Stephen Hawking trong siêu phẩm điện ảnh “Thuyết yêu thương”
(Dân trí) - Bộ phim tiểu sử làm về một nhà khoa học kiệt xuất nhưng cũng rất “đời thường”. Bản thân Hawking khi xem xong bộ phim này, cũng đã khóc. Người y tá chăm sóc cho ông kể lại rằng cô đã lau dòng nước mắt lăn trên má ông.
Trong số những phim tiểu sử làm về các thiên tài có thật được giới điện ảnh đánh giá cao, “The Theory of Everything” (Thuyết yêu thương - 2014) là bộ phim nổi bật, kể về những năm tháng tuổi trẻ và chặng đường đối diện với bệnh tật của nhà vật lý học lừng danh Stephen Hawking (1942-2018).
Chuyện phim chân thực kể về tiểu sử của một thiên tài, một người khổng lồ của trí tuệ nhân loại trong thế kỷ 20, và cuộc vật lộn với căn bệnh hiếm gặp.
Như một định mệnh, Stephen Hawking phải chịu lời nguyền của những “thiên tài bị hành hạ” khi ông mắc phải căn bệnh về thần kinh vận động, gây ra hiện tượng teo cơ, khiến ông gần như liệt toàn thân và phải giao tiếp thông qua một thiết bị hỗ trợ phát ra giọng nói.
Điều mà những bộ phim tiểu sử làm về cuộc đời thiên tài thường phải đối mặt, đó là làm sao để chuyện đời nhân vật không bị đi vào lối kể sáo mòn, nhàm tẻ, bởi công chúng vốn đã biết ít nhiều về họ.
Làm sao để chuyện phim dù không thể vượt ra ngoài những gì công chúng đã biết, vẫn có thể tạo ra được xúc cảm nơi người xem; và khó hơn nữa, là giải thích được những khái niệm khoa học chuyên môn làm nên thành tựu sự nghiệp của thiên tài, mà thường những khái niệm này lại quá phức tạp, khó hiểu và không khiến nhiều người muốn hiểu sâu.
Là một bộ phim tiểu sử thành công, “The Theory of Everything” từng nhận được 5 đề cử tại giải Oscar gồm đề cử Nam chính/Nữ chính/Kịch bản chuyển thể/Nhạc phim/Phim hay nhất. Sau cùng, nam chính Eddie Redmayne đã rinh về tượng vàng.
Bộ phim không chỉ được giới phê bình trân trọng mà còn được công chúng yêu chuộng, với kinh phí làm phim chỉ 15 triệu USD. Phim đã thu về 1123,7 triệu USD từ phòng vé.
Không vượt ra khỏi công thức khuôn mẫu của một phim tiểu sử, “The Theory of Everything” đã xử lý những thách thức đặt ra theo cách ấn tượng nhất, để chuyện phim chạm tới trái tim người xem.
Câu chuyện tình yêu giữa nhà khoa học trẻ tuổi Stephen Hawking và người vợ đầu tiên - Jane (nữ diễn viên Felicity Jones) được đặt ở vị trí trung tâm chuyện phim. Chỉ sau 2 phút vào phim, hai nhân vật chính đã gặp được nhau. Tình yêu của họ diễn ra như cơn lốc xoáy cho thấy sự đam mê, thấu hiểu và gắn bó định mệnh giữa hai người.
Chàng là một nghiên cứu sinh đang học lên tiến sĩ ở trường đại học danh tiếng, có dáng đi gù gù, tính tình vui vẻ, hoạt bát và đầy tự tin; nàng là một cô gái thân thiện, dễ mến đang học lên tiến sĩ chuyên ngành văn chương trung cổ. Họ trẻ trung, đùa cợt, và tán tỉnh nhau. Rồi loạng choạng trên đôi chân mình, chàng gặp phải một tai nạn, ngã sõng soài đột ngột…
Được chẩn đoán mắc bệnh về thần kinh vận động sau cú ngã choáng váng, Hawking ban đầu được cho là chỉ còn khoảng hai năm để sống. Nhưng trong vòng 30 năm sau đó, cho tới khi Hawking ly hôn Jane hồi năm 1995, Jane đã dành tặng phần đẹp nhất của cuộc đời mình để ở bên chăm sóc Hawking và nuôi lớn ba người con của họ.
Kịch bản của phim được chuyển thể từ cuốn tự truyện của bà Jane - “Travelling to Infinity” (Đi tới vô cùng) - đã khắc họa khéo léo những khó khăn, những điều tế nhị, để giữ lại một sự trân trọng đầy ý tứ trước cuộc sống riêng tư của cặp đôi. Sẽ có rất nhiều câu hỏi mà người xem thầm đặt ra trong đầu nhưng không được trả lời.
Rằng cuộc sống gia đình khó khăn như vậy, họ có bao giờ cãi cọ không? Hawking bị bệnh như vậy, cặp đôi đã xoay xở thế nào để có ba người con?
