1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ “xà xẻo” tiền cứu trợ tại Hà Tĩnh:

Lời hứa của ông Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh

(Dân trí) - Vụ “xà xẻo” tiền cứu trợ lũ quét tại Hương Sơn, Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những vụ án tham nhũng “điểm” của năm nay. Bất chấp tính chất sai phạm nghiêm trọng, vụ việc vẫn bị “ngâm bùn” hơn 4 năm qua. Ông Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Đàn thì vẫn hứa sẽ có kết luận và xử lý nghiêm khắc vụ việc trước ngày 15/10.

Chính phủ kiên quyết, tỉnh chây ỳ!

 

Sau khi vụ việc được dư luận phanh phui, xét thấy tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã 2 lần có công văn chỉ đạo, đôn đốc, yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm khắc.

 

Cùng với các vụ án PMU 18, vụ Nguyễn Đức Chi lừa đảo dự án tại Khánh Hòa, vụ Nguyễn Lâm Thái lừa đảo liên quan hàng chục bưu điện, vụ tham nhũng đất đai Đồ Sơn, vụ tham nhũng 24,4 tỷ đồng tiền cứu trợ lũ quét tại Hương Sơn cũng được đánh giá là một vụ án “điểm”, được dư luận đặc biệt quan tâm. Song trong khi các vụ khác đã và đang được xử nghiêm thì vụ “xà xẻo” vẫn đang có nguy cơ tiếp tục “chìm xuồng”.

 

Thực hiện văn bản chỉ đạo ngày 25/8 của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Bộ Công an đã giao Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo Cục C15 phối hợp Công an Hà Tĩnh điều tra, làm rõ. Thế nhưng, thực tế chỉ có một số cán bộ ở Cục C15 về Hà Tĩnh, sau mấy ngày ăn nghỉ tại đây, được địa phương đưa đi... tham quan, rồi rút quân êm đẹp (?!)

 

Tại văn bản chỉ đạo thứ 2 (ngày 21/9), Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Chất phải xử lý nghiêm. Đến nay, nội dung này vẫn bị làm lơ. Hai nhân vật cộm cán liên quan là ông Nguyễn Khắc Thứ, nguyên Chủ tịch UBND huyện và ông Phan Cao Oánh, nguyên Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch cùng 10 cộng sự khác có sai phạm nghiêm trọng, vẫn ung dung, nhởn nhơ, thách thức dư luận và pháp luật.

 

Sợ “rút dây động rừng”?

 

Vì sao vụ việc lại rơi vào sự im lặng như vậy? Phải chăng vì tính chất “nhạy cảm” của vụ án. Theo một thông tin đáng tin cậy, một trong số 12 trường hợp có sai phạm nêu trên đã “dọa” trước báo chí: “Nếu khởi tố, tao khai ra cả loạt quan chức thì tha hồ mà đi tù”.

 

Lật lại hồ sơ vụ “xà xẻo” tiền cứu trợ lũ quét lưu cữu từ 4 năm qua, chúng tôi biết rằng đó không phải là một câu “dọa” vô căn cứ. Đã có đến 5 kết luận của cơ quan chức năng trước đây về những việc liên quan đến tiền và hàng cứu trợ nhưng không hề được xử lý. 5 kết luận đó tất nhiên có liên quan đến các cơ quan chính quyền địa phương, đều có “vấn đề” cả!

 

Thực tế, một vụ việc nghiêm trọng khi đã được “ém” thì đều có lý do phía sau. Dư luận Hà Tĩnh đang đặt câu hỏi: Có hay không sự lo ngại “rút dây động rừng”?

 

Như chúng ta đã biết, vụ “quan ăn đất” ở Đồ Sơn, Hải Phòng, địa phương đã bất lực, ám nhẹm. Vụ việc chỉ được làm rõ khi các cơ quan ở Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao thực sự vào cuộc, làm rõ từ đầu. Do vậy, vụ việc này nếu vẫn giao cho Công an Hà Tĩnh xử lý thì rõ ràng đã quá tầm.

 

Nên chăng, Bộ Công an nên trực tiếp giao CQĐT của Bộ làm rõ, chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao truy tố, mới mong hoàn thành tốt chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.

 

Kỳ họp thứ 10 sắp khai mạc, mới đây một số đại biểu Quốc hội đề nghị chúng tôi cung cấp tài liệu để đưa vấn đề ra diễn đàn Quốc hội. Rõ ràng, vụ việc đã lên đến đỉnh điểm, Quốc hội mổ xẻ là cần thiết nhưng với “vùng cấm Hà Tĩnh”, chúng ta nghĩ và xử lý thế nào?

 

Lại nhớ lại lời hứa của ông Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Chả biết bao giờ mới thành hiện thực!

 

Trần Đức - Đăng Trường