Valentine: 7 sự thật thú vị về tình yêu
(Dân trí) - Dưới đây, là 7 sự thật thú vị về tình yêu đã được minh chứng bằng những nghiên cứu khảo sát uy tín.
Dù trên thế giới, tỷ lệ kết hôn trong giới trẻ ở một số nước đang ngày càng giảm sút, nhưng các nhà nghiên cứu tâm lý học - xã hội học ở những quốc gia tiên tiến nhất vẫn luôn khẳng định rằng kết hôn và duy trì cuộc sống hôn nhân là một trong những điều tuyệt vời nhất bạn có thể làm cho chính bản thân mình.
Như tờ New York Times từng kết luận: “Hôn nhân khiến con người ta hạnh phúc và hài lòng hơn với cuộc sống của họ, so với việc sống độc thân, đặc biệt trong những giai đoạn căng thẳng nhất của đời sống, chẳng hạn như khủng hoảng tuổi trung niên”.
Dưới đây, là 7 sự thật thú vị về tình yêu đã được minh chứng bằng những nghiên cứu khảo sát có uy tín:
Một nghiên cứu được thực hiện bởi trường Đại học Pennsylvania (Mỹ) hồi năm 2014 đã khẳng định rằng những người Mỹ bắt đầu bước vào cuộc sống lứa đôi sớm, từ trước tuổi 20, có tới 60% khả năng ly hôn. Những người để tới 23 tuổi mới bắt đầu gắn bó dài lâu trong một mối quan hệ tình cảm sẽ chỉ còn 30% khả năng ly hôn.
Nguyên nhân được đưa ra cũng không khó đoán: Những người lựa chọn gắn bó dài lâu khi tuổi đời còn quá trẻ thường chưa có đủ sự trưởng thành, chín chắn để tìm được người bạn đời phù hợp.
Trạng thái yêu mà lứa đôi trải nghiệm khi mới bắt đầu một cuộc tình, thực sự không kéo dài lâu. Xét về mặt tâm lý, trạng thái yêu thực sự là khi hai bên cảm nhận sự gắn bó, đắm say, những xúc cảm mạnh mẽ, nồng nhiệt được tạo nên bởi sự hấp dẫn từ cả hai phía, ngoài ra, còn có những nhận định lý tưởng hóa về đối phương; xét trên mặt sinh lý, đó còn là sự giải phóng những hormone “hạnh phúc” khiến con người có những cảm nhận tích cực, vui vẻ, lâng lâng…
Trạng thái yêu được cho là kết thúc khi những dấu hiệu này dần phai nhạt và hai bên trở về những xúc cảm, trạng thái cân bằng, thực tế hơn. Theo nghiên cứu của trường Đại học Pavia (Ý) hồi năm 2005, trạng thái yêu đặc trưng này thường chỉ kéo dài trong vòng… một năm.
Một khi hai bên đã quyết định “dọn về sống chung một nhà”, họ sẽ bắt đầu nhận ra những khác biệt rõ ràng - một điều không thể tránh khỏi. Mỗi người sẽ có những ưu tiên khác nhau trong cuộc sống, họ cũng có những mức độ cảm thông, thấu hiểu khác nhau. Bên cạnh đó, cách đánh giá vấn đề nặng nhẹ, đơn giản hay nghiêm trọng, ở mỗi người cũng rất khác nhau.
Chuyên ra tâm lý học người Mỹ trong lĩnh vực tình yêu - hôn nhân - bà Ellyn Bader khẳng định rằng: “Mỗi chúng ta đều phải chấp nhận thực tế, rằng chúng ta thực sự là những con người khác biệt, chúng ta khác với những gì mà đối phương từng nghĩ về mình, và đối phương cũng khác với những gì mà chúng ta từng nghĩ về họ hoặc kỳ vọng về họ. Chúng ta còn có những suy nghĩ, cảm nhận, hứng thú rất khác nhau”.
Để chấp nhận và xử lý hài hòa những khác biệt trong cuộc sống lứa đôi có thể khá căng thẳng nhưng là điều cần thiết để mối quan hệ tiếp tục phát triển và cùng nhau đồng hành trong những chặng đường tiếp theo của cuộc sống.
Trong rất nhiều nghiên cứu, người ta đã phát hiện ra rằng những cặp đôi chân thành ủng hộ lẫn nhau, thực sự mừng vui trước những thành công, bước tiến của nửa còn lại, sẽ có một mối quan hệ bền chặt, tốt đẹp hơn. Thực tế, ngay cả giữa hai người bạn đời của nhau, vẫn có thể tồn tại một sự cạnh tranh ngấm ngầm.
Trước những thành công và bước phát triển mới của mỗi người, không phải lúc nào nửa còn lại cũng thực sự mừng vui, đôi khi họ cảm thấy ghen tị, ngó lơ, hoặc có chúc mừng nhưng chỉ hời hợt, không thực sự chân thành. Chẳng hạn khi người bạn đời chia sẻ rằng ở cơ quan, họ vừa được thăng chức, được tăng lương, được hưởng những chế độ đãi ngộ tốt hơn…
Cách phản ứng lý tưởng nhất, tích cực và xây dựng nhất sẽ là một lời chúc mừng, động viên đầy khích lệ và hào hứng, theo kiểu: “Tuyệt vời! Anh biết em sẽ đạt được điều đó, em đã làm việc rất chăm chỉ”. Cách phản ứng thứ hai có vẻ tích cực nhưng thực ra hời hợt, sẽ không đem lại niềm vui cho đối phương, đó là một nụ cười kèm một câu nhận xét gọn lỏn: “Tin vui quá em!”.
Cách phản ứng tiêu cực sẽ là ngay lập tức tập trung vào mặt trái của vấn đề: “Điều đó có đồng nghĩa với việc em sẽ phải làm nhiều giờ hơn không? Em có chắc đảm đương nổi không?”. Cách phản ứng tệ hơn nữa, đó là hoàn toàn không hề quan tâm gì tới tin vui của đối phương: “Thế à? Hôm nay, anh có một ngày tệ quá!”.
Khảo sát của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) hồi năm 2014 đã phát hiện ra rằng hôn nhân thực sự đưa tới cảm nhận tốt đẹp hơn về cuộc sống, với điều kiện sau tình yêu, hai người bạn đời còn có cả… tình bạn.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng hôn nhân đem lại nhiều sự viên mãn, hạnh phúc hơn cho những người có tình bạn gắn bó với người bạn đời của họ. Theo đó, tình bạn chính là một yếu tố then chốt giúp đưa lại hôn nhân hạnh phúc dài lâu.
Một nghiên cứu do tờ The Atlantic (Mỹ) thực hiện hồi năm 2014 đối với 3.000 người ly hôn ở Mỹ đã cho thấy rằng khoảng cách về tuổi tác tỉ lệ thuận với nguy cơ tan vỡ hôn nhân. Theo đó, một tuổi chênh lệch giữa hai người khiến họ có thêm 3% khả năng ly hôn (so với những cặp đôi cùng tuổi). Thậm chí, khoảng cách 5 tuổi còn khiến cặp đôi có nguy cơ ly hôn lên tới 18% và 10 tuổi là 39%.
Hơn 60% người Mỹ khi tham gia khảo sát của tờ The Atlantic (Mỹ) hồi năm 2013 khẳng định rằng chuyện cùng làm việc nhà đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ hôn nhân bền vững, hạnh phúc. Theo đó, mỗi người đều nên có trách nhiệm của mình đối với một phần công việc nhà mà họ cảm thấy mình có thể làm tốt.
Khi cả nam và nữ đều phải ra ngoài xã hội làm việc, thăng tiến, có thu nhập và vị trí của mình, ai cũng mong muốn nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ người bạn đời, những điều đó thể hiện trước tiên ở hành động thực tế, để khi trở về nhà, không phải chỉ có một phía tiếp tục mệt mỏi với “hàng núi” công việc nhà bày ra trước mắt.
My Valentine - Martina McBride
Bích Ngọc
Theo Business Insider