Vua Nguyễn tại Huế tổ chức lễ nghi, yến tiệc gì trong dịp Tết? (Kỳ 1)

(Dân trí) - Vua Nguyễn trong thời kỳ phong kiến cuối cùng trị vì tại Huế, vào dịp lễ Tết thường hay vui chơi những gì? Đó là một vấn đề thú vị được chúng tôi giới thiệu đến quý độc giả báo Dân trí nhân dịp Xuân Bính Thân 2016.

Theo Th.s. Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, vào thời vua Nguyễn ở Huế (1802-1945), khác với không khí Tết cổ truyền trong nhân gian, Tết trong Hoàng cung Huế được tổ chức rất long trọng với nhiều nghi lễ. Từ ngày mồng 1 tháng 12 (âm lịch), triều đình đã tổ chức lễ Ban sóc (phát lịch). Các loại lịch được phát gồm long lịch, loan lịch, phương lịch, tùy theo thứ bậc và phẩm trật mà ban lịch.

Một lễ ban sóc thời vua Nguyễn ngày cận Tết trước Ngọ Môn (ảnh: Internet)
Một lễ ban sóc thời vua Nguyễn ngày cận Tết trước Ngọ Môn (ảnh: Internet)

Đến tiết lập xuân có lễ Tiến xuân ngưu (đưa trâu tiến xuân). Triều đình làm một hình nộm gọi là thần chăn trâu và một con trâu đất với kích thước tượng trưng, ứng với số tháng, số ngày trong một năm và tiến hành làm lễ rước. Cuộc rước diễn qua một số nơi trong Hoàng Thành và kết thúc bằng việc quan phủ Thừa Thiên đưa trâu đất ra đánh 3 roi tượng trưng cho sự khuyến cày. Lễ có ý nghĩa khuyên răn công việc đồng áng trong dân, ước mơ về đời sống vật chất dầy đủ trong một năm mới.

Từ ngày 25 tháng chạp đến 11 tháng giêng, triều đình cho trang hoàng cung điện. Đặc biệt khu vực từ Ngọ Môn đến điện Thái Hòa, điện Cần Chánh cùng một số nơi trong Tử Cấm Thành được trang trí lộng lẫy nhất với các loại lồng đèn, cờ, hoa, câu đối Tết…

Hoàng cung Huế hiện tại được trang hoàng rất đẹp vào Tết 2016
Hoàng cung Huế hiện tại được trang hoàng rất đẹp vào Tết 2016

Riêng ở điện Thái Hòa, hai bên tả hữu trong nội thất được đặt hai hương án để hạ biểu mừng của các quan đại thần và quan các địa phương. Gian giữa trải chiếu hoa, làm nơi bái của các hoàng thân; hai bên là vị trí các tôn tước và quan lại từ tam phẩm trở lên; các quan từ tứ phẩm trở xuống thì đứng ở sân Đại triều; và hai bên sân này được bố trí các bộ nhạc khí cùng các đội vũ sinh.

Theo định lệ từ đời Gia Long, vào ngày mồng một Tết, vua ngự ở điện Thái Hòa, đặt đại triều, bá quan làm lễ khánh hạ. Từ mờ sáng mồng 1, chiếc đại kỳ thêu rồng và các loại cờ khánh hỉ nhiều màu sắc được kéo lên và trang trí ở Kỳ Đài. Sau khi viên quan ở Khâm Thiên Giám báo giờ tốt, vua mặc triều phục ra điện Cần Chánh chuẩn bị. Sau đó, trong tiếng nhạc lễ (do ban Tiểu nhạc cử) cùng đội Nghi trượng, vua ngự ra điện Thái Hòa để làm lễ.

Đội nghi lễ
Đội nghi lễ
và đội Đại nhạc, Tiểu nhạc trong dịp lễ của triều đình Huế (ảnh: Internet)
và đội Đại nhạc, Tiểu nhạc trong dịp lễ của triều đình Huế (ảnh: Internet)

Từ Ngọ Môn, chuông trống gióng lên để đón chào. Vua xuống kiệu và tiến vào điện trong tiếng nhạc mừng do ban Đại nhạc cử. Chín phát đại bác báo hiệu, vua ngự ở ngai vàng và buổi lễ Khánh hạ diễn ra với nhiều nghi tiết như các quan làm lễ bái, dâng biểu mừng.

