1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Vụ “xà xẻo” tiền cứu trợ tại Hà Tĩnh:

5 hành vi sai phạm hoàn toàn có thể khởi tố

(Dân trí) - Vụ “xà xẻo” tiền, hàng cứu trợ lũ quét tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đang được dư luận xem là 1 trong 5 vụ án “điểm” của cả nước về chống tham nhũng. Tuy nhiên, đến nay vụ án vẫn chưa được khởi tố để điều tra, truy tố trước pháp luật vì Trưởng phòng PC15 công an Hà Tĩnh cho rằng chưa đủ yếu tố để khởi tố!

Vậy những hành vi sai phạm nào liên quan đến việc tiếp nhận, quản lý, phân phối và sử dụng nguồn tiền, hàng cứu trợ khắc phục hậu quả lũ quét năm 2002 tại huyện Hương Sơn có thể khởi tố, điều tra? Chúng tôi xin phân tích các căn cứ dựa trên những quan điểm của một số luật gia:

 

Hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng: Theo tài liệu của Phòng cảnh sát kinh tế công an tỉnh Hà Tĩnh, trong tổng số hơn 5,6 tỷ đồng được phân bổ để chi cho các mục đích cứu trợ xã hội khẩn cấp sau lũ, UBND huyện Hương Sơn đã buông lỏng quản lý mặc cho một số cán bộ chi vào mục đích khác. Trong đó, một khoản lớn đã chi cho làm đường, tiếp khách trái quy định.

 

Đặc biệt, có tới hơn 2 tỷ đồng được thanh toán “trao tay” cho một số cán bộ huyện, xã. Chính việc “thanh toán nội bộ” này đã khiến nguồn tiền cứu trợ bị sử dụng sai mục đích, bị một số cán bộ trục lợi, xà xẻo.

 

Hành vi này là cố ý làm trái, hậu quả không những thiệt hại nghiêm trọng về vật chất mà thiệt hại về tinh thần là không thể tính toán được. Trong thời điểm nạn nhân lũ quét cực kỳ đói kém, đồng bào cả nước đã nhường cơm sẻ áo giang tay cứu trợ thì một số “quan huyện”, “quan xã” tại Hương Sơn đã thừa cơ làm trái để trục lợi. Hành vi “ăn chặn” trên nỗi đau của đồng bào này thể hiện sự vô ơn đối với hàng triệu tấm lòng hảo tâm từ khắp nơi trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

 

Hành vi tham ô tài sản: Việc ghi khống 1 tỷ đồng sửa đường Hồ Chí Minh trong khi thực tế việc sửa đường Hồ Chí Minh đã được Bộ GTVT chi cho thấy đây là thủ đoạn nhằm chiếm đoạt tài sản. Chỉ khi cơ quan chức năng phát hiện, yêu cầu thu hồi, các đối tượng mới chịu nộp lại. Việc nộp lại khoản tiền là sau khi bị phát giác, tức tội phạm đã hoàn thành, không thể nói nộp lại thì không phạm tội!

 

Hành vi tham ô còn thể hiện rõ trong nâng khống, quyết toán khống hơn 100 triệu đồng sửa chữa trường học và trạm bơm điện Sơn Ninh. Sai phạm này đã có kết luận rõ, liên quan tới 10 vị “quan huyện” và “quan xã”.

 

Hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng: Người đứng đầu UBND huyện thời kỳ đó là ông Nguyễn Khắc Thứ đã không kiểm tra, để cấp dưới lộng hành, làm trái quy định. Đồng thời, cơ quan kiểm tra các cấp cũng đã cố tình làm ngơ, không xử lý đến nơi, đến chốn. Sau khi vụ việc tiêu cực bị vỡ lở, các đoàn thanh tra vào cuộc kết luận có sai phạm nhưng người sai phạm vẫn tiếp tục thăng quan, tiến chức. Với vị trí cao hơn, các vị “quan” này lại hô hào chống tiêu cực, chống tham ô, trong khi vụ “xà xẻo” tiền cứu trợ của đồng bào bị nạn thì bị “ngâm bùn”!

 

Ngoài ra, Điều 169 - Bộ luật Hình sự cũng quy định cụ thể tội “Cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ”. Theo khoản 2 Điều này, khung hình phạt tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ có thể bị phạt đến 5 năm tù giam.

 

Hành vi bao che tham nhũng và “ém” án: Theo tài liệu của Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC 15) công an Hà Tĩnh, việc sử dụng nguồn tiền, hàng cứu trợ tại huyện Hương Sơn có nhiều sai phạm nghiêm trọng, thể hiện hành vi tham ô, biển thủ tiền ngân sách và “xà xẻo” tiền cứu trợ của nhân dân bị nạn. Thế nhưng, ông Nguyễn Hải Sơn, Trưởng phòng PC 15, đã làm đến 2 bản báo cáo, mỗi báo cáo lại có một hướng xử lý khác nhau!

 

Kết luận của ông Sơn đưa ra vào tháng 6/2004, tức là trước thời điểm Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 có hiệu lực thi hành. Theo Pháp lệnh cũ, các phòng trinh sát như PC 15, PC 14 vừa có chức năng trinh sát, đồng thời cũng có quyền khởi tố vụ án, điều tra ban đầu, sau đó chuyển hồ sơ vụ việc cho Phòng PC 16 (Cảnh sát điều tra). Ngay cả Hải quan, Bộ đội Biên phòng cũng được giao quyền hạn này. Thế nhưng, ông Hải Sơn đã không khởi tố, quy mọi nguyên nhân cho cấp trên (Ban Giám đốc). Theo giải thích của ông Sơn có thể hiểu: vì Ban giám đốc không “động tĩnh” gì nên vụ án không được khởi tố!

 

Nghiên cứu kỹ hồ sơ và theo dõi sát các diễn biến của vụ việc này, một luật gia cho rằng, với tính chất nghiêm trọng và mức độ “nhạy cảm” của vụ việc, đáng lẽ ra vụ việc cần được khởi tố điều tra và đưa ra truy tố trước pháp luật ngay sau khi PC 15 vào cuộc. Để vụ án dây dưa đến nay (4 năm sau trận lũ quét) là quá chậm trễ, những kẻ sai phạm sẽ tìm mọi cách xóa dấu vết tội lỗi, công tác điều tra sẽ khó khăn hơn.

 

Dư luận cả nước vẫn đang trông chờ vào một bản kết luận mới khách quan và nghiêm khắc hơn của đoàn thanh tra liên ngành. Khi đó việc có quyết định khởi tố vụ án để điều tra, truy tố hay không sẽ lại được trao về PC 15 công an Hà Tĩnh!

 

Đăng Trường - Trần Đức