2K đổi lấy nụ cười
Ở cái xóm nhỏ bé thuộc khu tập thể Trạm bơm Yên Xá (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) nằm cuối đại lộ Chu Văn An, gần 2 tháng nay chiều nào cũng đông vui tấp nập với quán cơm 2K đang hút khách…
Tại "Quán nụ cười Shinbi", mỗi suất cơm giá chỉ có 2.000 đồng cho người nghèo, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân của Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.
Tôi hỏi chủ quán Võ Tiên Lâm tính hoạt động lâu dài thật sao. Anh nói chắc như đinh đóng cột: "Tất nhiên là mở lâu dài, quán tôi kinh doanh chắc chắn có lãi, lãi những nụ cười của tất cả những ai đến đây".
1. Ba giờ chiều, trước khoảng sân cao ráo, sạch sẽ của quán đã kê sẵn mấy dãy bàn ghế ngồi ăn cơm. Trong nhà, bàn ghế cũng đã ngay ngắn, cơm canh đã sẵn sàng lên khay. Mới 4 giờ chiều, từng tốp thực khách từ Bệnh viện K Tân Triều, từ những khu trọ quanh đó đã có mặt. Có lẽ cả ngày dài, họ chỉ mong tới lúc được đến đây để "được ăn, được nói, được gói mang về". Quán nhỏ mà "thơ" lắm, những tán cây tỏa bóng, những bình hoa loa kèn, hoa hồng đặt ở mỗi bàn ăn. Chiếc bảng nhỏ treo trước cửa quán ghi thực đơn từng ngày, kèm cả thông điệp gửi gắm "Cô bác ăn ngon miệng thì chúng tôi hạnh phúc rất nhiều". Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy sự tâm lý của chủ quán cơm, bởi vừa ăn cơm vừa ngắm hoa, chẳng phải sẽ thấy lòng thanh thản, tâm trí lạc quan hơn một chút sao. Có lẽ những gương mặt khắc khổ, gầy guộc, âu lo kia chỉ sang đến quán cơm này mới được thay đổi không khí, tạm quên đi hoàn cảnh ngặt nghèo hiện tại.
Hỏi ông chủ quán, sao không chia suất cho bà con mang về ăn, có phải gọn nhẹ hơn không, anh cười bảo rằng: "Phát cơm thì nhanh lắm, người phát - người nhận ai cũng vội vàng, chả kịp nhìn, kịp nhớ mặt nhau. Bà con ngày ngày sống quanh giường bệnh trong nỗi bất an, trong những phòng trọ ngột ngạt. Nếu phát cơm để họ mang về, thì họ sẽ ăn trong những không gian cũ ấy, bữa cơm sẽ tội lắm. Đến quán Shinbi này, họ được ngồi bàn ghế, thong thả ăn hết một khay cơm, kể cho nhau nghe những câu chuyện cuộc đời những hoàn cảnh khác nhau đến từ mọi vùng miền đất nước, cùng chung một nỗi lo bệnh tật".
Có đến quán cơm lúc đông khách, mới thấy quán chẳng những "thơ" mà còn rất "tình" nữa. Một nhóm 5 bác từ phía bệnh viện sang, sau bữa cơm, một bác đứng lên tuyên bố: "Hôm nay tôi mời". "Thôi bác ơi, đến đây ai chả khó khăn, để chúng tôi trả", mọi người cùng lên tiếng, nhưng bác vẫn khăng khăng giúi tờ 10.000 đồng vào tay chủ quán. "Thế thì bữa mai, đến lượt tôi "bao bàn", một bác khác lại tuyên bố. Rồi tất cả cười phá lên, bởi họ không có cảm giác áy náy khi được mời cơm. Đời người, có mấy lần được mời nhau sảng khoái, vô tư như vậy?
Sau bữa cơm, có cô bệnh nhân nhìn chủ quán cười: "Hai nghìn đồng mà đủ món, gạo thơm và dẻo, ăn chắc bụng, thêm cả hoa quả tráng miệng, làm sao mà nấu nổi. Giá ấy, là để các cô đỡ ngại thôi, đúng không. Vì ăn miễn phí mãi cô ngại lắm, cô thích được trả tiền hơn". Bởi thế, sẽ không phải là bữa cơm 0 đồng, mà trong trường hợp này, 2.000 đồng nhưng tạo nên những điều tuyệt vời hơn nữa.
