Quyết định làm thay đổi lịch sử hội họa của Van Gogh
(Dân trí) - Van Gogh từng thử qua rất nhiều nghề, như buôn tranh, giảng dạy, thuyết pháp… nhưng đều thất bại.
Chân dung tự họa của Van Gogh
Trong lúc thất vọng và nghi ngờ bản thân, Van Gogh đã tìm tới hội họa. Một quyết định trong lúc “đường cùng” đã đưa lại cho hậu thế một danh họa.
Năm 1878, Vincent Van Gogh 25 tuổi - một độ tuổi chưa phải là già, nhưng cũng không còn quá trẻ, nhìn lại cuộc đời mình tới thời điểm bấy giờ, Van Gogh tự thấy không có thành tựu nào, sự nghiệp chưa ổn định và theo đánh giá của giới trung lưu thời bấy giờ, Van Gogh là một người đàn ông thất bại.
Từng có một thời gian làm việc cho một nhà buôn nghệ thuật ở thành phố Den Haag (Hà Lan), rồi London (Anh) và Paris (Pháp), nhưng ở đâu, Van Gogh cũng không thể làm tốt công việc của mình. Nhút nhát và ngượng nghịu, Van Gogh không thể nào đạt tới tầm chuyên nghiệp của một thương gia trong lĩnh vực buôn bán nghệ thuật. Vì vậy, ông nhanh chóng bị sa thải.
Sau đó, Van Gogh có thử công việc giảng dạy ở Anh, làm việc trong một hiệu sách ở Dordrecht (Hà Lan), rồi chuyển tới Amsterdam (Hà Lan) để học làm mục sư với hy vọng nối nghiệp cha…
Nhưng dù ở công việc nào, Van Gogh cũng không bao giờ nỗ lực hết mình, không có đủ sự kiên nhẫn và quyết tâm để nắm vững những hiểu biết cần có trong công việc. Đến năm 1878, vài tháng sau sinh nhật thứ 25, Van Gogh quyết định tới Brussels (Bỉ) tham gia một khóa đào tạo ngắn hạn dành cho người muốn làm nghề truyền giáo.
Tuy vậy, công việc này cũng lại vượt quá khả năng của ông. Sau 3 tháng thử thách, ông thể hiện quá tệ và không được chấp nhận vào học.
Tới lúc này, gia đình Van Gogh đã cảm thấy mất hết hy vọng về ông. Van Gogh đã không thể che giấu sự lạc lõng cũng như bản tính lập dị của ông, điều này thường được thể hiện ngay từ vẻ bề ngoài của Van Gogh, khi ông luôn thích ăn vận kỳ cục với vẻ cẩu thả hoàn toàn do cố ý.
Làm sao một người lập dị như Van Gogh có thể hy vọng thành đạt trong xã hội? Cha của Van Gogh bắt đầu nghĩ đến việc có nên đưa người con trai của mình vào điều trị trong bệnh viện tâm thần…
Tuy vậy, Van Gogh vẫn rất tin tưởng vào khả năng truyền giáo của mình và nghĩ rằng sẽ có thể làm tốt công việc này. Cuối năm 1878, ông lên đường tới vùng mỏ nghèo Borinage nằm ở phía tây thành phố Mons (Bỉ). Van Gogh quyết định trở thành người truyền giáo tự phong, đến thuyết pháp cho những người lao động nghèo khó.
Bức “Hai người đàn ông đang cuốc đất” (Vincent Van Gogh - 1889)
Ông ở lại đây tới tháng 10/1880 mới quay trở về thành phố Brussels (Bỉ), dù cuối cùng mục tiêu trở thành người truyền giáo cũng thất bại, nhưng việc đến Borinage đã đưa lại những tác động rất lớn đối với Van Gogh.
Trong thời gian ở Borinage, công việc truyền giáo của Van Gogh diễn ra tệ đến mức em gái ông từng khuyên anh trai nên trở thành thợ làm bánh, nhưng người em trai rất mực thương anh - Theo Van Gogh - đã khuyên Vincent nên trở thành một họa sĩ và Vincent đã làm theo lời khuyên của em trai.
Chính thời gian làm một nhà truyền giáo thất bại ở Borinage đã đưa lại cho Van Gogh những đề tài và mô-típ hội họa.
Bức “Những người ăn khoai tây” (Van Gogh - 1885)
Cuộc sống của Van Gogh ở Borinage không dễ chịu gì. Ông sống trong một căn lều lụp xụp, có bao nhiêu tiền ông đem giúp đỡ người nghèo, lại đem đổi tất cả những áo quần lịch sự của mình để lấy những trang phục lao động sờn rách của người dân bản địa.
