đáng lẽ bình tĩnh hơn, tôi xin nghỉ và vẫn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì vừa đảm bảo được hỗ trợ thăm khám chữa bệnh, vừa cơ hội lương hưu khi về già. Bây giờ sai một ly, đi một dặm".

Thực tế, đại đa số trường hợp rút bảo hiểm xã hội đều xuất phát từ việc cuộc sống khó khăn, nhìn thấy số tiền bảo hiểm đóng là so với mục đích sử dụng của mình hiện nay phù hợp và có thể xoay sở được.

Anh Nguyễn Anh Viên, chuyên viên bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Hà Nội cho biết: "Những người đến rút bảo hiểm thường được chúng tôi tư vấn rất kỹ về giải pháp chọn giữ hoặc đóng tiếp bảo hiểm. Nhưng một khi họ đã quyết rút tiền làm việc gì đó sẽ rất khó can ngăn, chúng tôi chỉ dừng lại ở giới hạn tư vấn".

Anh Viên nói thêm, đa phần người rút bảo hiểm về thuộc diện khó khăn, có việc quá cần thiết, xác định rút tiền về để trang trải chứ ít ai nghĩ đến chuyện làm của để dành hoặc duy trì đóng tiếp.

"Khi họ rời khỏi công ty, doanh nghiệp, không còn được người sử dụng lao động hỗ trợ đóng một phần bảo hiểm cho, giờ xác định đóng 100% số tiền bảo hiểm tự nguyện, lại gặp cảnh cuộc sống khó khăn... họ luôn có tâm lý rút tiền về. Chúng tôi thường vận động họ về tương lai, tư vấn họ đóng mức phù hợp để sau này có chế độ. Tuy nhiên, có nhiều người vẫn rút vì ý định cá nhân nên đành chịu", anh Viên cho hay.

Chính sách mở, lao động tự do cũng có lương hưu

Tuy nhiên, về góc độ chuyên gia, một số người cho rằng, sở dĩ người tham gia bảo hiểm rút tiền về là do sự kém hấp dẫn của bảo hiểm, gánh nặng cuộc sống và niềm tin vào lương hưu.

700.000 người rút bảo hiểm xã hội: Hưởng một lần, lo cả đời! - 2

Chính sách bảo hiểm hiện thông thoáng, người lao động khi bị dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, có điều kiện đóng bảo hiểm tự nguyện, hưởng lương hưu khi về già (Ảnh minh họa).

"Có trường hợp người tham gia bảo hiểm chỉ được đóng được thời gian ngắn từ 3-5 năm, tương lai họ xác định không đi làm công ty, nhìn thấy còn hàng chục năm phải đóng nữa nên họ ngại, họ rút. Cũng có trường hợp đóng trên 10 năm, số tiền tích lũy bảo hiểm khá lớn, họ có nhu cầu tiền để làm việc riêng nên quyết định rút tiền về. Phải nhìn nhận thẳng là, không ai đóng bảo hiểm khi thời gian đã đóng từ 18-20 năm lại đi rút tiền về", chuyên gia nói.

Về giải pháp hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội bắt buộc, vị chuyên gia này cho rằng: "Bên cạnh việc tuyên truyền chế độ an sinh, hưu trí, tử tuất và các lợi ích của bảo hiểm xã hội. Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cần được phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân, mở rộng các đối tượng bảo hiểm, các mức đóng góp, hỗ trợ hợp lý cho người tham gia".

Theo bà Đoàn Thị Thúy Vân, Phó trưởng Phòng truyền thông và phát triển đối tượng, Bảo hiểm xã hội TPHCM, hiện nay, cơ chế đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đã rất thông thoáng, như việc cho phép đóng một lần cho nhiều năm về sau (không quá 5 năm) và cho phép đóng một lần cho số năm còn thiếu (không quá 10 năm).

Thực tế, chính sách đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mở ra cho mọi đối tượng được tham gia đang xóa nhòa khoảng cách trong xã hội. Ngay cả lao động tự do, lao động nông nghiệp cũng được đóng bảo hiểm, điều này cần được phổ biến rộng rãi để mọi người dân có cơ hội được tham gia, hưởng chế độ khi về già.