Ngày quốc tế người cao tuổi (1/10): “Để không ai cô đơn trong tuổi già”

(Dân trí) - “Việt Nam có 10 % dân số là người cao tuổi. Trong đó, khoảng 10.000 cụ đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm chăm sóc. Làm sao để phát huy được truyền thống hiếu nghĩa, kính lão đắc thọ là điều trân quý mà mỗi người đều phải luôn nhớ và khắc ghi”.


Bộ trưởng Bộ Đào Ngọc Dung tặng quà tới cụ Nguyễn Thị Viễn, 105 tuổi.

Bộ trưởng Bộ Đào Ngọc Dung tặng quà tới cụ Nguyễn Thị Viễn, 105 tuổi.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì người cao tuổi Việt Nam phát biểu tại buổi đến thăm và tặng quà các cụ cao tuổi đang được chăm sóc tại Trung tâm điều dưỡng người cao tuổi Tuyết Thái (Đông Anh, Hà Nội) chiều 29/9.

Khẳng định truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Truyền thống của người Việt Nam là kính lão đắc thọ, tôn kính cha mẹ. Thời gian qua Đảng và Nhà nước luôn biết ơn và ghi nhớ trách nhiệm người cao tuổi. Nhiều chủ trương và chính sách để chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi Việt Nam, nhằm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi”.

Người cao tuổi Việt Nam đã được hưởng nhiều chính sách như về chăm sóc sức khỏe, bảo trợ xã hội, chúc thọ và mừng thọ, các hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục, giải trí, du lịch, giảm giá vé khi tham gia giao thông...

Theo Bộ LĐ-TB&XH, một số nhóm người cao tuổi đặc biệt khó khăn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, như: Người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, người từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội còn được hưởng trợ cấp hàng tháng với mức tối thiểu 270.000 đồng/tháng; người cao tuổi nghèo cô đơn không người phụng dưỡng đủ tiêu chuẩn được nuôi dưỡng trong các trung tâm bảo trợ xã hội của nhà nước tại địa phương.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, để mô hình tư nhân chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phát triển và phần nào giảm sức ép lên hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện nay, Nhà nước cần có thêm chính sách cơ bản như khuyến khích phát triển các loại hình trung tâm bảo trợ của doanh nghiệp, tập đoàn; tạo cơ chế nhất định về thuế, đất đai; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; tăng cường phối hợp giữa các trung tâm trên địa và cơ quan quản lý nhà nước nhằm đạt hiệu quả chung.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, các nhóm chính sách mới chỉ đáp ứng được phần nào cuộc sống của người cao tuổi, đặc biệt là chính sách bảo trợ xã hội mới chỉ tập trung vào nhóm người cao tuổi đặc biệt khó khăn.

Thống kê mới nhất của ngành bảo trợ xã hội cho thấy, nhu cầu của người cao tuổi được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các trung tâm rất lớn. Nhưng khả năng đáp ứng của các trung tâm bảo trợ xã hội của Nhà nước còn hạn chế.

Cả nước mới có khoảng 100 trung tâm chăm sóc người cao tuổi của Nhà nước, tư nhân. Mỗi trung tâm chỉ tiếp nhận tối đa được từ vài chục tới hơn 100 người cao tuổi.

“Nhiều cụ đã có con cái thành danh và lập gia đình riêng. Nhiều cụ có con cái đầy đủ điều kiện vật chất. Nhưng nhiều cụ vẫn chọn về nơi an dưỡng để tìm cho cái riêng cho mình, tìm sự yên tĩnh của tuổi già cũng như bầu bạn. Đây là lý do chính đáng. Nhiều cụ cũng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều cụ chia sẻ rằng sẽ ở đây tới khi nhắm mắt xuôi tay” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Trong khi đó, dân số Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa với tốc độ nhanh trong thời gian tới. Tỷ lệ người cao tuổi hiện chiếm khoảng 10,9% tổng dân số, với hơn 10 triệu người.

Một trong những định hướng của Nhà nước hiện nay là đa dạng hóa các loại hình chăm sóc người cao tuổi, phát triển các trung tâm tư nhân, trong đó kết hợp cả chăm sóc theo hình thức dịch vụ có thu phí và cả chăm sóc đối tượng khó khăn dựa vào nguồn xã hội hóa.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định: “Trong thực tiễn, số các trung tâm này so với nhu cầu được chăm sóc người cao tuổi chưa nhiều. Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH khuyến khích việc xã hội hóa xây dựng các trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Đây là việc làm cần thiết nhằm làm giảm sức ép tới các trung tâm hiện có”.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đồng ý về chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tập đoàn tham gia phát triển các loại hình trung tâm chăm sóc người cao tuổi với hình thức Nhà nước, các hộ gia đình có người cao tuổi và nhân dân cùng chung tay góp sức.

TIN VẮN:

80 % lao động trong ngành công nghiệp điện tử là nữ giới

Hôm nay (29/9), Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã công bố kết quả khảo sát về lao động trong ngành công nghiệp điện tử VN.

Theo ILO, khoảng 80% người lao động ở phân khúc dưới của ngành công nghiệp điện tử là lao động nữ, làm việc trong các dây chuyền lắp ráp vốn không mang lại nhiều giá trị gia tăng. Phụ nữ cũng hầu như không giữ các vị trí kỹ thuật hay quản lý. Và các vị trí quản lý cấp cao trong ngành đều do người nước ngoài nắm giữ.

Ngày quốc tế người cao tuổi (1/10): “Để không ai cô đơn trong tuổi già” - 2

Khảo sát cũng cho thấy, số lượng việc làm trong ngành điện tử tăng nhanh với tổng số lao động đạt 327.000 vào năm 2013. Số liệu nay đã tăng lên 7 lần trong vòng 8 năm qua. Ngành công nghiệp điện tử cũng đã hội nhập thành công vào chuỗi giá trị ngành điện tử toàn cầu.

Tuy nhiên, ILO cũng cảnh báo nhiều thách thức đặt ra, như: Vượt quá quy định 300 giờ làm thêm/năm, phân biệt đối xử về giới trong tuyển dụng, vi phạm an toàn lao động và bảo hiểm xã hội, đối thoại xã hội trong ngành vẫn còn yếu. Nghiên cứu của ILO cũng chỉ rõ: 99 trong số 100 doanh nghiệp điện tử lớn nhất Việt Nam hiện nay đều là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Được biết, đa số trong 20 doanh nghiệp lớn nhất trong ngành điện tử của VN là doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhóm 20 doanh nghiệp lớn nhất này sử dụng một nửa tổng số lao động trong ngành.

H.M

Hoàng Mạnh