Dù có lối sống chan hòa và thực sự hòa mình vào tầng lớp lao động, nhưng Van Gogh không phải một người thuyết giáo hay, vì vậy những cuộc gặp gỡ để thuyết pháp của Van Gogh thường rất ít người tới dự.
Ngoài ra, Van Gogh còn không thể hiểu được cách nói tiếng Pháp nhanh và mang nặng đặc trưng vùng miền của người dân bản địa, trong khi người dân nơi đây cũng gặp khó khăn trong việc nghe hiểu cách phát âm của Van Gogh.
Người dân ở Borinage dùng những từ ngữ bình dân, giản dị, còn Van Gogh lại có lối nói trịnh trọng, kiểu cách. Tháng 7/1879, nửa năm sau khi đến Borinage, Van Gogh càng gặp khó khăn khi chính quyền địa phương ra lệnh ngưng hoạt động truyền giáo của ông khiến Van Gogh càng cảm thấy mất lòng tin vào chính mình.
Bức “Người thức đêm” (Van Gogh - 1889)
Nhưng cũng chính trong lúc thất vọng nhất này, Van Gogh - giờ đã ở tuổi 26 - bắt đầu vẽ. Ước mong trở thành nhà truyền giáo dần nguội lạnh và Van Gogh tập trung vào hội họa.
“Anh thường nhớ tới vương quốc của những bức tranh” - Van Gogh đã viết như thế trong lá thư gửi cho em trai Theo vào mùa hè năm 1880, điều này ám chỉ Van Gogh nhớ những ngày còn làm nhà buôn tranh và ngày nào cũng được nhìn thấy những tác phẩm hội họa.
Mùa thu năm đó, Van Gogh rời Borinage để trở về Brussels (Bỉ), học vẽ tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia.
Bức “Hai người nông dân đào xới trên cánh đồng phủ tuyết lúc mặt trời lặn” (Van Gogh - 1890)
Điều gì ở Borinage đã khiến ông muốn trở thành họa sĩ? Thứ nhất, ông cảm thông với tầng lớp lao động. Lần đầu tiên trong cuộc đời mình, người đàn ông trung lưu Van Gogh làm bạn với những người lao động nghèo và ít học, công việc của họ nặng nhọc và nguy hiểm. Thứ hai, ông đã tìm thấy cho mình những đề tài hội họa từ vùng mỏ Borinage.
Giống như những họa sĩ mà ông ngưỡng mộ, Van Gogh muốn khắc họa cuộc sống của những người dân lao động. Chủ đề này đã luôn được phản ánh trong những bức tranh của ông suốt một thập kỷ sau, cho tới tận khi Van Gogh qua đời vì tự tử năm 1890.
Van Gogh từng viết trong một lá thư rằng: “Chính tại Borinage, lần đầu tiên trong đời tôi đã bắt đầu lao động chăm chỉ một cách thực chất nhất”.
Bức “Đường phố ở thị trấn Auvers-sur-Oise, Pháp” (Van Gogh - 1890)
Rất ít tác phẩm được Van Gogh thực hiện từ thời còn ở Borinage tồn tại cho tới hôm nay, bởi tự tay Van Gogh đã hủy hoại những tác phẩm này, như ông đã tiết lộ trong một lá thư gửi cho người bạn.
Có thể Van Gogh cảm thấy những tác phẩm thuở mới cầm cọ quá vụng về, cũng có thể những bức tranh đó gợi lại những cảm xúc quá mãnh liệt về một giai đoạn ông mông lung không biết mình nên làm gì trong đời và cũng là giai đoạn đang đi tìm cho mình một cái Tôi bản ngã trong hội họa.
Trong suốt một thập kỷ cầm cọ vẽ của mình, Van Gogh chỉ bán được một bức tranh với giá gần như cho. Lúc sinh thời, ngay cả nghề họa sĩ - nghề nghiệp gắn bó với ông trong những năm tháng cuối đời - cũng không đem lại cho Van Gogh một sự nghiệp thành công. Ông phải dựa vào sự chu cấp của em trai để có tiền sinh sống, thậm chí, để mua màu vẽ.
Bức “Người gieo hạt” (Van Gogh - 1888)
Sau hàng loạt những thất bại liên tiếp trong cuộc đời, đến nay, Van Gogh - người đàn ông bất hạnh nhất của thế giới hội họa - đã được hậu thế nhìn nhận như một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20 trong lĩnh vực hội họa.
Bích Ngọc
Theo BBC