Chỉ 2.000 đồng/suất cơm, nghe thì đơn giản, nhưng đằng sau mỗi khay cơm là sự chăm chỉ của cả nhóm tình nguyện viên. Từ sáng họ đã mua thực phẩm, nhặt rau, thái thịt, để đến chiều, mỗi khay cơm, bát canh được đưa ra tận bàn, mời mọi người ăn, hỏi thăm xem thức ăn có vừa miệng, nhắc mọi người nếu thiếu cơm hay thức ăn có thể lấy thêm. Vì những buổi chiều bình yên và ấm áp như thế, họ không cảm thấy vất vả hay mệt nhọc. Bởi còn nhiều người thương quý mà gửi chút đồ giúp đỡ. Nay có chị mang đến cả bao bắp cải, túi nấm to. Mai có cô chở đến cho chục gói muối, thùng dầu ăn, thùng mì tôm. Hôm nào có người tặng hoa quả, thì cuối bữa có thêm đồ tráng miệng. Có cặp vợ chồng trẻ mang tặng thùng cháo nóng hổi, vậy là sau bữa ăn, mỗi bà con có thêm suất cháo đem về cho người thân. Từng buổi chiều như thế, quán mang lại chút ấm áp cho người bệnh, người nhà bệnh nhân trong hành trình dài mệt mỏi, giảm bớt gánh nặng vật chất với những người đang phải chắt chiu từng đồng bạc lẻ trong hành trình chữa trị bệnh.
Ở quán này, có những tình nguyện viên đặc biệt. Bao nhiêu ngày quán hoạt động, là bấy nhiêu ngày bà lão Bính hàng xóm cần mẫn phụ quán. Gần 80 tuổi rồi, lưng đau, tay mỏi, tóc bạc trắng, nhưng ngày nào bà cũng sang làm đủ mọi việc, mặc định như là phần việc của mình. Shipper Nguyễn Thắng Dương cũng thế. Dương người xóm này, là người khuyết tật, đi lại khó khăn, nói năng cũng chẳng tròn vành rõ tiếng. Hàng ngày Dương chạy chiếc xe ba bánh để cùng vợ - cũng không được bình thường, mưu sinh bằng nghề bán rau ở chợ Xa La. Đáng lẽ ra, Dương là người cần được giúp đỡ, song ngược lại, Dương lại là tình nguyện viên cứng của quán, không nề hà chuyện gì. Từ việc chở rau của các nhà hảo tâm về quán đến chở cháo, sữa từ thiện đến các khoa của Bệnh viện K. Dương không nói được mấy, nhưng hay cười lắm, điều gì thấy vui là Dương lại gật gật đầu ưng ý.
2. Anh chủ quán Võ Tiên Lâm đầu húi cua, nụ cười hiền, không chỉ bán cơm mà còn hay hỏi han, hay lặng nhìn và chịu khó lắng nghe. Anh bảo mong muốn có những bữa cơm đúng nghĩa cho người nghèo trong một "không gian chậm" bình yên như thế. Nhưng bắt tay vào việc mới thấy khó khăn gấp nhiều lần. Đầu tiên là liều lĩnh thuê lại mặt bằng này vì tiếc vị trí gần Bệnh viện K sẽ giúp được bà con. Rồi chi phí sửa sang quán, mua sắm vật dụng… Trước giờ, anh có bao giờ nghĩ sẽ trở thành ông chủ, mà lại là chủ một quán cơm đặc biệt đến thế. Tính sơ sơ, mỗi ngày trung bình nấu 150 suất cơm, quán mở bán từ chiều thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Bà con truyền tai nhau về "quán cơm 2k", nên có hôm "vỡ trận" vì có đến gần 200 thực khách ghé quán. Dù thế, cũng sẽ không có một khách hàng nào phải nhịn đói ra về. Lâm bảo quán này mở ra và hoạt động được là nhờ có bác sĩ Nguyễn Văn Hòa - Viện trưởng Viện Công nghệ nha khoa thẩm mỹ Shinbi. "Không có anh ấy tài trợ cố định lâu dài cho quán, có lẽ tôi không đủ vững tâm và sự lạc quan dựng quán".
Giờ anh tạm tổng kết, nếu không mở quán cơm này, thì làm sao quen được nhiều người, biết nhiều hoàn cảnh đến thế. Nhìn bà con đến ăn cơm là có thể đoán được họ đang điều trị ở giai đoạn nào. Mấy chú, mấy cô đội chiếc mũ chụp đầu sang ăn cơm, là biết tóc họ đã rụng hết sau những đợt hóa trị. Những bàn tay gầy nhẳng, xanh xao, đầy nốt tím sau những lần lấy máu. Có cậu bé quê Nam Định đến ăn cơm, người gầy nhẳng, mái tóc còn đen mượt, cười rất tươi và thích chụp ảnh.
Nhớ hôm đầu bán cơm, chiều mới đến giờ mở hàng, nhưng buổi trưa hôm ấy, một cô đi vào, nhìn ngắm tấm biển cơm 2k, rồi hỏi: "Hôm nay còn cơm 2k không chú?". Cô bảo cô vừa khám bệnh và nộp tiền mua thuốc, trong túi chỉ còn 10.000 đồng, ra quán cơm họ không bán. Mà mãi 2 giờ chiều mới có kết quả, nên phải tìm chỗ ăn cơm và chờ đợi. Anh chủ quán vồn vã mời cô vào nhà, bảo vẫn còn đủ cơm cho cô ăn. Suất cơm đầu tiên của quán được bán trước cả giờ mở quán như thế.
Ở quán này, luôn có những niềm vui "bất thình lình", cả nỗi xúc động cũng bất ngờ ập đến. Hôm ấy, trước giờ cơm, anh Hải, quê Yên Bái lên chăm bố đang điều trị, vừa tới quán đã rụt rè rút ra hai tờ 100.000 đồng, nói rằng muốn ủng hộ quán để giúp đỡ được nhiều bà con hơn. Hay một hôm khác, vào lúc quán đông nhất, chủ quán đang bê cơm toát mồ hôi, thì một chú tên Linh vẫy tay bảo có lời muốn nói. Chú bảo vợ chú đang điều trị tại đây, nhưng hiện tại chú vẫn còn trụ được, nên chú có chút lòng thành muốn góp cùng quán, mong quán sẽ duy trì lâu dài, để chú được ăn cơm "như ở nhà".
Ở quán này, chủ quán và thực khách vẫn thường có những cuộc chia tay. "Tuần này về nhà không Tuấn ơi?", anh chủ quán chào khách bằng câu hỏi thăm. Tuấn sinh năm 1987, đang làm công nhân ở Hòn Gai, Quảng Ninh. Bỗng một ngày thấy đầu đau dữ dội, mắt nhòe mờ, đi đâu phải có người dắt. Lên Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ thông báo Tuấn bị u tuyến tùng, cần chuyển sang Bệnh viện K để điều trị. Từ đó đến nay đã được hơn 6 tháng. Ngày Tuấn đổ bệnh, đứa con út vừa sinh được mấy ngày. Thành ra tất cả tiền chữa bệnh, ăn uống, sinh hoạt của cả gia đình đều vay của anh chị em hai bên gia đình. Sợ tốn kém, nên thỉnh thoảng lắm Tuấn mới về Hòn Gai thăm vợ con. May mắn là Tuấn đáp ứng điều trị, đến nay đã có thể nhìn thấy mờ mờ, tự đi lại được.
"Em ăn bữa này nữa thôi, mai em về rồi anh ơi. Bác sĩ bảo một tháng nữa tái khám, nếu ổn thì ba tháng nữa mới phải lên lại", Tuấn nói. Nghe thế, chủ quán vui lắm, hắng giọng: "Thôi ông về Hòn Gai nhà ông đi. Khi nào nhớ ông, tôi xuống thăm, nhé!", chủ quán nói; rồi hai anh em cùng cười chia tay.
Một sáng, anh Minh ở Bắc Giang xuống quán từ sớm, đưa vợ đi tái khám. Đến đầu giờ chiều thì có kết quả, anh ghé quán chào: "Anh về đây chú ạ. Chị nhà anh tái khám ổn, vết mổ ngon lành, bác sĩ dặn khi nào giơ tay lên được thì xuống lại để xạ". Rồi anh cười tít mắt. Anh chủ bảo, ngày nào cũng nhận được vài nụ cười như thế, chẳng phải là mãn nguyện lắm sao…