1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

5 tỷ USD tiền thực hiện chính sách xã hội cần chi trả hàng năm

Thái Anh

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi nêu thực tế, tổng số đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, người hưởng lương hưu… cần chi trả chế độ hàng tháng đã tới gần 50% dân số, ước tính 5 tỷ USD/năm.

Đây là những con số Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề cập tại hội thảo triển khai hướng dẫn chi trả điện tử trong thực hiện chính sách sau trợ giúp xã hội diễn ra sáng 30/5 tại Hà Nội, do Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức.

5 tỷ USD tiền thực hiện chính sách xã hội cần chi trả hàng năm - 1

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi chủ trì hội thảo quốc tế (Ảnh: Q.H).

87.000 tỷ đồng hỗ trợ đợt Covid-19 chi trả "thủ công" nên chậm

Cụ thể, Nguyễn Văn Hồi điểm qua, kinh phí chi trả cho lĩnh vực người có công khoảng 35.000 tỷ đồng/năm, lĩnh vực bảo trợ xã hội khoảng 22.000 tỷ đồng/năm, chi trả lương hưu với khoảng 2,7 triệu người cũng hơn 100.000 tỷ đồng/năm... Tổng chi trả chính sách và các chương trình trợ giúp xã hội ước tính 5 tỷ USD/năm.

Ông cũng nhận định, các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội cũng ngày càng được mở rộng, mức trợ giúp ngày càng cao hơn, lượng công việc ngày càng quá tải với các cơ quan chức năng.

Thứ trưởng Hồi dẫn chứng, riêng việc thực hiện các gói hỗ trợ dân sinh trong đợt dịch Covid-19 vừa qua đã có 87.000 tỷ đồng cần giải ngân. Quá trình giải quyết chế độ chủ yếu vẫn làm "thủ công", tiền chi trả chậm đến với đối tượng thụ hưởng.

Trong bối cảnh đó, việc thí điểm chi trả, thanh toán chế độ không dùng tiền mặt áp dụng tại một số bộ, ngành, địa phương đã cho thấy những lợi ích rõ rệt, thuận tiện cho người thụ hưởng, đảm bảo chính sách minh bạch hơn, chống tiêu cực. Phương thức chi trả thực tế cũng cho thấy không phải là không thể áp dụng với các đối tượng như người khuyết tật, người cao tuổi.

Lãnh đạo ngành nhấn mạnh mục tiêu được Nhà nước giao là đến năm 2025, trên 65% người hưởng lương hưu nhận tiền chi trả qua tài khoản, giải quyết chế độ cho 3,5 triệu đối tượng bảo trợ xã hội theo định hướng không dùng tiền mặt…

Chỉ trả điện tử, theo đó, đã được lên những lộ trình, bước đi cụ thể để triển khai. Phần việc trước hết, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu trực tuyến về đối tượng thụ hưởng, hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến về an sinh xã hội, bảo trợ xã hội. Đây là điều kiện để áp dụng quy trình thanh toán, chi trả chế độ chính sách không dùng tiền mặt.

Những rào cản cần tháo gỡ

5 tỷ USD tiền thực hiện chính sách xã hội cần chi trả hàng năm - 2

Các chuyên gia quốc tế cùng chia sẻ kinh nghiệm giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu chi trả điện tử trong thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Cập nhật về việc chuẩn bị những điều kiện hạ tầng, nền tảng để thực hiện lộ trình, đại diện Bộ Công an cho biết, ngành đã hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho hơn 98 triệu dân, cấp thẻ căn cước công dân cho 65 triệu trên tổng số 80 triệu người từ đủ 14 tuổi trở lên. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư này là nền tảng để cấp mã số định danh điện tử, mã số/tài khoản an sinh để phục vụ bước tiếp theo của việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Để đảm bảo mỗi người dân có một tài khoản an sinh xã hội nhằm thực hiện chi trả chế độ trực tuyến, cần sự vận hành đồng bộ của cả Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH cùng Ngân hàng nhà nước.

Đại diện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ngân hàng, viễn thông tham dự hội thảo cũng nêu những vướng mắc thực tế cần tháo gỡ để thúc đẩy quá trình này. Các đơn vị bưu chính thì đề nghị nhà mạng hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội cước phí 3G, 4G - rào cản lớn với người nghèo; đề nghị ngân hàng đơn giản hóa tính năng thanh toán trực tiếp trên các ứng dụng trực tuyến - rào cản với người cao tuổi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc…

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, chuyên gia kinh tế cao cấp về an sinh xã hội Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị Việt Nam thiết lập nhiều điểm chi trả an sinh xã hội tạm thời tới cấp thôn, bản; hệ thống ngân hàng đảm bảo đủ tiền để người dân rút tiền thuận tiện trong những ngày cao điểm, dịch bệnh như Covid-19; đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản an sinh xã hội và khống chế số lượng tài khoản nhận tiền (tối ưu là 1 tài khoản duy nhất)…

Trưởng ban An sinh - Việc làm khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB thì nhận định, đại dịch Covid-19 là một phép thử để các nước như Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Ông khẳng định, WB cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình này.