The BandFest 2018: Sân chơi sôi động của jazz và tuổi trẻ

(Dân trí) - Lựa chọn jazz, dòng nhạc kén người nghe cho buổi diễn mở màn dự án âm nhạc dài hơi The BandFest, nhạc sĩ Anh Quân và các ban nhạc vẫn nhận trái ngọt là những tràng pháo tay không ngớt từ khán giả ngồi chật kín Nhà hát lớn Hà Nội, đúng trong Ngày Jazz quốc tế…

Rất đúng với ý nghĩa của chữ festival, đây thực sự là cuộc hội ngộ thú vị giữa các phong cách jazz, giữa các thế hệ trẻ và già cùng có chung niềm đam mê với thể loại âm nhạc ra đời ở New Orleans cách đây hơn một thế kỷ. Những nỗ lực không mệt mỏi của cặp vợ chồng Anh Quân - Mỹ Linh trong việc tạo ra một điểm đến dành riêng cho các ban nhạc trẻ thể hiện tài năng của mình đã được tưởng thưởng xứng đáng, cho dù đây chỉ là những bước đi đầu tiên trên chặng đường còn nhiều cam go và thách thức.

Nhạc sĩ Anh Quân, tổng đạo diễn của đêm nhạc The Bandfest, chia sẻ từ lâu anh đã canh cánh làm thế nào để khán giả Việt Nam thay đổi quan niệm rằng đi xem ca nhạc là xem ca sĩ hát với ban nhạc đệm
Nhạc sĩ Anh Quân, tổng đạo diễn của đêm nhạc The Bandfest, chia sẻ từ lâu anh đã canh cánh làm thế nào để khán giả Việt Nam thay đổi quan niệm rằng đi xem ca nhạc là xem ca sĩ hát với ban nhạc đệm

Jazz là một trong vài dòng nhạc hiếm hoi thể hiện đúng đắn nhất vị thế của ban nhạc trên sân khấu mà ở đó, bất kỳ nhạc công nào cũng có tầm quan trọng không thua gì ca sĩ. Nó hoàn toàn phù hợp với mong muốn “giành lại sự công bằng cho ban nhạc” của nhạc sĩ Anh Quân, nhất là trong bối cảnh làng nhạc Việt rơi vào tình trạng ”lệch lạc” như hiện tại. Và trong đêm The BandFest đầu tiên này, sự công bằng đã đến ở mọi khía cạnh - ngay cả nữ ca sĩ Mỹ Linh và khách mời Anna Hogberg cũng rất vui vẻ giữ vai trò “làm nền” để giúp các ban nhạc thăng hoa.

Phần trình diễn vô cùng tưng bừng và nhiệt huyết của Jazz Glory Band và Yellow Star Big Band đã cho thấy các nghệ sĩ trẻ Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng bắt kịp với trào lưu chung của thế giới. Đó không phải là thứ jazz cổ điển mẫu mực mà tràn ngập tinh thần giao thoa, pha trộn hài hòa với nhiều dòng nhạc đương đại khác. Sông Thu, bản nhạc mở đầu chương trình của Jazz Glory Band có sự kết hợp khéo léo giữa chất fusion và những âm thanh ngũ cung của cổ nhạc Việt Nam, cộng thêm một chút màu âm new age vừa vặn để những đôi tai sành sỏi nhớ đến cả Fourplay và Herbie Hancock, trong khi đó, Yellow Star Big Band cũng rất biết cách gây ấn tượng bằng việc cho jazz đối thoại với làn điệu chèo, để bộ đồng (saxophone, trumpet và trombond) phiêu cùng R&B và hip-hop.

jazzman gạo cội gốc Việt Nguyên Lê
jazzman gạo cội gốc Việt Nguyên Lê

Nữ ca sĩ người Thụy Điển Anna Hogberg đã có sự hòa hợp tuyệt vời với Jazz Glory Band, chất giọng soprano của cô cùng lối hòa âm theo phong cách smooth jazz Bắc Âu cũng mang đến cho hai ca khúc quen thuộc Lullaby Of Birdland và Do Nothing Till You Hear From Me một dáng vẻ mới, kiểu cách và phong phú hơn chứ không mộc mạc và giản dị như bản gốc. Còn những màn đọc rap đầy bất ngờ của PB Nation trên nền nhạc đệm của Yellow Star Big Band hay bản Overmax với đoạn intro nặng màu rock cho thấy jazz cũng không ngừng tiến hóa, tự làm mới bản thân để phù hợp với thời cuộc. Nhưng những người mê big band kiểu cũ thì cũng có thể hài lòng với hai bản hòa tấu In The Pocket và Pick Up The Pieces “chất lừ”.

Muốn hay không cũng phải thừa nhận một điều, jazzman gạo cội gốc Việt Nguyên Lê và ban nhạc của ông là lý do chính để nhiều người yêu nhạc thủ đô dám bỏ cả một kỳ nghỉ mát để được có mặt tại Nhà hát lớn trong đêm 30/4 và rõ ràng đó là quyết định vô cùng sáng suốt. Dù cả Jazz Glory Band và Yellow Star Big Band đều chơi vô cùng máu lửa và giành được quá nhiều thiện cảm từ khán phòng thì khoảng cách giữa họ và các bậc đàn anh vẫn là quá lớn, cho nên, đây cũng là một cơ hội ngàn vàng để được học hỏi thêm những kinh nghiệm quý báu từ một nghệ sĩ bậc thầy ở đẳng cấp thế giới.

Diva Mỹ Linh
Diva Mỹ Linh

Nữ ca sĩ người Thụy Điển Anna Hogberg.
Nữ ca sĩ người Thụy Điển Anna Hogberg.

Sức lôi cuốn của hai ban nhạc trẻ đến từ những bản nhạc có tốc độ nhanh thì tứ tấu Nguyên Lê hoàn toàn ngược lại, họ luôn giữ tiết tấu chỉ ở mức trên trung bình, âm thanh dầy dặn, chặt chẽ và miên man như dòng sông cứ thế trôi vào tai người nghe. Mà riêng nhạc jazz, ai cũng biết chơi chậm còn khó hơn chơi nhanh nhiều lần. Âm nhạc của ông vẫn ma mị, vẫn “quái” và “phiêu” như thường thấy và dù đã nói sẽ tập trung chủ yếu vào jazz, Nguyên Lê vẫn không quên đưa nhiều âm hưởng dân gian Việt Nam vào các tác phẩm của mình mà độc đáo nhất phải là bản People On The Waterfalls đậm phong vị của núi rừng Tây Nguyên. Màu jazz khoan nhặt pha với chất world music khoáng đạt như mở ra cả một khoảng không gian khoáng đạt, dẫn dắt tâm hồn người nghe vào chuyến viễn du huyền ảo.

Không hẹn mà gặp, cả ba ban nhạc đều coi cây guitar điện như một thứ “vũ khí” chủ đạo, đây vốn là nhạc cụ hiếm khi xuất hiện ở dòng jazz classic. Nhưng trong khi hai cây lead guitar của Jazz Glory Band và Yellow Star Big Band solo theo phong cách máu lửa rock thì Nguyên Lê vẫn cứ khoan thai trầm bổng trong chất nhạc kỳ bí của riêng mình. Sở hữu chất giọng “dài rộng”, về lý thuyết, Mỹ Linh không hợp với một ca khúc “lắt léo” như Chiếc Khăn Piêu, tuy nhiên bản phối mới của Nguyên Lê không chỉ đưa nữ ca sĩ thăng hoa cùng cảm xúc mà còn giúp khuấy động khán phòng cực kỳ hiệu quả. Cũng không thể không nhắc đến những cú solo tuyệt tác của pianist Benjamin Schatz với đôi tay nghệ sĩ như bay múa trên phím ngà. Đó là những thứ không phải lúc nào dân ghiền jazz ở thủ đô cũng có cơ hội được trải nghiệm tận mắt, tận tai.

Sự trưởng thành của các ban nhạc trẻ như Yellow Star Big Band có công rất lớn của các thầy trường Quân đội.
Sự trưởng thành của các ban nhạc trẻ như Yellow Star Big Band có công rất lớn của các thầy trường Quân đội.

Nhưng nếu phải chọn ra một ngôi sao thì đó phải là tay trống Lê Minh Hiếu, người không chỉ cầm trịch rất tốt ở Jazz Glory Band mà còn chơi đầy chững chạc và không hề lép vế trước các bậc cha chú trong ban nhạc của Nguyên Lê. Chính jazzmen lão làng cũng thừa nhận đây là một tài năng thực sự hiếm thấy và tương lai sẽ còn tiến rất xa trên con đường nghệ thuật. Những màn solo của cậu trai 20 tuổi luôn mang lại sự phấn khích tột độ cho người nghe và đến khi ra về, hẳn nhiều người đã nhớ như in trong đầu cái tên Lê Minh Hiếu. Ai đã từng xem phim Whiplash hẳn sẽ còn thấu hiểu hơn nữa cái giá của đam mê: ngoài tài năng còn cần rất nhiều khổ luyện, nhất là với jazz – dòng nhạc tinh tế, phức tạp và khó nắm bắt bậc nhất, ngay cả với các nhạc công thâm niên.

Ba tiếng đồng hồ của dêm diễn The BandFest đầu tiên trôi qua với rất nhiều dư vị ngọt ngào cho cả khán thính giả và các nghệ sĩ trên sân khấu. Dù vẫn có những giây phút hai bên chưa thực sự đồng cảm - vì jazz, nhất là jazz hòa tấu vẫn chưa phải món ăn quen - nhưng một khởi đầu thuận lợi như vậy đã cho thấy The BandFest chắc chắn sẽ trở thành một lựa chọn tất yếu với rất nhiều người yêu nhạc khi trở lại vào các năm sau. Với rất nhiều yếu tố còn mới mẻ và đặc sắc hơn nữa!

The BandFest 2018: Sân chơi sôi động của jazz và tuổi trẻ - 6

The BandFest 2018: Sân chơi sôi động của jazz và tuổi trẻ - 7

The BandFest 2018: Sân chơi sôi động của jazz và tuổi trẻ - 8


The BandFest 2018 diễn ra tối 30/4 tại Hà Nội là sân chơi sôi động của jazz và tuổi trẻ...

The BandFest 2018 diễn ra tối 30/4 tại Hà Nội là sân chơi sôi động của jazz và tuổi trẻ...

Hoàng Cương

Ảnh: Minh Tâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm