1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bình Phước:

100.000 người nghèo, vùng khó "mất" thẻ bảo hiểm y tế, cách nào bù đắp?

Thái Anh

(Dân trí) - Đây là con số những người "rơi" khỏi diện được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh Bình Phước khi có sự thay đổi chính sách. Địa phương đang nỗ lực để bù đắp số thiếu hụt đó…

Thu nhập không đủ ăn, sao có tiền mua BHYT cho cả nhà?

Theo báo cáo của BHXH tỉnh Bình Phước, thực hiện Nghị quyết 861 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, danh sách các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 thu hẹp nhiều nên số lượng người dân trên địa bàn không còn được ngân sách Trung ương hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (BHYT) tăng nhiều.

Cụ thể, thời gian qua, có trên 100.000 người bị cắt giảm thẻ BHYT, tương ứng khoảng 10% dân số Bình Phước. Việc này tác động lớn đến vấn đề thụ hưởng quyền lợi BHYT của người dân cũng như mục tiêu phủ BHYT toàn dân trên địa bàn một tỉnh khó khăn bậc nhất khu vực Đông Nam Bộ.

100.000 người nghèo, vùng khó mất thẻ bảo hiểm y tế, cách nào bù đắp? - 1

Gần 100.000 người, đa số là đồng bào dân tộc, ở vùng khó khăn của Bình Phước không còn được cấp thẻ BHYT miễn phí do thay đổi chính sách.

Tại buổi trao tặng thẻ BHYT miễn phí cho người dân tộc thiểu số trên địa huyện Bù Đăng, một trong ba huyện nghèo, xa xôi nhất của Bình Phước, chị Thị Ưng (29 tuổi, người dân tộc S'tiêng, trú tại xã Đường 10) mừng mừng tủi tủi. Chị Ưng mừng vì cất được gánh nặng lo lắng việc trả viện phí mỗi khi con nhỏ, người thân ốm đau phải vào viện, tủi vì vốn trước đây, gia đình chị thuộc diện được cấp thẻ BHYT miễn phí, nay do chính sách thay đổi, phải tự mua thẻ.

Từ khi chính sách thay đổi, cả gia đình 4 người gồm vợ chồng chị cùng hai con nhỏ 6 và 11 tuổi đều chưa có thẻ BHYT, nơm nớp lo sợ. Cuộc sống khó khăn, số tiền có được chỉ trông chờ vào những buổi làm thuê theo thời vụ, thu nhập ít ỏi, chỉ 2-3 triệu đồng/tháng nên tiền ăn nhiều lúc cũng không đủ nên không thể cố bỏ tiền ra mua thẻ BHYT cho cả nhà.

"Có lúc con nhỏ bị bệnh phải đi bệnh viện, gia đình chỉ biết sang họ hàng, làng xóm vay mượn tiền để chữa bệnh cho con" - chị Ưng rơm rớm nước mắt kể.

Bí thư Đảng ủy xã Đường 10 Nông Thị Lũy, cho biết, sau khi xã nhà đạt chuẩn nông thôn mới thì người dân không còn được hưởng chính sách hỗ trợ cấp thẻ BHYT nữa. Nhận thức được vai trò của tấm thẻ BHYT, địa phương đã phối hợp với UBND xã vận động người dân tham gia BHYT. Tuy nhiên, theo bà Lũy, do nhận thức một số bà con còn hạn chế, hơn nữa, thêm nữa điều kiện kinh tế một số hộ gia đình khó khăn nên việc tham gia BHYT còn mang tính chất có hay không cũng được.

"Vừa qua, tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Nghị quyết về việc thực hiện các chính sách bảo hiểm, trong đó điều chỉnh việc hỗ trợ mua thẻ BHYT cho hộ dân tộc thiểu số ngoài nguồn ngân sách của trung ương. Với sự hỗ trợ này, riêng xã Đường 10 có gần 2.700 trẻ BHYT được trao tặng cho người dân"- bà Lũy cho biết.

Hỗ trợ thiết thực, bền vững từ chiếc thẻ BHYT

100.000 người nghèo, vùng khó mất thẻ bảo hiểm y tế, cách nào bù đắp? - 2

Cán bộ tư pháp xã (trái) làm thêm công việc tư vấn, thu bảo hiểm xã hội tại xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, Bình Phước.

Từ góc độ cơ quan bảo hiểm xã hội huyện Bù Đăng, Giám đốc Nguyễn Văn Ánh nêu con số, so với thời điểm trước khi thực hiện Nghị quyết 861 (tháng 6/2021), hàng chục ngàn người dân trên địa bàn không còn được hưởng ngân sách Trung ương hỗ trợ đóng BHYT.

Tuy nhiên, thời gian qua, với nhiều chính sách tuyên truyền, vận động, hỗ trợ… số người tham gia BHYT của huyện Bù Đăng hiện đã đạt 82%. Riêng xã Đường 10, hiện 100% hộ gia đình đã có thẻ BHYT. "Từ nay đến hết năm 2022 và sang năm 2023, việc phát triển thẻ BHYT vẫn là ưu tiên của ngành BHXH Bình Phước bởi chúng tôi quan niệm đây là vấn đề an sinh, khi người dân có sức khỏe sẽ yên tâm lao động, học tập và công tác" - ông Ánh nêu kế hoạch.

Nói về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Nguyễn Văn Lưu cho biết, sau khi áp dụng Nghị quyết 861, trên địa bàn có hơn 20.000 người thiếu hụt thẻ BHYT do "rơi" khỏi nhóm đối tượng được cấp phát thẻ miễn phí. Hết 6 tháng đầu năm 2022, chỉ tiêu phủ thẻ BHYT mới đạt 50%, chính quyền "lo phát sốt".

Để bù đắp lượng thiếu hụt này, huyện nỗ lực triển khai nghị quyết về việc thực hiện chính sách bảo hiểm đến năm 2025, trong đó có vấn đề hỗ trợ thẻ BHYT và chỉ thị giao cán bộ, công chức, viên chức vận động người thân, gia đình tham gia. Cụ thể, mỗi cán bộ, công chức, đảng viên được giao đảm bảo để người thân đều có/mua thẻ BHYT và "lo" cho ít nhất một người tham gia BHXH tự nguyện.

100.000 người nghèo, vùng khó mất thẻ bảo hiểm y tế, cách nào bù đắp? - 3

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Nguyễn Văn Lưu nói về những giải pháp mở rộng diện đối tượng tham gia BHYT, BHXH.

Huyện cũng tổ chức làm việc với các chức sắc, linh mục, mục sư,  người trụ trì các chùa… vận động người dân tham gia. Giải pháp khác là dựa vào các đoàn từ thiện. Chính quyền trực tiếp đề nghị với nhiều đơn vị mua thẻ BHYT tặng cho người dân thay vì chỉ tập trung mua quà là nhu yếu phẩm.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Lưu lập luận, tặng người nghèo chiếc thẻ BHYT hết sức thiết thực, là việc mang tính hỗ trợ bền vững với những người cần bảo vệ hơn hết trước các rủi ro. Người dân được nhận thẻ, yên tâm đi khám, chữa bệnh thì cũng sẽ nhận thấy giá trị của việc tham gia bảo hiểm, nhiều khả năng sang năm sau sẽ tự bỏ tiền mua.

"Trước nay, các đoàn thiện nguyện hầu hết chỉ suy nghĩ tặng bà con mì tôm, đồ khô nhưng đó chỉ là hỗ trợ trước mắt. Thực tế, nếu người dân trên địa bàn khó khăn thì chính quyền đều sẽ lập tức đề xuất xuất cấp gạo, lương thực từ nguồn dự trữ hỗ trợ nên đảm bảo giờ không còn người bị thiếu đói. Vậy nên, thay vì tặng những phần quà là nhu yếu phẩm, thẻ BHYT chính là công cụ bảo vệ cơ bản, thiết yếu với người dân. Chúng tôi quyết tâm với các cách thức khác nhau phải lo phủ đủ BHYT trên địa bàn.

Để việc vận động, thu bảo hiểm linh hoạt hơn, Bù Đăng cũng tổ chức giao cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách ở địa phương, cơ sở cộng tác, làm thêm công việc này. Khi đó ngoài khoản lương, phụ cấp ra, cán bộ cũng có thêm nguồn thu nhập từ thù lao vận động bảo hiểm mà lại không làm đội lên khoản chi phí cho hoạt động thu, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.