Trung Quốc: Các quan chức đua nhau bán nhà tháo chạy

Chỉ trong dịp Trung thu và 1/10 (Quốc khánh) năm 2012 đã có hơn 1.100 quan chức xuất cảnh nhưng không quay về, trong đó có 714 người được xác định là đã bỏ trốn, một quan chức của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng cho biết.

Thái Bân và một số ngôi nhà của ông ta ở Quảng Châu.

Thái Bân và một số ngôi nhà của ông ta ở Quảng Châu.

Ngày 19-1, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng (UBKTKLTW) của Trung Quốc bắt đầu họp Hội nghị lần 2 khóa 18 để tổng kết công tác chống tham nhũng năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013. Theo báo chí Trung Quốc, một trong những vấn đề sẽ được đưa ra bàn thảo là việc các quan chức trốn ra nước ngoài ngày càng nhiều.

Mới đây, UBKTKLTW đã ra thông báo “Động hướng mới trong công tác đấu tranh chống tham nhũng”, trong đó nêu rõ: từ trung tuần tháng 11-2012 đến nay, tại 45 thành phố vừa và lớn đã xuất hiện làn sóng bán tháo các biệt thự, căn hộ cao cấp.

Từ tháng 12 đến nay, hiện tượng này tiếp tục lan rộng, số nhà cửa được sang tên đổi chủ tăng gấp hàng trăm lần so với trước và là điều chưa từng có.

Có tới trên 60% người bán nặc danh, lấy tên giả hoặc lấy tên công ty để rao bán; đại đa số chủ nhà đều để nhà trống, cho người thân, bạn bè ở, không có hợp đồng cho thuê; khi bán đều yêu cầu giao dịch bằng tiền mặt, không qua ngân hàng.

Theo trang mạng của Ủy ban xây dựng nhà ở Bắc Kinh, nửa đầu tháng 1-2013 ở Bắc Kinh đã có 7.940 căn hộ được chuyển nhượng tăng 360% so với cùng kỳ năm 2012, tăng 11% so với tháng 12-2012, trong số đó số căn hộ cao cấp có giá 35 ngàn tệ/m2 (115 triệu VNĐ) trở lên chiếm 31%.

Được biết, một bộ phận người bán là các quan chức cơ quan công quyền và giới lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước. Ủy ban KTKL đã thông báo tình hình này với trung ương và đã có kế hoạch đối phó.

Các số liệu trong thông báo cho hay, theo thống kê của Bộ Nhà ở - Xây dựng đô thị và Bộ Giám sát, trong động thái bán tháo nhà ở, biệt thự hiện nay, xuất hiện hiện tượng không bình thường: có tới trên 60% người bán nặc danh, lấy tên giả hoặc lấy tên công ty để rao bán; đại đa số chủ nhà đều để nhà trống, cho người thân, bạn bè ở, không có hợp đồng cho thuê; khi bán đều yêu cầu giao dịch bằng tiền mặt, không qua ngân hàng; các chủ nhà ủy quyền cho luật sư giao dịch, không lộ mặt khi mua bán.

Bản báo cáo cũng đưa ra nạn nhận ngoại tệ của các quan chức đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành ở 6 tỉnh, thành phố như Bắc Kinh, Thiên Tân, Giang Tô, Sơn Đông, Thượng Hải… và người nhà, nơi cao nhất là Sơn Đông nhận 1 tỷ 792 triệu, nơi thấp nhất cũng 370 triệu USD.

11 thành phố có hiện tượng bán tháo nhà diễn ra nghiêm trọng nhất là: Nam Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Thiên Tân, Thẩm Dương, Hạ Môn, Nam Kinh, Phúc Châu, Tế Nam, Quảng Châu, Thâm Quyến, Thành Đô; trong đó nhiều nhất về số căn hộ là Quảng Châu (4.880 căn) và Thượng Hải (4.755 căn), nhiều nhất về biệt thự là Hàng Châu (412 ngôi) ít nhất là Thiên Tân (112).

Vì sao hiện tượng các quan chức bán tháo nhà lại đột nhiên diễn ra ồ ạt như thế? Đó là vì mấy tháng trước, tin tức về Thái Bân, một cán bộ cấp trưởng phòng cơ quan KTKL khu ủy Phiên Ngu, Quảng Châu lương 10 ngàn tệ/tháng mà có tới 21 ngôi nhà trị giá 40 triệu tệ lan tràn trên mạng.

Thành ủy Quảng Châu cho điều tra, kết quả cho thấy Thái Bân có 22 nhà. Sự kiện này đã kéo theo các cuộc điều tra về nhà ở của quan chức tại các địa phương và liên tiếp có nhiều siêu quan tham về địa ốc bị lôi ra ánh sáng.

Mới đây nhất, ngày 18-1, báo chí đã đưa tin về Củng Ái Ái – phó giám đốc Ngân hàng thương mại nông thôn huyện Thần Mộc, đại biểu HĐND thị xã Du Lâm, tỉnh Thiểm Tây có tới hơn 20 ngôi nhà trị giá hàng tỷ tệ ở Bắc Kinh.

Vào trung tuần tháng 12, UBKTKLTW, Văn phòng TW, Ban Tổ chức TW cũng đã cho gọi hơn 120 quan chức cấp cao đương nhiệm lên gặp gỡ, đối thoại, nhắc nhở họ và người thân ngừng ngay việc bán tháo nhà, bán dưới tên giả, giấu tên…

Sau khi bán nhà, số tiền này sẽ được chuyển bất hợp pháp ra nước ngoài, tạo nên hiện tượng chảy máu dòng vốn.

Thông báo trên đây của UBKTKLTW cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2010 có tới 412 tỷ USD bị chuyển bất hợp pháp từ Trung Quốc ra bên ngoài, năm 2011 số tiền này là 600 tỷ, năm 2012 đã vọt lên trên 1.000 tỷ và năm 2013 dự tính quy mô chảy máu tiền vốn sẽ lên tới 1.500 tỷ USD.
 
Theo Thu Thủy
Tiền Phong/Tân Hoa xã và Dahe

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm