Cuộc thi người mẫu trên truyền hình: “Bội thực” chiêu trò!

Vài năm trở lại đây, các nhà sản xuất đẩy mạnh sang lĩnh vực đào tạo người mẫu. Nhiều cuộc thi tìm kiếm người mẫu cũng lên sóng truyền hình, với mục tiêu tìm ra những gương mặt có đóng góp thật sự cho làng thời trang Việt. Nhưng tài năng đâu chưa thấy, các cuộc thi hiện nay đều khiến người xem “bội thực” bởi sử dụng quá nhiều chiêu trò.


Các giám khảo và thí sinh của Vietnams Next Top Model 2017 cũng khiến khán giả thất vọng với cách ứng xử không đẹp trên truyền hình. Ảnh: TL

Các giám khảo và thí sinh của Vietnam's Next Top Model 2017 cũng khiến khán giả thất vọng với cách ứng xử không đẹp trên truyền hình. Ảnh: TL

Cá tính cũng cần văn hóa!

Những ngày qua, câu chuyện thí sinh quát giám khảo, giám khảo tranh cãi lẫn nhau trong cuộc thi Vietnam's Next Top Model (VNTM) 2017 khiến nhiều khán giả bất bình. Qua 7 mùa phát sóng, sức nóng của chương trình đã giảm nhiệt, đi vào lối mòn với công thức: Thí sinh cao, gầy, quê mùa...sẽ trở thành người chiến thắng. Năm 2016, để cạnh tranh với các cuộc thi người mẫu khác, chương trình đã “phá bỏ những giới hạn” về chiều cao, hình thể để “hút” thí sinh tham gia.

Và năm 2017, nhà sản xuất quyết định mời những người mẫu chuyên nghiệp, đã có kinh nghiệm sải bước trên sàn catwalk tham gia chương trình. Nhưng trái với kỳ vọng của khán giả, thay vì nhấn vào sự cố gắng, tài năng của mỗi thí sinh, chương trình lại “phơi bày” những hình ảnh xấu xí, phản cảm về thế giới người mẫu, đó là sự đố kỵ, ganh ghét, xoi mói lẫn nhau.

Nếu lúc đầu những thí sinh mùa giải này được giới thiệu là 13 gương mặt cá tính, là những người mẫu trẻ tiềm năng của làng thời trang Việt, thì qua 4 tập đã phát sóng, cá tính của họ khiến khán giả phát bực. Vì cá tính đến đâu cũng cần có văn hóa, cá tính làm nên sự khác biệt chứ không phải dị biệt. Đỉnh điểm là trong tập 4 lên sóng tối 15.7, các thí sinh đã có màn gây lộn, ném đồ vào nhau khiến nhiều khán giả truyền hình bức xúc.

Giành chiến thắng ở tập trước, Nguyễn Hợp trở thành thủ lĩnh mới của nhà chung. Cô đã chỉ đạo Cao Thiên Trang, Thùy Dương, Kikki Lê phải thu dọn đồ đạc ra khỏi phòng thủ lĩnh trong 3 giờ. Nhưng nhóm này không thực hiện, vẫn ung dung nằm trong phòng, sinh hoạt bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Bước vào phòng với thái độ hậm hực, Nguyễn Hợp quăng hết đồ đạc ra ngoài kèm câu nói thách thức: “Tôi cho các người 3 tiếng để dọn rồi đúng không? Vậy mà các người chưa dọn đúng không?”. Trước những lời lẽ, hành động này của đồng nghiệp, Thùy Dương đã nổi nóng, cầm đồ tát vào mặt Nguyễn Hợp.

Đó là về thí sinh, các giám khảo chương trình năm nay cũng thực sự “có vấn đề”. Nhiều lúc khán giả không biết chuyên gia trang điểm Nam Trung và siêu mẫu Hoàng Yến đang bộc lộ cá tính thật hay diễn kịch, khi liên tục đá xéo lẫn nhau, nổi nóng một cách thái quá. Hai giám khảo này đã nhiều lần cãi nhau tay đôi. Trong tập 4, Hoàng Yến còn tức giận bỏ ghế “nóng” chỉ vì Nam Trung chê cô “bênh học trò”.

Người mẫu lâu nay vốn được xem là nghề đứng đầu thị phi, tai tiếng, bây giờ qua những cuộc thi truyền hình thực tế như này, với những hình ảnh giám khảo cãi nhau như chợ vỡ thế này, công chúng càng có cái nhìn thiếu thiện cảm hơn.

Cuộc thi người mẫu trên truyền hình: “Bội thực” chiêu trò! - 2

Đã đến lúc những “giám khảo quyền lực” cần lên tiếng!

Vì diễn ra cùng thời điểm, nên VNTM 2017 và The Face 2017 đang vô tình đứng chung sân và cạnh tranh nhau để “hút” thí sinh tham gia, cũng như lượng rating trên truyền hình. Và cả hai đang đi theo hướng, nhấn mạnh đến những câu chuyện hậu trường, mâu thuẫn giữa các thí sinh, huấn luyện viên, hơn là yếu tố chuyên môn.

Với truyền hình thực tế, bí mật hậu trường được xem là “gia vị” không thể thiếu để kích thích sự tò mò của khán giả, nhưng nếu bị lạm dụng sẽ thành phản tác dụng. Bởi khán giả không dễ “giải trí” bằng một chương trình mà các cô người mẫu tranh nhau nói, không ai nhường ai. Hay bỏ thời gian xem một chương trình mà không biết thật hay diễn, khi mọi câu chuyện đều bị dựng lên, đẩy lên một cách gượng gạo, quá đà.

Trong số những huấn luyện viên của hai chương trình về người mẫu đang phát sóng trên truyền hình, người nhận chỉ trích nhiều nhất đến thời điểm này có lẽ là Minh Tú. Cách đây chưa lâu, cô được ca ngợi là người làm nên lịch sử khi lọt vào chung kết Asia's Next Top Model 2017, đoạt ngôi vị Á quân. Tuy nhiên, chỉ với vài tập The Face 2017 lên sóng, Minh Tú đã bị chỉ trích là thiếu văn hóa, cư xử không khác dân chợ búa.

Nhìn vào phản ứng của khán giả dành cho Minh Tú, từ yêu chuyển sang ghét, có thể thấy “vai diễn” của cô trong The Face năm nay giống với Hoa hậu Phạm Hương của mùa trước. Sau khi tham gia chương trình, Phạm Hương đã mất một lượng lớn fan, vì khán giả không chấp nhận một người của công chúng lại có những tính xấu, sự ích kỷ, hơn thua – dù cho điều đó có thể chỉ là “diễn”. Minh Tú đang đi vào “vết xe đổ” này của Phạm Hương, tự làm xấu hình ảnh của mình.

Nhưng nói gì thì nói, các người mẫu cũng chỉ là quân cờ trong tay các nhà sản xuất. Thực tế để tạo sự kịch tính, nhà sản xuất có thể đã cắt ghép, biên tập chương trình theo hướng tạo tranh cãi trong dư luận. Càng tranh cãi chương trình càng hot. Nhưng vô tình điều này đã làm khán giả hình dung về thế giới người mẫu không mấy tốt đẹp, ảnh hưởng đến những người đang nỗ lưc làm nghề.

Những năm qua, thế hệ người mẫu như Thanh Hằng, Xuân Lan, Hà Anh... đến lớp đàn em Tuyết Lan, Hoàng Thùy, Mâu Thủy, Kha Mỹ Vân... đã giúp người mẫu Việt ghi nhiều dấu ấn với làng thời trang nước nhà. Nhưng có lẽ giấc mơ chuyên nghiệp và vươn ra thị trường nước ngoài vẫn bị xem là xa vời. Một số người mẫu Việt đã bước ra thế giới, nhưng chưa thực sự ghi được dấu ấn. Trong khi các cuộc thi tìm kiếm người mẫu trong nước ngày càng đi xa mục tiêu ban đầu, đi theo hướng tìm mọi cách khai thác lợi nhuận, hơn là tính chuyên môn.

Trước thực trạng này, có khán giả khi xem các cuộc thi người mẫu hiện nay trên truyền hình đã đặt câu hỏi: Tại sao những chương trình như vậy lại lên sóng giờ vàng? Chẳng lẽ sự thanh lịch của siêu mẫu đã bốc hơi?

Trước chất lượng thí sinh và giám khảo gameshow ngày càng đi xuống, nhất là các chương trình người mẫu gây tranh cãi với những màn cãi vã của huấn luyện viên và thí sinh, có lẽ khán giả nên phát huy quyền lực tẩy chay của mình. Bởi khán giả mới là những vị giám khảo cuối cùng, quyết định sự tồn tại của một chương trình hay chỗ đứng của bất cứ ai đang hoạt động trong ngành giải trí.

Theo Bích Hà

Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm