Vì sao cát sê phim truyền hình tăng, diễn viên vẫn còn khó?

(Dân trí) - Chuyện thù lao (cát sê) trả cho các diễn viên đóng phim truyền hình đến nay vẫn là một bài toán có nhiều đáp số. Dù đã có nhiều thay đổi so với 5 năm về trước nhưng đến nay nhiều diễn viên vẫn phải chua chát thừa nhận: “Thù lao đóng phim không đủ nuôi mình”.

Muôn kiểu thù lao phim truyền hình

Đóng phim, nhất là phim truyền hình… không hề nhãn nhã, điều đó ai cũng phải thừa nhận. Nhiều khi, để theo trọn một bộ phim, người diễn viên buộc phải hy sinh rất nhiều thứ và chịu rất nhiều áp lực. Vì thế, việc chi trả cát sê đối với diễn viên mang một đặc thù khác biệt so với nhiều lĩnh vực khác.

Theo chia sẻ của NSND Bùi Bài Bình, cách đây 10 năm, khi đóng vai Tòng của phim “Ma làng”, anh được trả 500.000 đồng/1 tập phim. Đến năm 2008, khi được mời đóng “Gió làng Kình”, anh nhận được cát sê 600.000 đồng/1 tập phim. Vai diễn được nhận cát-sê cao nhất của thể loại phim truyền hình mà nam nghệ sỹ nhận được là 1,5 triệu/1 tập phim cho vai diễn trong phim “Trần Thủ Độ”.

NSND Bùi Bài Bình là gương mặt quen thuộc của nhiều bộ phim truyền hình nhưng vẫn nhận mức cát sê khá bèo. Ảnh: TL.
NSND Bùi Bài Bình là gương mặt quen thuộc của nhiều bộ phim truyền hình nhưng vẫn nhận mức cát sê khá bèo. Ảnh: TL.

Với vai diễn trong phim điện ảnh “Nhà tiên tri”, NSND Bùi Bài Bình nhận được cát sê kỷ lục là 100 triệu đồng (trừ thuế còn 90 triệu đồng). NSND Bùi Bài Bình khẳng định, 90 triệu đồng là mức cát sê cao nhất anh từng nhận được cho một vai diễn, mặc dù để hoàn thành vai diễn này, anh đã phải rong ruổi theo đoàn làm phim suốt một năm trời.

Cách đây hơn 5 năm, theo quy định chung của phim nhà nước, diễn viên chính được nhận từ 10 đến 15 triệu đồng/phim điện ảnh, từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/tập phim truyền hình. Lúc bấy giờ, một phim điện ảnh quay trong 6 tháng, phim truyền hình dài 15 đến 20 tập có thể phải quay từ 8 tháng đến một năm. Diễn viên phải tự lo mọi chi phí từ trang phục đến ăn uống và đi lại.

Gần 5 năm trở lại đây, theo mặt bằng chung của thị trường khu vực phía Nam, diễn viên chính có thể được trả cát sê từ 4 đến 6 triệu đồng/tập phim, diễn viên thứ và phụ có tên tuổi ký hợp đồng từ 400.000 đến 600.000 đồng/phân đoạn; diễn viên phụ 200.000 đến 300.000 đồng/phân đoạn. Đặc biệt, diễn viên thuộc hàng ngôi sao nhận cát sê 8 đến 10 triệu đồng/tập, thậm chí 15 đến 20 triệu/tập.

NSƯT Phi Điểu cũng cho biết, cát sê cho mỗi phân đoạn trong phim truyền hình của bà dao động từ khoảng 300.000 - 500.000 đồng. Không ít lần, bà được các đạo diễn trẻ mời tham gia các bộ phim đầu tay của họ với mức cát sê mang tính tượng trưng. Vậy nhưng không ít lần bà bị người ta lờ đi không trả cát sê cho bà.

Chia sẻ với Dân trí trong một buổi ra mắt phim, NSƯT Quốc Trọng cho biết, cát sê chi trả cho diễn viên đóng phim do ông làm đạo diễn nhiều năm nay đã có sự thay đổi do trượt giá nhưng vẫn theo quy chế của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC). Ông lấy ví dụ, năm 1998, khi đảm nhận vai chính trong phim “Mùa lá rụng”, nghệ sỹ Dũng Nhi được trả 700.000/1 tập phim. Đến thời điểm hiện tại, vai chính trong phim có thể xê dịch từ 2,5 triệu - 3 triệu/1 tập phim.

