Trẻ em sẽ thế nào nếu vô tình xem người nổi tiếng “choảng” nhau trên truyền hình?
(Dân trí) - Nhiều chuyên gia cho rằng, các bậc phụ huynh nên có sự kiểm soát khi cho con trẻ xem các chương trình truyền hình thực tế có những màn cãi nhau thiếu văn hoá.
Ý kiến khán giả về một số chương trình truyền hình thực tế
Việc “choảng” nhau của những người nổi tiếng trong chương trình Vietnam’s Next Top Model 2017 và The Face 2017 vẫn đang là chủ đề bàn tán của rất nhiều cư dân mạng. Rất nhiều khán giả đã dùng những tính từ mạnh để bày tỏ thái độ đối với hai chương trình truyền hình thực tế này.
Nhiều người cho rằng, những màn cãi vã đầy tính “chợ búa” của 13 gương mặt người mẫu trẻ tiềm năng làng thời trang Việt và những màn bốp chát “ngoài sức tưởng tượng” của các host trong Vietnam’s Next Top Model 2017 qua 4 tập phát sóng không chỉ làm xấu đi bộ mặt của một số chương trình truyền hình thực tế mà còn gây cho người xem ức chế, khó chịu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Không ít bậc phụ huynh cũng tỏ ra lo lắng khi nếu con cháu họ xem được những chương trình này. Độc giả Huỳnh Huy bày tỏ: “Xây dựng một chương trình mà không suy nghĩ cho thế hệ trẻ em ngày nay. Văn hóa ứng xử gieo vào lòng trẻ em đã khó, nay còn khó hơn khi có những con người này trên truyền hình...”.
Độc giả Phương Vũ bình luận: “Thiết nghĩ, cơ quan quản lý Văn hóa - Thông tin cần phải vào cuộc vì chương trình nào đưa lên sóng cũng phải đặt tính nhân văn lên hàng đầu. Không phải chỉ chú ý đến việc thu hút người xem càng nhiều càng tốt rồi muốn “gây bão” ra sao cũng được.
Chương trình không chỉ giáo dục những người tham gia chương trình mà còn giáo dục cả người xem truyền hình, trong đó có cả trẻ em. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này, không chỉ làm cho người tham gia chương trình ngày càng "chợ búa" mà ngay cả người xem cũng bị nhiễm sự thiếu văn hóa, thiếu văn minh vào mình lúc nào mà không biết, quan trọng hơn là làm hỏng người trẻ...”.
Một cựu người mẫu (xin giấu tên) cho rằng, nghề người mẫu vốn đã phải đối diện với nhiều điều tiếng, nay vì những chương trình này mà thê thảm hơn. Thực tế, không phải người mẫu nào, giám khảo nào, host nào… cũng có những cách hành xử như thế trong cuộc sống nhưng khi tham gia truyền hình thực tế họ đã biến thành như thế. Bao nỗ lực để xóa nhòa định kiến của những người mẫu đi trước nay hiện ra với những hình ảnh xấu xí, phản cảm, thô tục và “chợ búa”.
“Đến bản thân tôi là một người mẫu, khi xem những đoạn tranh cãi của đàn em mà còn xấu hổ. Tại sao những người mẫu đã từng bước lên sân khấu với những hình ảnh lung linh, sang trọng, đẹp đẽ, được nhiều người yêu quý… bây giờ lại thành những con người suốt ngày chỉ biết đố kỵ, ganh ghét, xỉa xói lẫn nhau.
Sẽ ra sao nếu những bạn trẻ đang nuôi ước vọng trở thành người mẫu tương lai xem được những hình ảnh xấu xí này? Sẽ ra sao nếu những khán giả nhí, đang ở độ tuổi hình thành và hoàn thiện nhân cách chứng kiến những màn cãi nhau “khiếp đảm” này trên truyền hình?”, người mẫu này nói.
Con trẻ dễ có những nhận thức thiếu chuẩn mực
ThS. Ngô Minh Duy - Chuyên gia tư vấn Trung tâm Ý tưởng Việt (TP.HCM) cho rằng, việc con trẻ vô tình chứng kiến những cảnh cãi nhau trên truyền hình sẽ rất dễ hình thành những suy nghĩ lệch lạc, khi đã hình thành lại rất chặt trong tâm trí. Thậm chí, ngay cả khi người lớn phân tích đúng sai cũng khó để điều chỉnh lại nhận thức và thái độ của con trẻ.
ThS. Ngô Duy Minh phân tích, khi con trẻ vô tình chứng kiến những hình ảnh xấu xí hoặc những hành vi bạo lực của người lớn (bao gồm cả người nổi tiếng) sẽ làm cho con trẻ dễ có những nhận thức thiếu chuẩn mực. Sự thất vọng với những người nổi tiếng sẽ khiến tính khí con trẻ dễ trở nên vui buồn thất thường. Đặc biệt, sự cân bằng tâm lý không thể diễn ra. Đó là chưa kể một số trẻ dễ sao chụp theo cơ chế bắt chước.
“Dù vô tình hay hữu ý cũng cần nhìn nhận, ở Việt Nam chưa thể kiểm soát được tính giáo dục trên các kênh truyền hình, nhất là với các chương trình truyền hình thực tế chiếu cho tất cả các đối tượng cần có biện pháp bảo vệ trẻ em. Các nhà sản xuất, các kênh truyền hình và người lớn hãy khai thác văn hóa một cách có văn hóa và nhân văn để không chỉ làm ra những chương trình phù hợp với mọi đối tượng mà còn không ảnh đến trẻ em nếu phát sóng trên truyền hình và trẻ em lỡ xem được”, ThS. Ngô Minh Duy nói.
ThS. Bs Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho rằng, trẻ em học rất nhiều từ người lớn, nhất là từ những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng. Và phim ảnh, truyền hình, truyền hình thực tế… tác động đến trẻ em rất nhiều.
“Tôi hiện đang làm ông của các cháu nhỏ nên tôi hiểu rõ sự tác động của phim ảnh và truyền hình thực tế lên các cháu. Vào giờ các cháu chưa ngủ, gia đình không bao giờ mở những phim dành cho người lớn, chương trình truyền hình vô bổ kiểu chọc cười tục tĩu hoặc cãi vã nhau nhau như một số chương trình gần đây… để các cháu nhỏ không bị ảnh hưởng.
Tôi cho rằng, các chương trình truyền hình, kể cả là truyền hình thực tế thì phải mang tính giáo dục, nhân văn, nhân bản… Tình trạng người nổi tiếng "choảng" nhau trên truyền hình sẽ vô tình nhồi nhét vào đầu con trẻ những hình ảnh rất xấu. Nó ảnh hưởng đến suy nghĩ của các cháu và sau này thành vì con trẻ học theo người lớn rất nhanh, nhất là với những người nổi tiếng, những người được trẻ xem như thần tượng”, ThS Nguyễn Trọng Anh bức xúc nói.
Hà Tùng Long