1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Vụ “xà xẻo” tiền cứu trợ lũ quét tại Hà Tĩnh:

Lập khống hồ sơ, “ăn” tiền xây trường học

(Dân trí) - Một công trình đang trong quá trình xây dựng thì bị đổ sập, nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng của lũ quét. Tranh thủ cơ hội, nhiều cán bộ huyện, xã đã lập khống hồ sơ, số liệu thiệt hại để tư lợi; bộ phận giám sát cấu kết với chủ đầu tư và nhà thầu, bớt xén khối lượng nhằm rút tiền bỏ túi.

Rủ nhau tăng khống khối lượng, bớt xén công trình

 

Công trình nhà 2 tầng Trường Tiểu học Sơn Ninh, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) được UBND huyện phê duyệt đầu tư xây dựng tại Quyết định số 245/QĐUB, ngày 25/4/2002. Công trình sau khi xây dựng xong phần thô thì gặp sự cố bị đổ sập một phần. Nguyên nhân được chủ đầu tư và đơn vị thi công xác định là do lũ quét gây ra.

 

Trên thực tế, công trình này chỉ bị hư hỏng 6 trụ (bê tông) chính và 2 trụ phụ. Thế nhưng, ngày 30/9/2002, ông Đinh Nho Giảng thay mặt Phòng Giao thông - Xây dựng huyện đã cùng UBND xã lập biên bản xác nhận khối lượng thiệt hại tăng khống.

 

Với căn cứ bản xác nhận này và qua kiểm tra sơ bộ, ngày 10/10/2002, Công ty Tư vấn đầu tư - thiết kế Hà Nội cho rằng, có 8 trụ chính và 2 trụ phụ bị hư hỏng hoàn toàn, đồng thời lập hồ sơ dự toán thiết kế tổng kinh phí khắc phục là hơn 191 triệu đồng, đề nghị xây dựng bổ sung phần kè xung quanh khu nhà.

 

Ngày 17/10/2002, ông Nguyễn Đình Công, Phó Trưởng phòng Giao thông - Xây dựng, được UBND huyện giao nhiệm vụ thẩm định dự toán - thiết kế. Qua thẩm định hồ sơ thiết kế và các văn bản xác minh, ông Công phát hiện dự toán đã lập thừa 2 trụ chính (thực tế không bị thiệt hại, hư hỏng) và mức đầu tư chỉ hơn 170 triệu đồng.

 

Công ty TNHH Đồng Tâm (Nghệ An) là đơn vị thi công, trong quá trình xây dựng công trình đã tự ý thay đổi thiết kế. Để làm được điều này, ông Đặng Tiến Học, cán bộ Giao thông - Xây dựng xã và ông Nguyễn Văn An, cán bộ Phòng Giao thông - Xây dựng huyện đã cấu kết với ông Nguyễn Xuân Hòa (cán bộ kỹ thuật của nhà thầu) bớt xén, cắt bỏ một số hạng mục. Trong tổng số 6 trụ chính và 2 trụ phụ, họ chỉ cho khắc phụ lại 3 trụ chính và 1 trụ phụ. Ngoài ra, phần đào đất, san lấp, kè, xây thô cũng được các vị này kê khống để quyết toán.

 

Với vai trò là Chủ tịch UBND xã (đại diện chủ đầu tư), ông Nguyễn Hữu Đoan đã buông lỏng quản lý, cố ý làm trái và cùng ông Đinh Nho Giảng, Đặng Tiến Học lập các văn bản xác định khối lượng thiệt hại không đúng thực tế, trực tiếp ký các văn bản nghiệm thu tăng khống đưa vào quyết toán, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục triệu đồng.

 

Kẻ có tội nhởn nhơ, người vô tội bị... kỷ luật

 

Với việc cố ý làm trái như vậy, đại diện một số cha mẹ học sinh đã có đơn thư gửi các cơ quan chức năng để tố cáo hành vi tham nhũng này. Đầu tháng 4/2005, Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đã cử một tổ công tác trực tiếp về địa phương xác minh vụ việc.

 

Qua kiểm tra sơ bộ, Tỉnh uỷ phát hiện và khẳng định: Ông Phan Cao Oánh, Trưởng Phòng Tài Chính - Kế hoạch đã cùng một số cộng sự đề nghị UBND huyện mà người trực tiếp là ông Chủ tịch huyện Nguyễn Khắc Thứ, phê duyệt quyết toán khống, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 109 triệu đồng; ông Nguyễn Văn An, Đinh Nho Giảng, Nguyễn Hữu Đoan và Đặng Tiến Học lập văn bản nghiệm thu tăng khống, xác định sai khối lượng thiệt hại, làm thất thoát của Nhà nước hơn 56 triệu đồng.

 

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, những đối tượng trên vẫn nhở nhơ ngoài vòng pháp luật. Những cá nhân như ông Oánh, ông An, ông Giảng sau khi đã có kết luận sai phạm vẫn giữ các chức vị quan trọng trong bộ máy chính quyền huyện.

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Công, người đã phát hiện việc khai khống khối lượng, thu lợi về cho Nhà nước hơn 20 triệu đồng khi thẩm định dự toán thiết kế, lại bị Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ đề nghị kỷ luật vì tội “thiếu trách nhiệm trong việc xác minh mức độ thiệt hại công trình Trường Tiểu học Sơn Ninh” (trên thực tế, ông Công không có tên trong thành phần xác minh nội dung này).

 

Sau khi có Thông báo số 454/CVKT của Ban thường vụ Huyện uỷ yêu cầu xử lý kỷ luật ông Công, ngày 15/5/2005, Chi bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường (lúc này ông Công đã chuyển sang làm việc tại phòng này) đã tổ chức hội nghị và có văn bản số 01 BB/CB (100% số phiếu tán thành) đề nghị Huyện uỷ không xử lý kỷ luật đối với ông Công. Song không hiểu sao Uỷ ban kiểm tra Huyện uỷ, Tỉnh uỷ vẫn khẳng định ông Công có sai phạm. Quá bức xúc, ông Công cho rằng “việc làm này rõ ràng là hành động mang tính chụp mũ, trừng phạt chứ không phải giáo dục đảng viên”.

 

Được biết, trước đó ông Nguyễn Đình Công đã có ý kiến (bằng văn bản) đề nghị các cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm bộ phận giám sát, thẩm định thiệt hại (một số cán bộ UBND huyện), đơn vị thi công (Công ty Đồng Tâm) và chủ đầu tư (UBND xã) nhưng đã bị từ chối.

 

Phải chăng, chính vì ông Công đã phát hiện ra sai phạm và thẳng thắn đề nghị truy cứu các các cá nhân đương quyền nên bị kỷ luật “ép”?

 

Phong Hàn