Cát sê đóng phim không đủ nuôi mình!

Trong lịch sử phim truyền hình, diễn viên Lý Hùng được xem như một trong những tên tuổi của dòng phim “mỳ ăn liền” có cát sê cao “kỷ lục”. Tuy nhiên, bản thân nam diễn viên này cũng phải thú nhận: “Tôi đã được Guinness Việt Nam ghi kỷ lục Nam diễn viên có cát sê cao nhất Việt Nam với mức 30 triệu đồng/tập. Một bộ phim chiếu rạp tôi có thể mua được một chiếc xe ô tô. Đến nay quy ra vàng vẫn đứng số 1 Việt Nam đấy. Năm 2015, tôi đóng được 5 bộ phim truyền hình và phim nhựa, thu nhập cũng đủ để mình sống khỏe. Phim truyền hình cũng đủ để yêu nghề mình làm thôi chứ bảo lấy cát sê cao thì không có”.

NSND Minh Châu - người từng tham gia rất nhiều bộ phim truyền hình từng chua chát thổ lộ rằng, việc đóng phim không đủ tiền giúp bà nuôi bản thân và con gái. Vì thế, khi cuộc sống đẩy đến “chân tường” bà buộc phải đánh liều sang làm công việc kinh doanh bất động sản. Và nhờ việc “đánh liều” này mà đến nay, không những bà có được cuộc sống ổn định mà còn có thể hết mình với nghiệp diễn không phải nghĩ nhiều đến chuyện “cơm áo gạo tiền”.

NSƯT Quốc Trọng, NSND Minh Hoà trong buổi ra mắt phim Những người nhiều chuyện.
NSƯT Quốc Trọng, NSND Minh Hoà trong buổi ra mắt phim "Những người nhiều chuyện".

Diễn viên Kinh Quốc cũng từng trải lòng, nếu ai đó nhận đóng phim truyền hình để hy vọng có nhiều tiền mua cái này, cái kia… là ảo tưởng. Anh khẳng định, nghề này không nuôi sống được ai bởi thu nhập cực kỳ bấp bênh.

“Kinh tế nhiều năm qua khó khăn, nhà sản xuất cắt cái gì được là cắt để tiết kiệm chi phí tối đa. Cho nên, cát sê trả cho diễn viên vốn thấp nay lại càng thấp. Nhiều diễn viên hiện nay đều ở nhà thuê. Nhiều người ăn uống chỉ cho qua ngày qua bữa, thậm chí chịu đói để cố sống bám trụ nghề diễn. Những người không hiểu chuyện, lại ác ý phê phán: “Ôi anh này, chị này chạy sô bất kể vai lớn vai nhỏ …”. Tôi thì chỉ biết thông cảm cho những diễn viên ấy vì nếu không đóng phim thì họ làm gì có tiền để trả cho những hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền xăng… đang ngày càng đắt đỏ?”, nam diễn viên này nói.

NSND Minh Hoà trong buổi ra mắt phim “Những người nhiều chuyện” cũng công khai thừa nhận, cát sê đóng phim truyền hình đôi khi không đủ tiền mua phục trang. Vì lẽ đó, phần lớn diễn viên đóng phim vì yêu nghề chứ không nghĩ đến tiền, nghĩ đến tiền sẽ không đóng nổi phim. Riêng với cá nhân chị, chị luôn biết ơn Trung tâm sản xuất phim truyền hình vì nhờ “cái nôi” này mà chị nhận được yêu thương của khán giả cũng như có nhiều cơ hội để sống với đam mê.

NSƯT Quang Thắng cũng bày tỏ, nếu mang suy nghĩ đóng phim để lấy tiền cát sê thì sai lầm vì nước mình vẫn sống theo định hướng xã hội chủ nghĩa nên lương vẫn phụ thuộc vào bậc, do nhà nước quy định. Với anh, làm phim vì yêu nghề, vì được sống chung với các đồng nghiệp mới là yếu tố cốt lõi.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm