Hương Sơn, Hà Tĩnh:

Dân bất bình với kết luận thanh tra vụ “xà xẻo” tiền cứu trợ

(Dân trí) - Hay tin thanh tra tỉnh về thông báo nội dung kết quả thanh tra vụ “xà xẻo” tiền cứu trợ lũ quét 2002 tại địa phương, ngày 15/11, hàng trăm người dân Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã đến UBND huyện, háo hức chờ đợi. Song một lần nữa, cách xử lý của cơ quan chức năng lại khiến họ thất vọng.

Dân muốn nghe phải có... giấy giới thiệu (!?)

 

Có lẽ chưa bao giờ người dân Hương Sơn lại háo hức như thế. Chiều ngày 15/11, sau hai tháng mòn mỏi chờ đợi, nhân dân hay tin tỉnh sẽ về huyện công bố kết quả thanh tra vụ “xà xẻo” tiền cứu trợ trận lũ quét năm 2002. Rất nhiều người dân là thương binh, cựu chiến binh, hưu trí, nông dân ở các xã vùng, sâu xa của huyện đã không quản xa xôi đến chầu chực tại cổng UBND huyện từ rất sớm.

 

Nhưng thay vì công khai rộng rãi bản kết luận như lời hứa của ông Bí thư Tỉnh uỷ (tại buổi nói chuyện ngày 28/9/2006 với cán bộ cốt cán huyện Hương Sơn - PV), buổi thông báo này lại đựơc tổ chức họp kíp, mang tính nội bộ tại hội trường UBND huyện Hương Sơn.

 

Mở đầu buổi làm việc, ông Thái Văn Sinh, Chánh Thanh tra Nhà nước tỉnh (trưởng đoàn) căn dặn những người có mặt trong hội trường: “Đề nghị các đồng chí không được bình luận việc đúng sai của nội dung kết luận mà chỉ lắng nghe thôi. Tôi biết, Tỉnh uỷ sẽ có buổi làm việc với báo chí riêng nên hôm nay nếu có phóng viên, nhà báo nào ở đây thì thông cảm ra ngoài cho...”.

 

Những người dân bày tỏ mong muốn được vào trong hội trường nghe thì bị yêu cầu trình… giấy giới thiệu. Không còn cách nào khác, người dân buộc phải đứng ngồi la liệt bên ngoài hành lang, chờ đợi.

 

“Đề nghị rút kinh nghiệm”

 

Nội dung bản kết luận dài gần 40 trang, do ông trưởng phòng Thanh tra kinh tế (thuộc Thanh tra tỉnh) đọc trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ. Ngoài những phần hoan nghênh sự tích cực, năng nổ của chính quyền trong việc khắc phục hậu quả lũ lụt 2002, bản kết luận cũng thừa nhận một số sai phạm của huyện Hương Sơn trong vấn đề cấp phát tiền và hàng cứu trợ. Một số địa phương tự tiện bán hàng chục tấn gạo cứu đói của nhân dân làm đường, xây trụ sở uỷ ban; có nơi lấy tiền cứu trợ để trả nợ xây dựng các công trình cơ bản là chưa đúng, đề nghị rút kinh nghiệm khắc phục (!).

 

Về cá nhân, ông Nguyễn Khắc Thứ (nguyên Chủ tịch UBND huyện), ông Phan Cao Oánh (nguyên Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch) và một số nhân vật khác có sai phạm nhất định như chi sai nguyên tắc, gây dị nghị trong nhân dân và dư luận,... bản kết luận đề nghị thu hồi lại tiền đã chi sai về ngân sách Nhà nước và khắc phục hậu quả...

 

Thông qua nội dung này, bản kết luận khẳng định: Hoàn toàn không có việc “xà xẻo” (?). Lạ hơn nữa, phần cuối bản kết luận không có một dòng nào kiến nghị cơ quan điều tra xử lý hình sự. UBND tỉnh lại yêu cầu Huyện uỷ Hương Sơn xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Khắc Thứ, trong khi ông Thứ hiện là Phó Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo (trực thuộc UBND tỉnh). Vậy là một lần nữa, tỉnh Hà Tĩnh lại xui “chuột bắt mèo”.

 

Sau khi ông trưởng phòng đọc xong toàn văn kết luận, nhiều ý kiến xì xào tỏ ra không đồng tình và muốn phát biểu ý kiến. Ông Nguyễn Mạnh Cường, cán bộ thanh tra huyện, bức xúc cho rằng, vụ việc cho thấy đã có dấu hiệu tham nhũng nên không thể xử lý hành chính được mà phải xử lý hình sự. Ông Cường cũng đề nghị đoàn cho biết vì sao ông Hà Văn Thạch, nguyên Bí thư Huyện uỷ (nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) là người chỉ đạo trực tiếp vụ việc này lại không thấy nhắc đến.

 

Dân bất bình, “quan” nhậu nhẹt 

 

Tại hành lang UBND huyện, chúng tôi đã có buổi trao đổi nhanh với một số cán bộ giáo chức, hưu trí, cựu chiến binh có mặt. Ông Lê Khánh Bồn, một cựu chiến binh ở khối 9, thị trấn Phố Châu cho biết: “Theo lịch, hôm nay Chi hội cựu chiến binh chúng tôi sẽ tổng kết và liên hoan. Nhưng biết tỉnh về công bố kết quả thanh tra nên chúng tôi phải tổ chức sớm hơn dự định để kịp tham dự buổi công bố này. Nhưng họ đã làm chúng tôi thất vọng quá”.

 

Ông Trần Đình Phi, thương binh 1/4 phân trần: “Chúng tôi tưởng đến đây để nghe kể tội những người đã “xà xẻo” tiền, gạo của chúng tôi, ai ngờ họ lại đi tuyên dương công trạng. Thật là nực cười!”.

 

Tương tự, ông Nguyễn Đình Bính, cán bộ thanh tra nhân dân xã Sơn Thịnh tỏ ra thất vọng: “Một đoạn mương dài 30 m, khai lên 120 m để lấy 90 m chia chác nhau “ăn”, lại bảo là không có tham nhũng. Thanh tra mà nói như thế thì ai mà nghe cho được. Họ muốn “lấp” vụ này, không được đâu. Tỉnh làm không ra trò, chúng tôi phải kêu đến Trung ương”.

 

Thất vọng trước nội dung bản kết luận và và thái độ tiếp dân của Thanh tra Hà Tĩnh, những người dân ấm ức ra về. Trong lúc đó, tất cả 8 thành viên trong đoàn thanh tra được huyện tổ chức thiết đãi long trọng với tiết canh và thịt dê thui. Cán bộ thanh tra và các đối tượng bị thanh tra cùng ngồi chung mâm, tươi cười chúc tụng nhau.

 

Một người dân bất bình: “Ăn như thế thì công minh sao được”. Còn một cán bộ UBND huyện có tâm đã từ chối bữa nhậu, thẳng thắn thể hiện quan điểm: “Nuốt sao được chú. Không làm được gì cho dân, sao lại đành lòng mà ăn của dân”.

 

Ngàn Phố