Trần Ly Ly: “Chồng tôi chưa bao giờ phải chịu đựng sự “điên rồ” của tôi”

(Dân trí) - “Bởi vì tất cả những suy nghĩ “điên rồ” tôi đã trút hết vào nghệ thuật nên anh ấy chưa bao giờ phải chịu đựng cái điều đó ở tôi cả. Với tôi, tác phẩm mới là nơi tôi phải sống khác người”, NSƯT Trần Ly Ly tâm sự.

Chị từng chia sẻ, nhờ có sự hy sinh của chồng mà chị mới dám quyết định rời bỏ trường Múa TP.HCM ra Hà Nội gắn bó với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Vậy trong mắt chị, ông xã là một người như thế nào?

Ông xã tôi một người rất hay. Trước hết là phải là một người rất hay mới có thể chia sẻ với tôi mọi thứ, kể cả tư tưởng nghệ thuật và tư duy về cuộc sống nói chung. Anh ấy là một người mà tôi thấy đời sống riêng tư rất hấp dẫn. Bên cạnh đó, anh còn là một người vô cùng thông minh, đồng thời có những suy nghĩ rất khác biệt. Anh có những thú chơi rất thú vị như: nhảy dù, lặn chuyên nghiệp, chạy marathon…

Ở bên nhau, không những anh ấy không khô khan mà thậm chí còn nghệ sĩ hơn tôi nhiều.
"Ở bên nhau, không những anh ấy không khô khan mà thậm chí còn nghệ sĩ hơn tôi nhiều".

Tất cả những điều đó khiến tôi cảm thấy đang sống với một người vô cùng thú vị và mình hoàn toàn có thể chia sẻ mọi thứ được. Anh ấy cảm thông cho tôi vì cuộc đời làm nghệ thuật phải hy sinh nhiều thứ. Tôi không phải là một người đàn bà mà sáng đi tối về và cuộc sống cứ vòng tròn lặp lại.

Cuộc sống của tôi có rất nhiều hướng, nhiều mối quan hệ theo kiểu công việc, giờ giấc cũng khác biệt nên sáng tạo cũng khác biệt. Sống với một người nghệ sĩ mà lại đàn bà thì sự hy sinh và cảm thông không lớn sẽ khó hòa hợp.

Cơ duyên đưa đẩy để chị và ông xã gặp nhau rồi nên duyên chồng vợ như thế nào?

Chúng tôi gặp nhau khi còn rất trẻ, khi cả hai cùng đi học ở nước ngoài, lúc đó tôi mới 19 - 20 tuổi. Anh ấy học kiến trúc còn tôi học nghệ thuật nhưng không cùng trường. Quen nhau được 8, 9 năm rồi mới kết hôn. Anh ấy đã phải chờ đợi tôi khá nhiều khi tôi phải đi học ở nước ngoài nhiều lần tiếp sau đó, hoàn thành các khóa học, trở về chúng tôi mới kết hôn.

Nhìn chị không ai nghĩ là người có máu “điên” trong nghệ thuật. Nhưng nhìn vào những gì chị sắp đặt và thể hiện trên sân khấu thì rõ ràng sự nổi loạn đấy rất rõ. Anh ấy đã bao giờ phải chịu đựng cái sự “điên” đó của chị khi sống chung cùng một mái nhà?

Không đâu. Bởi vì tất cả những suy nghĩ “điên rồ” tôi đã trút hết vào nghệ thuật nên anh ấy chưa bao giờ phải chịu đựng cái điều đó ở tôi cả. Với tôi, tác phẩm mới là nơi tôi phải sống khác người. Tôi rất hạnh phúc khi có nhiều cơ hội để thể hiện sáng tạo nghệ thuật… và đưa lên sân khấu cho mọi người thưởng thức.

Phải chăng chị có thể hết sức hết mình với múa bởi chị không phải là người lo kinh tế?

Cũng không hẳn đâu, gia đình tôi hai vợ chồng đều chia sẻ kinh tế chứ không phải là “đại gia” dư thừa tiền bạc. Tôi có may mắn, bố mẹ hai bên đều là cán bộ về hưu nên vững vàng cả về tinh thần lẫn kinh tế. Sở dĩ tôi đam mê và hết mình với múa bởi trời trao cho mỗi người một số phận, không ai có thể thay thế ai trong cuộc đời này. Một khi trời đã trao cho tôi như một cái nghiệp, tôi sẽ không vì bất kỳ lí do gì mà từ bỏ nó. Khi ta yêu nghiệp, hết lòng phụng sự vì nghiệp thì tổ nghiệp sẽ không bao giờ phụ ta.

