Tại sao các ca khúc trước 1975 phải xin phép, còn sáng tác nhảm nhí lại không?

(Dân trí) - Trong khi không ít các sáng tác trước năm 1975 quen thuộc với khán giả vướng phải rào cản vì thủ tục xin cấp phép phổ biến thì nhiều sáng tác mới nhảm nhí, ngôn từ ngô nghê, thô tục… lại vô tư “thả nổi”!

Lập danh sách ca khúc cấm thay vì cấp phép "nhỏ giọt"?

Hội thảo chuyên đề “Hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay” do Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Vụ Pháp chế và Thanh tra Bộ VH,TT&DL phối hợp tổ chức đã diễn ra ngày 31/10 tại Hà Nội.

Hội thảo chuyên đề Hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức sáng 31/10 tại Hà Nội. (Ảnh: Gia Linh)
Hội thảo chuyên đề Hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức sáng 31/10 tại Hà Nội. (Ảnh: Gia Linh)

Tại hội thảo, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến đặt vấn đề việc cấp phép các sáng tác trước năm 1975 đã sửa đổi nhưng vẫn còn những bất cập, vậy tại sao không xóa bỏ việc cấp phép?

Theo ý kiến riêng của nhạc sĩ Trần Lệ Chiến, nếu còn duy trì việc cấp phép ca khúc xưa có nghĩa là không chấp nhận sự hòa hợp, hòa giải dân tộc.

Đồng quan điểm, ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Đăk Lăk cũng cho rằng, để tạo điều kiện cho người sử dụng và người nghe dễ dàng đối chiếu, Cục Nghệ thuật Biểu diễn nên nghĩ đến việc lập danh sách những ca khúc không được phổ biến.

Ông Nguyễn Hữu Ngân, Sở VH,TT&DL Hải Dương lại ví von rằng, việc lập danh sách cấm cũng như nhặt sạn trong một thúng cát, dễ hơn nhặt từng hạt cát.

"Trên website của Cục đăng tải các ca khúc được cấp phép, nhưng tôi tra thì bài có, bài không, nên phải tra lại trên mạng xem ca khúc đó ra đời năm bao nhiêu, trước hay sau năm 1975", ông nói. Ông Ngân cũng đồng tình với quan điểm nên lập danh sách các ca khúc cấm thay vì cấp phép phổ biến từng ca khúc, một cách "nhỏ giọt".

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL, ông Vương Duy Biên chủ trì hội thảo- cho rằng khó khả thi bởi khó có thể cập nhật được hết danh mục các sáng tác. Cũng theo lãnh đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn, có rất nhiều bài hát trước 1975 còn đang được tác giả, gia đình tác giả nắm giữ chưa xin phép phổ biến nên khó đưa ra danh sách các sáng tác được phép phổ biến, không được phép hoặc chưa xin phép.

Đến lúc quy định cấp phép các sáng tác mới?

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến thắc mắc, tại sao có quy định các ca khúc trước năm 1975 phải xin phép phổ biến, còn sáng tác mới lại không?.

Bởi trong khi không ít các sáng tác trước năm 1975 quen thuộc với khán giả vướng phải rào cản vì thủ tục xin cấp phép phổ biến thì nhiều sáng tác mới nhảm nhí, ngôn từ ngô nghê, thô tục… lại vô tư “thả nổi”!

Chính sự “thông thoáng” trong cách quản lý này đã “xuất hiện nhiều nhạc sĩ trẻ sáng tác nhiều bản rock, hip hop, ngôn từ ngô nghê, chẳng hiểu gì”, ông Nguyễn Văn Trực - Trưởng phòng Quản lý Nghệ thuật (Sở VH&TT Hà Nội) nói.

Hình ảnh trong MV Như cái lò. MV gây ồn ào bởi ca từ nhạy cảm....
Hình ảnh trong MV "Như cái lò". MV gây ồn ào bởi ca từ nhạy cảm....

Theo ông Nguyễn Văn Trực, trong quá trình cấp phép, nhiều sáng tác mới hạn chế chất lượng nghệ thuật nhưng vẫn được phép biểu diễn vì không phạm vào điều cấm: Không vi phạm chính trị, chính sách. Thế mới có chuyện, rất nhiều sáng tác của Sơn Tùng M-TP trở thành “hiện tượng” trong giới trẻ nhưng lại không có độ tương xứng cho những đóng góp vào dòng chảy âm nhạc Việt. Chưa kể là những tác phẩm này vướng phải ồn ào đạo nhạc.

Ông Lê Minh Tuấn, Cục Phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng thừa nhận thực trạng hiện nay nhiều clip ca nhạc có ca từ nhảm nhí và hình ảnh phản cảm được phổ biến, truyền tải tự do. “ Nhiều ví dụ về việc các sáng tác hiện nay sử dụng ca từ nhảm nhí đang rất phổ biến trong giới trẻ như “Phiếu bé ngoan”, “Tan Ka Ka”, “Em không hối tiếc”, hay gần đây nhất là sản phẩm "Như cái lò"… “, ông Tuấn nói.

Ông Lê Minh Tuấn cho rằng, đây là những hạn chế cần phải khắc phục trong hoạt động sáng tác, lưu hành các tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc. Khắc phục từ việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, áp dụng chính sách vào đời sống; nâng cao nhận thức, và hành động của các tổ chức, cá nhân trong quá trình tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn; phong cách thưởng thức nghệ thuật của khán giả…

Xoay quanh vấn đề nhạc trẻ, nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam lại đưa ra góc nhìn khác. Theo bà Châu, các ca khúc đó không có giá trị nhưng vẫn phải xem để biết giới trẻ đang xem cái gì, thích cái gì. “Muốn việc quản lý chất lượng ca khúc được nâng cao, người làm quản lý văn hóa không nên quay lưng với internet và mạng xã hội, vì đó là kênh thẩm định chất lượng tác phẩm một cách hữu hiệu”, bà Châu bày tỏ.

***

Có thể thấy, các chính sách pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn dù đã được quy định trong Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP nhưng khi áp dụng vào thực tế vẫn còn kẽ hở để “lách luật” hoặc “quá chặt” để làm khó người sáng tạo và đơn vị tổ chức biểu diễn.

Chính vì vậy, Bộ VH,TT&DL sẽ tiếp tục lấy ý kiến để hy vọng sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nghị định hoặc Luật về nghệ thuật biểu diễn, nhằm hiệu quả trong công tác quản lý, thúc đẩy sự phát triển của văn hóa nghệ thuật.

Nguyễn Hằng