1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tổng cục Thi hành án dân sự “than” khó thu hồi tài sản các vụ tham nhũng

(Dân trí) - Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) vừa liệt kê hàng loạt khó khăn rất lớn khi tiến hành thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng, trong đó có việc số tiền phải thi hành án rất lớn nhưng tài sản để bảo đảm thi hành án có giá trị rất nhỏ, không đủ thi hành nghĩa vụ mà bản án đã tuyên.

Hơn 9.000 tỷ đồng trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như đang không có khả năng thi hành án (Ảnh: Trung Kiên)
Hơn 9.000 tỷ đồng trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như đang không có khả năng thi hành án (Ảnh: Trung Kiên)

Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) vừa cho biết, 2016 là năm đầu tiên tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự theo Nghị quyết số 111/2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, TAND và công tác thi hành án năm 2016 và năm thứ hai triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

Thi hành án dân sự nói chung, thi hành án các vụ việc tham nhũng, thu hồi tiền, tài sản cho nhà nước nói riêng ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của dư luận xã hội và người dân. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm và thường xuyên chỉ đạo, yêu cầu báo cáo tình hình, kết quả thi hành án các vụ việc loại này.

“Trong thực tế, số việc thi hành án dân sự các vụ án thuộc nhóm tội tham nhũng không nhiều. Một số vụ việc thi hành án nổi cộm gần đây, được dư luận xã hội quan tâm không phải tất cả đều là án tham nhũng, mà chủ yếu là các vụ việc liên quan đến các tội phạm về kinh tế, với các tội danh như cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, trong đó nổi lên một số vụ việc điển hình như: vụ Phạm Thanh Bình (Vinashin), vụ Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên), vụ Vũ Quốc Hảo (Công ty Đầu tư tài chính ALC II), vụ Huỳnh Thị Huyền Như (Vietinbank)…”- đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự thông tin với PV Dân trí.

Theo đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự, ngoài việc bị tuyên phạt các hình phạt nghiêm khắc (tử hình, chung thân, tù giam), người phải thi hành án trong các vụ án trên còn phải thi hành phần trách nhiệm dân sự với giá trị phải thi hành rất lớn, có trường hợp số tiền phải thi hành án lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Nhận thức rõ việc thi hành án để thu hồi tiền, tài sản tham nhũng, tài sản cho nhà nước trong các vụ án nêu trên là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, nhằm khắc phục hậu quả do tham nhũng, vi phạm pháp luật gây ra, góp phần đắc lực vào công tác đấu tranh chống tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân và công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong thời gian qua, các cơ quan thi hành án dân sự luôn chú trọng, chỉ đạo sát sao các chấp hành viên trong việc tổ chức thi hành các vụ việc loại này. Các chấp hành viên cũng đã tích cực đôn đốc, xác minh, áp dụng các biện pháp thi hành án phù hợp để thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước ở mức cao nhất.

Tổng cục Thi hành án dân sự đánh giá, kết quả thi hành án các vụ án tham nhũng, thu hồi tiền, tài sản cho nhà nước đã có những chuyển biến nhất định; nhận thức của các cấp ngành, lãnh đạo và Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự về trách nhiệm của mình trong việc tổ chức thi hành án các vụ việc loại này ngày càng được nâng lên. Nhiều nơi đã thành lập Tổ, Nhóm chỉ đạo thi hành án, lập kế hoạch giải quyết đối với từng vụ việc; nhiều tài sản kê biên để bảo đảm thi hành án đã được tập trung xử lý; định kỳ hàng tháng báo cáo tiến độ, kết quả thi hành án bảo đảm đúng yêu cầu của Tổng cục Thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, cơ quan này thừa nhận việc thi hành án các vụ việc loại này vẫn còn những hạn chế tồn tại, chưa đáp ứng yêu cầu. Số tiền thu được còn quá ít so với tổng số phải thi hành; một số trường hợp xử lý tài sản để thi hành án còn chậm. Trong số rất nhiều nguyên nhân, tồn tại dẫn tới thực trạng này, Tổng cục Thi hành án dân sự cho rằng để thu được tiền, tài sản thi hành án, cơ quan thi hành án phải tiến hành xử lý các tài sản đã được các cơ quan tiến hành tố tụng kê biên, đồng thời xác minh, truy tìm tài sản khác của đương sự để xử lý đảm bảo thi hành án.

“Nhiều vụ việc số tiền phải thi hành án lớn, nhưng tài sản để bảo đảm thi hành án có giá trị rất nhỏ, không đủ thi hành nghĩa vụ mà bản án đã tuyên. Ví dụ, việc thi hành án đối với Dương Chí Dũng trong vụ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), theo quyết định của bản án thì Dương Chí Dũng và đồng bọn phải liên đới bồi thường cho Vinalines trên 358 tỷ đồng (chia theo phần thì Dương Chí Dũng phải nộp 110 tỷ đồng) nhưng quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án đã xử lý tài sản mới kê biên và thu được trên 14 tỷ đồng, trong khi nghĩa vụ thi hành án của Dương Chí Dũng còn rất lớn”- một lãnh đạo Tổng cục Thi hành án nói.

Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines - đã bị kết án tử hình vì tội tham ô tài sản nhà nước.
Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines - đã bị kết án tử hình vì tội tham ô tài sản nhà nước.

Bên cạnh đó, hầu hết đương sự phải thi hành án phần trách nhiệm dân sự trong các vụ việc loại này phải chấp hành hình phạt tù với thời hạn dài, thậm chí bị tuyên án tử hình. Nhiều trường hợp không có tài sản, tiền, thu nhập để thi hành án hoặc gia đình, người thân không có khả năng hỗ trợ thi hành án.

Việc xác minh điều kiện thi hành án, ngoài các tài sản đã được kê biên, tuyên xử lý trong bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự khó có thể xác minh được thêm tài sản hoặc nguồn thu nhập khác, vì tội phạm tham nhũng thường tìm mọi cách để tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản. Trong khi đó, cơ quan thi hành án dân sự chỉ có thể căn cứ vào tình trạng pháp lý hiện hành của tài sản để xử lý mà không có thẩm quyền điều tra, chứng minh nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có.

Hơn nữa, cơ chế quản lý tài sản ở nước ta hiện nay còn thiếu minh bạch, các giao dịch kinh tế, dân sự hiện nay vẫn chủ yếu được thực hiện bằng hình thức thanh toán tiền mặt, do đó khó kiểm soát được thu nhập, tài sản của tổ chức, cá nhân và cũng gây khó khăn cho việc áp dụng các biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản của cơ quan có thẩm quyền.

Một số trường hợp, công tác phối hợp trong thi hành án dân sự hiệu quả chưa cao, trong đó có việc chậm chuyển giao biên bản và tài liệu liên quan đến tài sản kê biên bảo đảm thi hành án trong giai đoạn tố tụng, ví dụ như vụ Huỳnh Thị Huyền Như. Hoạt động hợp tác quốc tế trong việc thi hành án có yếu tố nước ngoài nói chung và trong truy tìm, xử lý tài sản bảo đảm thi hành án dân sự ở nước ngoài nói riêng còn chưa cụ thể, thậm chí chưa có quy định, dẫn đến công tác phối hợp, tổ chức thực hiện gặp khó khăn, lúng túng.

Tổng cục Thi hành án dân sự cho rằng cần phải nhận diện đầy đủ, chính xác những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thi hành án dân sự nói chung, trong thi hành án các vụ án tham nhũng, thu hồi tiền, tài sản cho nhà nước nói riêng để giúp các chủ thể có liên quan đưa ra các biện pháp, giải pháp hữu hiệu trong chỉ đạo cũng như tổ chức thực hiện tốt các nhiệm được giao, qua đó có thể sớm thu hồi tiền, tài sản cho nhà nước, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và kéo giảm số việc và tiền phải thi hành án, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng.

Trao đổi với PV Dân trí cách đây không lâu, ông Hoàng Sỹ Thành – Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho rằng, một số trường hợp, việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, kê biên tài sản của người phạm tội trong giai đoạn tố tụng chưa kịp thời, có trường hợp đã tẩu tán hết tài sản hoặc số tiền phải thi hành lớn nhưng tài sản để bảo đảm thi hành án có giá trị rất nhỏ, không đủ bảo đảm thi hành án. Ví dụ như vụ Huyền Như, theo quyết định của bản án thì tổng số tiền phải thi hành là gần 14.000 tỷ đồng, nhưng ước tính sơ bộ, tài sản bản án kê biên, phong tỏa để bảo đảm thi hành án chỉ có khoản trên 500 tỷ đồng; trường hợp Phạm Thanh Bình - nguyên Chủ tịch Vinashin, Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Vinashin, cơ quan thi hành án đã xử lý tài sản thi hành được trên 2 tỷ đồng, số tiền còn lại phải thi hành trên 1.000 tỷ đồng cơ quan thi hành án đã ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án, vì đương sự chưa có điều kiện thi hành.

Bên cạnh đó, tình trạng án tuyên không rõ, khó thi hành hoặc khi chuyển giao bản án, cơ quan thi hành án dân sự chưa nhận được đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến tang vật, tài vật của vụ việc (ví dụ như vụ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Đắk Lắk, vụ Huỳnh Thị Huyền Như), mặc dù cơ quan thi hành án có nhiều văn bản và trực tiếp làm việc nhưng chưa nhận được giấy tờ liên quan để có đầy đủ căn cứ xử lý tài sản theo quy định.

Cũng có trường hợp, theo ông Thành, bản án tuyên kê biên tài sản nhưng tài sản kê biên thuộc diện tài sản chung của bị án với người khác (ví dụ như vụ Nguyễn Đức Kiên); tài sản chưa thuộc sở hữu riêng của bị án (ví dụ như vụ Huỳnh Thị Huyền Như - tài sản mua của dự án nhưng chưa thanh toán đủ tiền mua tài sản).

Thế Kha