Trần Ly Ly và mẹ.
Trần Ly Ly và mẹ.

Thú thật, tôi là một trong những người nghệ sĩ sống được với nghề một cách đàng hoàng. Tôi không kiếm tiền bằng nghề khác được như vô số bạn bè của tôi. Tôi luôn nói với học trò, diễn viên, cộng sự, nghệ sĩ trong nhà hát của tôi rằng hãy vì nghề vì nghiệp mà vượt qua mọi khó khăn.

Cuộc sống của con người không chỉ có kinh tế. Ta sống bởi ta có mục đích và lý tưởng. Đó là niềm yêu thích, đam mê và sự cống hiến. Cống hiến ở đây nghe có vẻ to tát nhưng thực ra khi hết lòng với bất kỳ điều gì mình sẽ cảm nhận được hạnh phúc từ công việc đó mang lại. Nếu ai không chịu được thử thách và không có sự kiên nhẫn, đặc biệt không muốn cống hiến cho nghề thì nên lựa chọn một nghề khác.

Chị nói chị không phải là một người đàn bà như những người đàn bà khác có nghĩa là chị cũng không thể nào chăm chút cho gia đình con cái… Anh ấy có phải thường xuyên thay chị chăm chút cho tổ ấm khi chị bận?

Chúng tôi chia sẻ với nhau, thay nhau làm những việc trong nhà. Tôi nói mình không phải như những người đàn bà khác không có nghĩa lúc nào tôi cũng bỏ bê con cái mà tôi vẫn phải sắp xếp thời gian để chia sẻ những việc đó cùng chồng. Những lúc có thể tôi đều cố gắng dành cho các con và tổ ấm của mình. Anh ấy cũng rất bận bịu nên chúng tôi tự chia sẻ với nhau. Mỗi một giai đoạn chúng tôi đều phải tự xoay xở với thực tế cuộc sống.

Theo đúng như những gì chị chia sẻ, người ta có cảm giác trong gia đình chị chưa bao giờ có sóng gió?

Tới thời điểm này tôi chưa thấy cái được gọi “sóng gió” theo nghĩa người bình thường hiểu. Vì trong nội tại mỗi con người đều có những “sóng gió” hoặc mỗi gia đình đều những sự khúc mắc. Nhưng những điều đó vẫn chưa đến nỗi khiến chúng tôi lung lay, chao đảo và muốn bỏ cuộc. Nói không quá khi đến thời điểm này chúng tôi chưa gặp cái gì đến nỗi không thể giải quyết được. Tạm thời là như vậy.

Suy cho cùng, người làm nghệ thuật với người làm kiến trúc có những sự khác biệt rất lớn. Điều gì khiến cả vợ chồng chị hòa hợp và biến cuộc sống trở nên thú vị được như thế?

Tôi không nghĩ hai nghề này khác biệt lớn mà lại nghĩ hai nghề này cực kỳ đồng điệu. Thứ nhất, muốn làm nghệ thuật thú vị phải có khoa học của nghệ thuật, có những cái chuẩn của nghệ thuật. Anh thăng hoa thì cũng chỉ thăng hoa trong khoảng nhất định thôi và cái sự thăng hoa đó đều có bố cục khoa học của nó.

Trần Ly Ly ngoài đời là một người bình dị.
Trần Ly Ly ngoài đời là một người bình dị.

Nghề kiến trúc cũng vậy. Nhìn qua mọi người cứ tưởng tôi nghệ sĩ hơn nhưng thực tế trong nghề của anh ấy lại rất bay bổng, rất sáng tạo. Ở bên nhau, không những anh ấy không khô khan mà thậm chí còn nghệ sĩ hơn tôi nhiều. Cho nên chúng tôi đồng điệu được với nhau cả trong công việc lẫn cuộc sống.

Thực ra, nếu tách mỗi cá thể ra theo một lối riêng thì cuộc sống cá nhân chưa chắc đã hợp. Nhưng cái không hợp đó quá nhỏ để giải quyết. Sự hợp mà tôi muốn nói khi hai cá thể hòa làm một chính là tư tưởng chủ đạo về cuộc sống, về nhân sinh quan, về con người... Chúng ta chỉ cần gặp nhau ở một vài điểm thôi, đừng hy vọng con người nào cũng đồng điệu từ A đến Z. Không bao giờ có chuyện đó đâu.

Tôi trân trọng sự thông minh và trí tuệ của người đàn ông mà tôi sống cùng. Bởi vậy mà hai chúng tôi đều thông cảm cho nhau tất cả những điều trong cuộc sống.

Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long