Vì tình trạng bệnh tật, Hawking càng dành thời gian ở nhà nhiều hơn, khiến gánh nặng chăm sóc đặt lên vai Jane càng lớn, trong khi tình trạng sức khỏe của Hawking xấu dần theo thời gian.
Cặp đôi có những quan điểm khác biệt, nhưng tất cả những đối lập đó được thể hiện theo một cách nhẹ nhàng và lịch thiệp thông qua những cuộc tranh luận của hai con người đầy học thức và văn hóa.
Đến đây, “The Theory of Everything” dễ bị rơi vào cảnh khắc họa nhân vật thiếu kịch tính, dễ khiến nhân vật trở nên hời hợt, thiếu chiều sâu, thậm chí thiếu thực tế. Nhưng đó chính là Stephen Hawking, một con người xuất chúng, dù gặp định mệnh bi kịch, nhưng vẫn luôn hướng đến điều tích cực trong mọi hoàn cảnh.
Chỉ có điều, vì khía cạnh tích cực trong con người ông quá lớn, nên để khắc họa được những giằng xé đau đớn bên trong nội tâm của một con người siêu việt là không đơn giản.
Khi những tham vọng của bộ não bị cầm giữ đầy bất lực trong sự giới hạn khốn cùng của thể xác bệnh tật, cảm thấy như cơ thể mình đang phản bội lại chính mình, thì chuyện phim quyết định chuyển hướng…
Thực tế, chuyện phim đã tách ra khỏi góc nhìn của nhân vật Stephen Hawking kể từ thời điểm nhân vật phải ngồi trong tư thế vặn vẹo trên chiếc xe lăn. Đó như một sự bất lực âm thầm, cũng chính là khi Jane bắt đầu gặp Jonathan, một người đàn ông góa vợ mà cô quen khi tham gia dàn đồng ca ở nhà thờ.
Dần dần, Jonathan trở thành một phần của ngôi nhà, trở thành bạn không chỉ của Jane, mà của cả Hawking và bọn trẻ. Giữa Jane và Jonathan hình thành nên những tình cảm thuần khiết.
Lúc này, Jane bị đặt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, là một phụ nữ còn những khao khát yêu thương mạnh mẽ, đã bị đặt quá lâu trong gánh nặng của trách nhiệm gia đình, Jane mơ hồ hướng đến một tình yêu giản dị, nhẹ nhàng hơn…
Trong phim, diễn xuất của nam chính Eddie Redmayne đã khiến cả giới phê bình và khán giả choáng ngợp: hoàn toàn thuyết phục về mặt tạo hình; chuẩn xác trong cách khắc họa căn bệnh về thần kinh vận động; gần sát với cá tính, biểu cảm của nguyên mẫu - vừa đủ ấm áp nhưng không lạc quan, nồng nhiệt thái quá.
Trong khi chuyện phim để trống những khắc họa giằng xé, dày vò đau đớn trong nội tâm của con người thiên tài bị kìm nén trong thể xác bệnh tật, thì người xem vẫn có thể tự diễn giải thông qua những cảnh phim không lời.
Một cảnh phim gây ám ảnh, trong đó Hawking lần bước đầy khó khăn, đau đớn lên cầu thang, để tới chỗ cậu con trai nhỏ Robert đang nhìn xuống, là một cảnh lột tả sự suy sụp về thể chất, đau đớn, bức bối về tinh thần của người cha bệnh tật.
Sự đau đớn không lời của Hawking còn được khắc họa lần thứ hai trong một cảnh cuối phim, khi nước mắt ông rơi lúc Hawking và vợ phải đối diện với thực tế rằng cuộc hôn nhân qua nửa đời người của họ không còn cứu vãn được nữa.
Với “The Theory of Everything”, người xem thán phục bộ óc siêu việt của Hawking, rơi nước mắt trước số phận nghiệt ngã của một con người xuất chúng, và rung động trước sự cuộc tình đẹp của hai con người ưu tú, đã dành cho nhau những gì đẹp nhất có thể.
Bộ phim tiểu sử làm về một nhà khoa học kiệt xuất nhưng cũng rất “đời thường”. Bản thân Hawking khi xem xong bộ phim này, cũng đã khóc. Người y tá chăm sóc cho ông kể lại rằng cô đã lau dòng nước mắt lăn trên má ông.
Sinh thời, Stephen Hawking - nhân vật nguyên mẫu của bộ phim - đã lên tiếng khen ngợi tính chân thực của tác phẩm điện ảnh. Bộ phim khiến nhà khoa học tin rằng ông đang được nhìn thấy chính mình trên màn ảnh. Có nhiều bộ phim làm về Hawking, nhưng đây xứng đáng là một tác phẩm điện ảnh kết hợp giữa yếu tố chân thực và tính nghệ thuật để kể về một thiên tài.
Trailer phim “The Theory of Everything” (Thuyết yêu thương - 2014)
>> Nhà vật lý vĩ đại Stephen Hawking và con gái nuôi người Việt
>> Những bộ phim khiến người xem… thông minh hơn
>> Những sự hóa thân phi thường
Bích Ngọc
Theo Telegraph