Mở đầu một bài biểu mừng Tết thường có chủ đề như sau: “Gặp Tết Nguyên đán, Tam dương tươi sáng; muôn vật sinh sôi. Non sông một cảnh tượng êm đềm, tiên bàn dâng Thụy; Cung khuyết ba sắc mây đầm ấm, giáp lịch mở đầu. Chúng thần thực lòng hoan hỉ, kính cẩn dâng biểu chúc mừng”. Trong những nghi tiết này còn có sự chen lẫn của những tiết mục múa hát cung đình. Buổi lễ kết thúc bằng khúc Hòa bình chi chương và âm thanh rộn rã của ban Đại nhạc. Trong những buổi lễ như vậy, ban múa hát cung đình đều phải tấu 5 bài dùng chữ Bình như Lý Bình, Túc Bình, Khánh Bình, Di Bình và Hòa Bình.

Kế đến, vua lên kiệu về điện Cần Chánh để thực hiện phần tiếp của lễ Nguyễn đán. Lúc này, hoàng thân và quan văn võ từ tứ phẩm trở lên được ban đứng hầu hai bên tả hữu sân điện. Các quan thái giám, quan bộ Lễ đưa các hoàng đệ, hoàng tử, công chúa nhỏ tuổi đến mừng vua 5 lạy. Sau đó vua truyền chỉ ban yến tiệc và tiền thưởng xuân.

Các quan lạy chầu vua (ảnh: Internet)
Các quan lạy chầu vua (ảnh: Internet)

Yến tiệc Tết thường được tổ chức ở điện Cần Chánh và Tả Vu, Hữu Vu vào hai ngày (mồng 1 và mồng 2 âm lịch). Hoàng thân cùng các quan từ tứ phẩm trở lên dự vào ngày mồng 1; các quan từ ngũ phẩm trở xuống dự vào mồng 2. Các quan phủ doãn, quan tỉnh thì dự tiệc yến ở Tả, Hữu Đãi Lậu Viện (ở hai bên, trước điện Thái Hòa).

Tùy theo đời vua mà thành phẩm tham dự yến tiệc có sự thay đổi. Như năm 1846, nhân là năm có lễ Tứ tuần đại khánh tiết (sinh nhật lần thứ 40), vua Thiệu Trị ra chỉ gia ơn cho nhiều quan nhỏ như giám thành, võng thành, thủ hộ v.v. cũng được đến dự yến tiệc. Cũng trong năm này, vua cũng ra chỉ dụ cho “con cháu các thân phiên trong Tôn Thất ở chi gần, chuẩn cho ngày mồng 3 Tết đều cho dự tiệc yến một lần ở nhà Duyệt Thị (tức nhà hát cổ Duyệt Thị Đường hiện nay - PV)”.

Cờ phướn trang trí Hoàng cung Huế trong một dịp lễ Tứ tuần đại khánh trùng dịp Tết của nhà vua (ảnh: Internet)
Cờ phướn trang trí Hoàng cung Huế trong một dịp lễ Tứ tuần đại khánh trùng dịp Tết của nhà vua (ảnh: Internet)

Trong các cuộc Đại yến ở Hoàng cung luôn có tấu 5 bài nhạc lễ dùng chữ Thành như Bảo Thành, Doãn Thành, Mỹ Thành, Bình Thành và Khánh Thành cùng các tiết mục góp vui của đội vũ sinh. Mỗi cuộc yến tiệc có không dưới 30 món ăn khác nhau với nhiều sơn hào hải vị. Qua tìm hiểu của PV, theo một số nghiên cứu, thực đơn yến tiệc gồm có nhiều loại thức ăn, bánh, mứt, trái cây, xôi chè. Tùy theo mà có một số món quý nhất ngày xưa như yến sào, chả phụng, nem công, môi dười ươi, thịt chân voi. Sau khi dự yến tiệc, mỗi người khách đều được biếu một gói quà mang về cho con cháu.

Sau yến tiệc, nhà vua lại thưởng bạc mừng xuân. Hoàng thân, hoàng tử mỗi người được ban trên dưới 20 lạng bạc; các quan tùy theo phẩm trật, chức tước mà được ban từ 1 đến 12 lạng bạc. Sau các cuộc lễ này, nhà vua cùng các đại thần đưa các hoàng tử đến cung Diên Thọ (trước đây có tên là Từ Thọ) dâng biểu chúc mừng Hoàng Thái Hậu (mẹ của vua) và làm lễ Khánh hạ.

Hoàng cung Huế trong dịp lễ (ảnh: Internet)
Hoàng cung Huế trong dịp lễ (ảnh: Internet)

Đại Dương (ghi lại)